Xây dựng sản phẩm chè dây

TRẦN CÔNG TÚ 17/03/2016 10:23

Hướng đến sự bền vững và quyết tâm đưa chè dây ra zéh trở thành sản phẩm hàng hóa, huyện Đông Giang đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển loại cây thuốc bản địa quý này ở xã Tư.  

Khoanh nuôi ra zéh

Với tâm trạng hồ hởi, anh Cườm (cán bộ Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang) và anh Trường (cán bộ Văn phòng UBND xã Tư) nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi đi xem một vài mô hình thực nghiệm trồng cây chè dây ra zéh ở thôn Nà Hoa. Tại vườn nhà ông Nguyễn Văn Phôn (thôn Nà Hoa), loại thân dây lá thon nhỏ, chân chim có răng cưa này đang sinh trưởng tốt sau khoảng 5 tháng được trồng, chăm sóc kỹ lưỡng. Vợ ông Phôn nói: “Trước mắt, gia đình mình xuống giống 150 gốc thử xem sao, rồi sau đó mới nhân rộng ra. Hơn 2 tháng nữa, chè dây cao lên thì phải làm giàn cho leo, kẻo nó ngã rạp xuống đất”. Không riêng gì hộ ông Phôn, một số gia đình tại các thôn Điềm, Lấy đã đưa gốc chè dây vào lòng đất từ vài tháng qua. Theo anh Trường, xã Tư hiện trồng mới khoảng 10ha. Cạnh đó, đồng bào còn trực tiếp khoanh nuôi, bảo vệ trong những khu đất rừng sau nương rẫy ước đạt khoảng 30ha, trên diện tích thực tế 100ha đang tái sinh tự nhiên. Con số này có được sau khi địa phương triển khai dự án bảo tồn, phát triển cây chè dây ra zéh giai đoạn 2015 - 2020 mà UBND huyện Đông Giang đã phê duyệt.

Người dân xã Tư trồng chè dây trong vườn nhà.Ảnh: T.C.T
Người dân xã Tư trồng chè dây trong vườn nhà.Ảnh: T.C.T

Đi theo vợ ông Phôn và cán bộ địa phương, chúng tôi bắt đầu thâm nhập thực tế khu vực khoanh trồng của gia đình nằm cách nhà khoảng 300m về phía bắc, lội qua dòng suối nước dâng chưa đến đầu gối. Phía bìa rừng, UBND xã Tư cẩn thận cắm biển báo, có nội dung: “Khu vực khoanh nuôi, trồng bảo vệ cây chè dây. Cấm thu hái trái phép”. Bước vào bên trong, vô số ngọn chè dây vươn cao gần nửa mét, xen giữa những gốc và cành cây cháy sém nằm ngổn ngang. Vợ ông Phôn cho hay, trước đây, bà đã biết công dụng của loại cây bản địa nên chặt về nấu nước cho chồng uống để chữa trị bệnh đau đại tràng. Nhờ vị thuốc của chè dây, bệnh của ông Phôn hiện không còn tái phát. Gần 1 năm trở lại đây, gia đình bà cùng xóm giềng được huyện, xã tuyên truyền về lợi ích kinh tế và sự cần thiết phải bảo tồn ra zéh. Vợ chồng ông Phôn quyết định phát 0,8ha rừng keo rồi tiến hành khoanh nuôi cây có sẵn, đồng thời trồng thêm vào chỗ trống dưới sự hướng dẫn tận tình của cán bộ chuyên môn. Theo vợ ông Phôn, nếu làm thủ công, người dân hái về rồi cắt, phơi, bỏ vào bao lên men sẽ bán 150 nghìn đồng/kg; còn không ủ lên men mà chỉ phơi khô thì có giá 90 nghìn đồng/kg.        

Hướng đi bền vững

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, ngành chức năng đã hoàn thiện mọi thủ tục để đăng ký chứng nhận “Chè dây Ra Zéh” là nhãn hiệu tập thể độc quyền. Cũng từ nguồn khuyến công, huyện hỗ trợ tổ hợp tác đưa sản phẩm tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đồng thời hỗ trợ chi phí về bao bì và sẽ đầu tư máy móc vào thời gian sớm nhất.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang, thổ nhưỡng tại xã Tư phù hợp cho chè dây ra zéh sinh trưởng mạnh, được đồng bào sử dụng như vị thuốc dân gian chữa các loại bệnh liên quan đến dạ dày, đường ruột như ợ chua, đau rát thượng vị và có tác dụng an thần, chữa mất ngủ. Người ở nơi khác đã tìm đến đặt mua ngày càng nhiều. Nhưng do khai thác quá mức, trữ lượng chè dây tự nhiên cạn kiệt dần. Cạnh đó, khâu chế biến, bảo quản mang tính thủ công khiến chất lượng sản phẩm giảm sút. Chính vì vậy, huyện chỉ đạo ngành chức năng tiến hành khảo sát, quy hoạch vùng khoanh nuôi và trồng, phê duyệt và triển khai dự án bảo tồn, phát triển. “Xã Tư đã thành lập Ban quản lý dự án, đồng thời ra mắt Tổ hợp tác chè dây Ra Zéh gồm 38 thành viên. Qua vận động, bước đầu một số người dân trên địa bàn hưởng ứng triển khai, đơn cử như hộ ông Phôn. Chè dây đã và đang mang lại thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích, ví dụ như cây keo, mây. Ngoài ra, phát triển loại cây này là phù hợp điều kiện thực tiễn, tâm lý và nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn” - Chủ tịch UBND xã Tư Nguyễn Văn Bình cho hay.

Chính quyền xã Tư nhận định, vùng sản xuất chè dây ra zéh chuyên canh tập trung dần hiện thực sẽ tạo ra sản phẩm hàng hóa, khai thác tốt nguồn lực, tiềm năng đất đai, lao động. Qua đó, giúp nhân dân phát triển kinh tế hộ, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới. Nhưng để hoàn thành mục tiêu, địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, trước hết là duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hợp tác chè dây Ra Zéh để hướng dẫn nhân dân trồng, rồi thu mua và tiêu thụ. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của khâu bảo tồn, gắn với phát triển vốn rừng, môi trường sinh thái, xã khuyến khích cải tạo vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng để trồng, khoanh nuôi; lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn, kêu gọi các thành phần kinh tế hợp tác, liên kết cùng người dân thực hiện. Nói về giải pháp kiểm soát tình trạng lạm dụng thuốc trong chuyên canh, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, huyện và xã sẽ tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, sản lượng cây chè dây. Đầu tư công nghệ để chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Địa phương khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học nhằm đảm bảo chất lượng, giữ uy tín chè dây Ra Zéh. Tổ hợp tác sẽ không thu mua, đóng gói và gắn thương hiệu đối với trường hợp vi phạm.

TRẦN CÔNG TÚ

TRẦN CÔNG TÚ