Chính sách không nên mang tính "thời vụ"

TÙY PHONG 06/04/2016 08:25

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, có thể gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được xem là gói tín dụng an sinh xã hội, tín dụng vì dân khi nhìn vào tính chất của nó. Một căn nhà cho những công nhân viên chức, người lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp hay người nghèo ở đô thị hiện vẫn là ước mơ xa vời. Vì thế, khi Ngân hàng Nhà nước công bố việc đưa ra gói tín dụng này không nhằm cứu thị trường bất động sản mà để giúp những người thu nhập thấp có thể mua được nhà khi có nhu cầu chính đáng. Cho dù đây là chương trình tín dụng chính sách, không phải là vốn ngân sách cấp cho các đối tượng mua nhà ở xã hội, xây dựng nhà và lãi suất thấp, thời hạn dài nhưng mấu chốt là người vay phải có thu nhập để trả gốc và lãi vay theo định kỳ cho ngân hàng… thì vẫn là niềm vui và cơ hội đã bắt đầu đến tay người nghèo.

Tuy nhiên, thực tế những gì diễn ra ở Quảng Nam cho thấy vì sao gói tín dụng này vẫn chưa thông khi nhu cầu vẫn lớn? Nếu như có thể lý giải thiếu nguồn cung nhà ở xã hội nên nhiều người ở Quảng Nam mất đi một cơ hội tiếp cận vốn giá rẻ, thì một trong những nguyên nhân ách tắc dòng vốn là bởi lượng thông tin hữu ích về chính sách vẫn chưa đến được với các đối tượng thực sự có nhu cầu một cách kịp thời. Một thông tin chính sách mới nhiều khi không đơn giản chỉ là nói hay phổ biến mà phải đi kèm với các giải pháp cụ thể, thực sự có trách nhiệm của các cơ quan công quyền, không thể để người dân “tự bơi” trong mớ bòng bong của thủ tục hành chính hiện tại. Có thể chính quyền địa phương huyện, xã có lý khi viện dẫn lý do là không thể xác nhận thực trạng nhà ở chung chung hay ngân hàng phải đối mặt với áp lực tăng cường năng lực tiếp cận, phục vụ người vay theo chủ trương chung của Chính phủ trong lúc hành lang pháp lý chưa đồng bộ.

Dư luận không thể không đặt ra câu hỏi một chính sách tín dụng được coi như “vì dân” này cứu ai? Thực chất là cứu doanh nghiệp bất động sản hay là cứu người nghèo để cho họ có được một chốn an cư? Sở dĩ phải bàn đến chuyện này bởi chắc chắn sẽ còn có thêm nhiều gói tín dụng ưu đãi khác nữa sẽ lại ra đời, bảo đảm tính an sinh xã hội và phát triển bền vững. Có thể rút kinh nghiệm từ khá nhiều bất cập tồn tại qua thực tế triển khai gói 30.000 tỷ đồng như gói tín dụng hỗ trợ tiếp theo cần tạo ra những quy định thông thoáng hơn, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho người vay để dễ dàng tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, góp phần hiện thực hóa ước mơ của những người thu nhập thấp. Nếu thực sự khơi thông dòng tín dụng này trên tinh thần cầu thị, vì dân thì khả năng sẽ có rất nhiều người dân không mất cơ hội hưởng lợi từ chương trình này. Hơn hết, công luận vẫn hy vọng rằng các chính sách tín dụng phát triển nhà ở xã hội hay tín dụng hỗ trợ người nghèo, thu nhập thấp không nên là chính sách có tính “thời vụ” mà cần có chiến lược lâu dài trong suốt quá trình phát triển kinh tế, để không thêm nhiều người vuột mất niềm hy vọng vì sự thiếu quan tâm của cộng đồng.

TÙY PHONG

TÙY PHONG