Không để doanh nghiệp tìm "bí quyết" nộp thuế

NHẬT PHONG 09/03/2016 08:34

Theo dự toán, thu nội địa năm 2016 trên địa bàn tỉnh là 8.795 tỷ đồng, tăng 9,9% so với ước thực hiện năm 2015 và nếu loại trừ số thu tiền sử dụng đất thì dự toán thu ngân sách năm 2016 là 8.295 tỷ đồng, tăng 12,8%. Theo nhìn nhận của giới doanh nghiệp, nếu chỉ tiêu tăng thu 12,8% và “phấn đấu” vượt 8 - 10% số thu đó thì số thuế thực thu năm 2016 sẽ tăng khoảng 20,8% đến 22,8% so với năm 2015. Nỗ lực hành thu để bù đắp ngân sách thiếu hụt luôn là điều “căng thẳng” của cơ quan thuế. Phía ngược lại là doanh nghiệp thì với con số này, mức độ “căng thẳng” của doanh nghiệp cũng không kém, nhất là với số đông doanh nghiệp chưa có dấu hiệu hồi phục hay tăng trưởng mạnh.

Không phải việc cơ quan thuế đẩy mạnh đôn đốc thu, siết thu rất chặt trong gần một vài năm qua là chuyện mới mẻ. Công cụ rất hữu hiệu được cơ quan hành thu sử dụng để tăng thu chính là thanh tra, kiểm tra thuế các doanh nghiệp. Thực tế, số trường hợp kiểm tra thuế và số tiền thuế phạt, truy thu tăng rất nhanh trong nhiều năm qua là điều đã được thực chứng. Theo nhiều doanh nghiệp, cho dù cơ quan thuế đã đạt được con số cắt giảm giờ nộp thuế tối ưu, nhưng đó không phải là tất cả. Một trong những vấn đề đáng lo của hầu hết doanh nghiệp chính là mới đây cơ quan thuế đã ra quy trình kiểm tra nội bộ mới. Theo quy trình này, sẽ phân loại doanh nghiệp theo rủi ro, sẽ ứng xử với mỗi nhóm phân loại khác nhau. Cơ quan thuế sẽ dựa vào sự phân loại này (ưu tiên, tuân thủ, không tuân thủ…) để quyết định thanh tra, kiểm tra nhiều hay ít. Nếu doanh nghiệp rơi vào nhóm “không tuân thủ” chắc chắn sẽ mệt mỏi vì các cuộc thanh tra, kiểm tra. Chưa kể đến việc cơ quan này sẽ lọc ra mỗi năm khoảng 20% đối tượng mình quản lý để kiểm tra… Nói tóm lại, có một ngàn lẻ một tình huống để doanh nghiệp có thể sẽ phải mệt mỏi với cơ quan thuế từ những “ma trận” văn bản và hệ thống pháp lý phức tạp, khó khăn của ngành tài chính. “Bí quyết” để làm việc với cơ quan thuế không phải là việc tránh né hay che dấu gì trong báo cáo tài chính mà là doanh nghiệp luôn phải đề phòng với những rủi ro không mong muốn. Doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra, lắng nghe, cập nhật các quy định về thuế và luôn sẵn sàng chuẩn bị để giải trình khi có đoàn thanh tra thuế.

“Mệnh lệnh” tăng thu để giảm bớt gánh nặng bội chi ngân sách đã được ban bố. Cơ quan thuế cho hay cũng sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, đôn đốc, khai thác nguồn thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu thuế... Hơn ai hết tự thân doanh nghiệp cần xác định đóng góp ngân sách là điều cần thiết, tham khảo tất cả văn bản pháp luật về thuế, nhưng sẽ rất khó khi đứng trước một rừng văn bản. Vì thế để giải quyết tận gốc những thủ tục và thuế gây phiền hà, ngoài việc xây dựng pháp luật về thuế cho dễ hiểu, minh bạch thì rất cần cơ quan thuế thường xuyên mở những lớp tập huấn, hướng dẫn cụ thể về chính sách, pháp luật thuế cho doanh nghiệp. Suy cho cùng để doanh nghiệp không cần phải lo tìm “bí quyết” khi làm việc với cơ quan thuế là điều tốt, nếu nhìn dưới góc độ nộp thuế là thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách nhà nước. Và với tính chất đó, doanh nghiệp cần được ngành thuế phục vụ với điều kiện thuận lợi nhất.

NHẬT PHONG

NHẬT PHONG