Tâm huyết với cội nguồn
Điểm khác biệt nhất ở xưởng gỗ của anh Lê Nguyễn Thanh Quan so với nhiều xưởng thủ công mỹ nghệ tiếng tăm khác ở Điện Bàn là khuyến khích sản xuất các sản phẩm thuần Việt.
Là người sôi nổi và nhiệt huyết với các hoạt động xã hội, nhiều năm liền trước đây anh Quan là bí thư đoàn của thôn Đông Khương 2, xã Điện Phương (Điện Bàn). Nhưng tới năm 2007, tự thấy mình còn nhiều hoài bão ấp ủ, anh Quan đã chủ động xin thôi công việc phụ trách đoàn để tập trung làm kinh tế. Có sẵn tay nghề khi từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế nhưng do chỉ có số vốn ít ỏi 24 triệu đồng, anh đã phải vay thêm của người bà con 26 triệu đồng để đáp ứng đủ số kinh phí ban đầu thành lập xưởng gỗ. Khi đó Huyện đoàn Điện Bàn đã ngỏ ý sẽ hỗ trợ thủ tục để vay vốn ưu đãi nhưng anh Quan từ chối và muốn bước từng bước chậm, chắc và tự lực cánh sinh.
Ban đầu, xưởng gỗ Uy Long chỉ có một mình anh là thợ và hai người phụ việc. Sau gần mười năm gầy dựng lúc này xưởng của anh đã mở rộng tạo công ăn việc làm cho 7 thợ chính và một số học viên, lương khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng. Anh Lê Hùng Vương, 22 tuổi cho hay nhờ theo học việc ở xưởng gỗ anh Quan giờ đây đã có nghề nghiệp ổn định. Hiện tại, trong số lao động ở xưởng gỗ của anh Quan còn có một lao động khuyết tật khá lành nghề. Sản phẩm của anh thời gian gần đây được khách hàng Nhật Bản, Trung Quốc ưa chuộng.
Mẫu vật từng giúp anh Quan đoạt giải khuyến khích cuộc thi “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” của tỉnh Quảng Nam năm 2015. Ảnh: Q.T |
Dù tất bật với công việc nhưng người thanh niên 37 tuổi này vẫn không từ bỏ đam mê hoạt động xã hội. Anh Quan cho rằng chỉ bỏ việc đoàn trên danh nghĩa chứ không vắng mặt ở bất cứ hoạt động nào trên địa bàn xã. Ngoài ra, anh còn ủng hộ 35 triệu đồng cho Thị đoàn Điện Bàn gây quỹ từ thiện, từ giải khuyến khích cuộc thi “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” của tỉnh năm 2015. Anh Quan cũng là hội viên trẻ nhất trong Ban Chấp hành Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ tỉnh.
Điều đặc biệt nhất ở xưởng gỗ Uy Long là ưu tiên phát triển sản phẩm thuần Việt. “Tất nhiên khi khách hàng đến đặt sản xuất các sản phẩm giá trị từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc tôi không thể từ chối bởi đó là nguồn thu để duy trì hoạt động. Nhưng trong các sản phẩm tự mình chế tác, tôi không bao giờ sáng tạo các sản phẩm mang hơi hướng các giá trị ngoại quốc bởi lòng tự hào về quê hương, đất nước” - anh Quan tâm sự. Không ít lần khách hàng trong nước vô tình bắt gặp và yêu cầu sản xuất thêm những mẫu sản phẩm thủ công rất ngộ nghĩnh, độc đáo mang truyền thống của Trung Quốc mà khách hàng đến từ thị trường này đặt hàng ở xưởng anh đều từ chối và khuyến khích người dân tìm về văn hóa dân tộc.
Bản thân anh Quan cũng rất tích cực mày mò chế tác các sản phẩm độc đáo mới lạ để quảng bá văn hóa xứ Quảng thay vì đi theo lối mòn những sản phẩm du lịch truyền thống. Năm ngoái, anh đã sáng tạo ra “kỷ ấn Hội thành” tức con dấu mang hình ảnh Chùa Cầu khi nhúng mực có thể lưu hình ảnh về phố cổ Hội An để du khách có thể lưu lại kỷ niệm khi đến Quảng Nam. Đam mê, tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, anh luôn thấm thía lời dặn của giáo sư Hoàng Chương trong một lần gặp gỡ “Một đất nước chưa có nền văn hóa riêng là đất nước chưa thật sự độc lập”.
QUỐC TUẤN