Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Cam kết giải ngân kịp thời
Ngân hàng Nhà nước quyết định chấm dứt ký kết hợp đồng tín dụng mới gói 30.000 tỷ đồng từ ngày 31.3.2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tiếp tục giải ngân hết gói tín dụng này sau ngày 1.6.2016 đã giải tỏa nỗi “hoang mang” của nhiều khách hàng có hồ sơ vay vốn tồn đọng. Tại Quảng Nam, phía ngân hàng cho biết sẽ giải ngân kịp thời cho khách hàng vay gói tín dụng này.
Không vướng mắc
Ngày 1.6.2013, gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP bắt đầu đưa vào triển khai với mục tiêu hoàn thành trong 3 năm là chấm dứt (ngày 1.6.2016). Gói tín dụng ưu đãi này được xem là “liều thuốc cấp cứu” cho thị trường bất động sản bị đóng băng và hỗ trợ cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người thu nhập thấp có điều kiện sở hữu nhà. Ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay, tiếp cận vốn vay ưu đãi này không hề khó. Chỉ cần xác nhận của địa phương, cơ quan khi có hộ khẩu tại Quảng Nam không có nhà ở đều được vay vốn để mua, xây, sửa nhà ở tại đô thị. Song thực tế lại khác xa so với dự định của người vay lẫn ngân hàng. Trong hai năm đầu, dù đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai cho những khách hàng đáp ứng đủ điều kiện nay vốn nhưng chỉ có thể giải ngân 1 món với dư nợ gần 300 triệu đồng (mua nhà tại dự án Nesthome, Đà Nẵng). Người dân có nhu cầu về nhà ở nhưng lại thiếu nguồn cung cấp nhà ở xã hội. Hai doanh nghiệp thuộc tổng số 113 dự án trên toàn quốc được phê duyệt các dự án xây dựng khu nhà dành cho người có thu nhập thấp tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và dự án khu nhà công nhân, khu dịch vụ thương mại tại Cụm công nghiệp Đại Quang (Đại Lộc), nhưng họ không gửi hồ sơ triển khai vì thấy thiếu hiệu quả thực tế.
Dự án xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại Điện Nam – Điện Ngọc không thể triển khai là một trong những nguyên nhân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thiếu hiệu quả tại Quảng Nam. Ảnh: N.P |
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, nếu đến cuối năm 2014, không có mấy khách hàng đến vay vốn ngân hàng theo gói tín dụng này thì đến quý I.2016, có khoảng 350 hồ sơ vay theo gói ưu đãi này, dư nợ khoảng 163,2 tỷ đồng. Số hồ sơ cho vay nhiều nhất thuộc Ngân hàng BIDV và Ngoại thương. Ông Diện không nói là số hồ sơ, cam kết tín dụng hay giải ngân nhiều hay ít, chỉ cho biết sẽ giải ngân hết những hồ sơ vay theo diện này. Cho dù nếu không có việc giãn thời hạn giải ngân thì việc cho vay này ở Quảng Nam không có gì vướng mắc. Kết quả kiểm tra, giám sát của ngân hàng cho thấy tất cả khách hàng cho vay đều đúng đối tượng. Ngân hàng sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra gói 30.000 tỷ đồng để bóc, tách cái nào cho vay đúng, cho vay sai.
Sẵn sàng giải ngân
Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại dừng ký hợp đồng tín dụng mới gói 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 31.3.2016, tập trung giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký kết với lý do số tiền cam kết cho vay của các ngân hàng đã đạt trên 30.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý tiếp tục giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng cho những hợp đồng tín dụng đã được ký kết trước đó. Đây là một biện pháp gỡ bỏ gánh nặng cho các ngân hàng, khách hàng vay vốn và là động thái trấn an dư luận xã hội khỏi hoang mang khi chính sách cho người nghèo bị thay đổi đột ngột. Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, ngay cả Chính phủ không đồng ý giải ngân hay dừng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều tại Quảng Nam. Ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương cho hay các ngân hàng đã sẵn sàng giải ngân hết hồ sơ trong những ngày còn lại. Tất cả hợp đồng đã được ký kết sẽ nhanh chóng được giải ngân, không để bất cứ khách hàng nào bị thiệt thòi.
Gói 30.000 tỷ đồng coi như đã kết thúc. Những người không kịp ký hợp đồng tỏ ra “nuối tiếc” vì “lỡ đò”, nhưng ngay cả những người đã ký hợp đồng vẫn còn không ít băn khoăn khi giới ngân hàng cho hay không có nghĩa tất cả khách hàng (đã ký hợp đồng) đều có thể hưởng lãi suất ưu đãi trọn vẹn. Hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa công bố số liệu tổng hợp, ngoại trừ việc số tiền ngân hàng cam kết đã vượt hạn mức quy định 30.000 tỷ đồng. Liệu một khi đã giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng thì những hồ sơ chưa giải ngân kịp có được thụ hưởng lãi suất ưu đãi như ban đầu hay không? Ông Nguyễn Văn Diện khẳng định việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này tại Quảng Nam không có gì sai trái. Không một ngân hàng nào giam hồ sơ người vay. Không ai kêu ca là khó tiếp cận vốn, trừ những người không đủ điều kiện. Người vay cao nhất chỉ khoảng 700 triệu đồng, còn phần lớn chỉ từ 200 - 500 triệu đồng. Mấu chốt của gói 30.000 tỷ đồng chưa có sức lan tỏa lớn tại Quảng Nam bởi thiếu nguồn cung sản phẩm (thiếu nguồn cung ứng nhà ở xã hội) và người vay tiếp cận vốn quá chậm. “Các ngân hàng giải ngân theo tiến độ xây dựng là nguyên tắc theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng là giải ngân từng phần. Không phải cứ “hô” là có ngay mà ngân hàng phải kiểm tra, nghiệm thu việc vay vốn có đúng mục đích hay không. Ngân hàng cam kết sẽ giải ngân hết những hồ sơ tồn đọng trước ngày 1.6.2016, sẽ không để lại vướng mắc nào” - ông Diện nói.
NHẬT PHONG