Độc đáo rượu lòn bon xứ Tiên
Sau thời gian dài miệt mài nghiên cứu, anh Nguyễn Tường Linh (SN 1980, thôn 7A, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) đã chưng cất được loại rượu lòn bon độc đáo.
Cơ duyên đến với sản phẩm rượu lòn bon của Linh cũng thật tình cờ, một lần khi ra thăm vườn, thấy những trái lòn bon rụng xuống mương nước sủi bọt trắng. Với nhạy cảm của một người từng học chuyên ngành công nghệ thực phẩm, cộng với kinh nghiệm tích lũy qua 4 năm làm việc tại một công ty rượu của Mỹ ở TP.Hồ Chí Minh, Linh nhận thấy loại trái cây này có thể lên men tự nhiên được. Nảy sinh ý tưởng, anh hái lòn bon lột sạch vỏ, bóp vỡ rồi cho vào hũ ủ thử. Sau một tuần, Linh mở hũ nếm và kinh ngạc khi thấy những trái lòn bon ngâm lên men, không chỉ có mùi thơm, vị ngọt dịu mà còn có vị cay nồng xộc lên mũi. Từ đó, ý tưởng chưng cất rượu từ trái lòn bon được định hình. Anh Linh tâm tình: “Xứ Tiên quê tôi nổi tiếng với trầm hương và trái lòn bon. Loại trái cây này đã từng mang lại cơm no áo ấm cho nhiều gia đình. Nhưng có lúc trái lòn bon liên tục mất giá khiến người dân không còn mặn mà. Nhiều người bỏ bê vườn lòn bon không chăm sóc, người thì chặt phá để trồng loại cây khác. Gắn bó với trái lòn bon từ thuở ấu thơ nên tôi rất xót xa và quyết tâm phải tìm hướng nâng cao giá trị của trái lòn bon quê mình” - anh Linh chia sẻ.
Anh Linh “khoe” chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh – năm 2015” cho sản phẩm rượu lòn bon của mình. Ảnh: K.MỸ |
Anh Linh có niềm tin sẽ hiện thực hóa được ý tưởng, quyết tâm cho ra mắt thương hiệu rượu lòn bon Tiên Phước. Bởi trước đó, anh cùng một số bà con nông dân địa phương đã chung tay thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Nhật Linh (gọi tắt HTX Nhật Linh) đã hoạt động rất hiệu quả. Hai sản phẩm rượu Linh Hương nếp lức và chuối hột do HTX Nhật Linh sản xuất được người tiêu dùng ưa chuộng. Thế nhưng, việc tìm tòi “nghiên cứu”, chế rượu “độc” của Linh đã có lúc phải bỏ cuộc nửa chừng. Đó là, năm 2014, một tai nạn giao thông nghiêm trọng đã cướp đi của anh chiếc chân phải. Sau gần nửa năm trời ròng rã chữa trị ở bệnh viện, khi trở về nhà cũng là lúc HTX Nhật Linh đang gặp khó khăn vì sự cạnh tranh thị phần rượu. Không thể ngồi yên nhìn tâm huyết của mình bị sụp đổ, Linh quyết tâm vượt qua nghịch cảnh bằng việc tập đi trên chiếc chân giả. Kiên trì khổ luyện, chưa đầy hai tháng Linh đã đi lại được và bắt tay vào tiếp tục mày mò chế xuất loại rượu lòn bon còn dang dở.
Những ngày đầu rượu mới ra lò, Linh nhờ người thân, bạn bè và mang đến các quán nhậu mời mọi người thưởng thức để nghe họ đánh giá. Sau khi dùng thử, người uống “bình” rằng cái hậu của rượu rất gắt, khó uống. Có người còn mỉa mai rằng anh bị “hâm”, làm chuyện tào lao... Không nản lòng, anh Linh lại mày mò tìm giải pháp khắc phục các nhược điểm của rượu. Thậm chí, nhiều lúc anh uống rượu lòn bon của mình cho say để so sánh tìm ra công thức làm rượu tối ưu. Sau hàng trăm lần thử nghiệm, thay đổi cách ủ, tạo men trong suốt gần 2 năm trời, cuối cùng Linh đã cho ra được loại rượu lòn bon có vị thơm ngon đúng điệu, được thị trường chấp nhận. “Thơm tự nhiên, ngọt, đằm dịu và một chút cay nồng đặc biệt đúng điệu của rượu, tạo cho người uống có cảm giác sảng khoái, lâng lâng” - đó là nhận xét của đa số người khi thưởng thức rượu lòn bon của HTX Nhật Linh. Đặc biệt, đầu tháng 1.2016, rượu lòn bon của HTX Nhật Linh vừa được trao chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh - năm 2015”. Hiện, anh Linh làm thủ tục công nhận “độc quyền sáng chế rượu lòn bon”. Tại các hội chợ triển lãm, và mới đây là tại Hội chợ Xuân Quảng Nam 2016 sản phẩm rượu lòn bon của anh Linh bán rất chạy. Anh Linh cho biết, cùng với sản phẩm rượu Linh Hương nếp lức, sản phẩm rượu bòn bon của HTX cũng đã có mặt tại các cửa hàng ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế. Nhiều đại lý ở các tỉnh miền Nam cũng đặt vấn đề hợp đồng tiêu thụ các loại rượu của HTX.
Hỏi bí quyết chưng cất rượu, anh Linh không ngại tiết lộ: “Rượu lòn bon của chúng tôi được lòng người tiêu dùng bởi mùi vị thơm ngon, không sử dụng hóa chất phụ gia và chất bảo quản có độc tố nên khi lỡ uống say không đau đầu, không khát nước… Về phương pháp chưng cất cũng như rượu thường. Trái lòn bon lột sạch vỏ, xay nhuyễn, ủ men từ 8 đến 10 ngày rồi đun nóng. Rượu được chắt lọc từ hơi nước bốc lên rồi ngưng tụ. Nhưng bí quyết nằm ở chỗ mồi men và tỷ lệ pha. Đặc biệt, sau khi thu được rượu phải ủ trong bồn 3 - 6 tháng mới dùng, rượu để càng lâu càng ngon”. Hoạt động hiệu quả của HTX Nhật Linh đã mang lại nguồn thu nhập khá, ổn định cho gia đình anh Linh và các nông dân chung vốn. Đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương với mức lương 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
KHƯƠNG MỸ - HÀN GIANG