Khai phóng tiềm năng du lịch

HOÀI NHI 25/02/2016 09:18

Duy Xuyên đã và đang xác lập hướng đi phù hợp, đón đầu các cơ hội phát triển du lịch theo hướng bền vững với hy vọng sớm đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai gần.

Chưa tương xứng

Năm 1999, Khu đền tháp Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là điểm đến không thể thiếu của du khách trong nước và quốc tế trong hành trình du lịch tới miền Trung. Mỗi năm, Mỹ Sơn đón hơn 240.000 lượt khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 70%. Vì vậy, huyện Duy Xuyên chọn Mỹ Sơn làm trung tâm, đầu tư và kết nối các điểm du lịch trên địa bàn, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hành trình đến Mỹ Sơn, vùng kinh đô cổ Trà Kiệu và những địa danh lịch sử như Đặc khu ủy Quảng Đà và các di tích xung quanh là điểm nhấn quan trọng hình thành nên những tour, tuyến tham quan. Các làng nghề truyền thống, khu du lịch sinh thái như chiếu cói Bàn Thạch, tơ lụa Mã Châu, Đông Yên - Thi Lai, gốm sứ La Tháp, làng sinh thái Trà Nhiêu, thủy điện Duy Sơn 2... được huyện quy hoạch, xây dựng thành các điểm du lịch làng nghề, du lịch văn hóa, sinh thái. Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội Bà Chiêm Sơn, Bà chúa Tằm Tang, lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội cầu ngư... được bảo tồn và phát huy giá trị vốn có.

Với nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, Duy Xuyên có tiềm năng phát triển mạnh ngành du lịch. Ảnh: H.N
Với nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, Duy Xuyên có tiềm năng phát triển mạnh ngành du lịch. Ảnh: H.N

Theo ông Cường, để có cơ sở đẩy mạnh phát triển du lịch, những năm qua địa phương chú trọng vào công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cùng cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút đầu tư. Đi đôi với công tác quy hoạch, huyện đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện nay, ở những vùng trọng điểm đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp triển khai dự án. Tại vùng đông, việc đưa cầu Cửa Đại vào sử dụng và dự án Nam Hội An đang khẩn trương thực hiện mở ra nhiều cơ hội cho du lịch vùng này phát triển, kéo dài vệt du lịch ven biển từ Non Nước - Hội An - Duy Xuyên. Tại vùng tây, cầu Giao Thủy đang xây dựng, kết nối hạ tầng giao thông với các huyện, thành phố phụ cận và tuyến đường lên huyện miền núi Nông Sơn là cơ hội to lớn để du lịch vùng này ngày càng đa dạng”. Mặc dù thực hiện bài bản công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh liên kết, tạo ra sản phẩm du lịch mới nhưng bình quân mỗi năm Duy Xuyên chỉ đón khoảng 250 nghìn lượt khách đến tham quan, trong đó Mỹ Sơn chiếm hơn 95%, doanh thu mới đạt hơn 20 tỷ đồng. Điều này cho thấy, người dân vẫn chưa hưởng lợi gì nhiều và du lịch Duy Xuyên đang đứng trước những thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có giải pháp mang tính đột phá, đồng bộ.

Đánh thức tiềm năng

Nhìn vào bức tranh du lịch Duy Xuyên, ngoài Mỹ Sơn tạo ấn tượng trong lòng mỗi du khách và mang lại doanh thu lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, lượng khách đến tham quan các vùng phụ cận còn khá khiêm tốn. Những ngày này, làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn vẫn thưa vắng bước chân du khách đến trải nghiệm. Sau 3 năm mở cửa, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng doanh số du lịch của làng được dự đoán chỉ khoảng 170 triệu đồng. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý của người dân về tính hiệu quả khi tham gia mô hình du lịch cộng đồng. Một số điểm tham quan khác ở Duy Xuyên cũng thưa thớt du khách. Theo ông Lê Trung Cường, trong chừng mực nào đó, năng lực cạnh tranh còn thấp, công tác xúc tiến quảng bá chưa phát huy hiệu quả, vấn đề môi trường du lịch chưa được giải quyết, hạ tầng du lịch dù được đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế, sản phẩm du lịch tạo ra thiếu tính sáng tạo và bản sắc riêng là những rào cản phát triển du lịch hiện nay. Để tăng tốc phát triển kinh tế du lịch, cải thiện đời sống nhân dân, thời gian đến địa phương sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo lập hệ thống giao thông thông suốt từ vùng đông đến vùng tây. Mời gọi các doanh nghiệp đầu tư một số điểm giải trí gắn với hệ thống khách sạn, nhà hàng ở Mỹ Sơn. Nâng cao năng lực quản lý và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực thông qua chính sách đãi ngộ nhân tài.

Cạnh đó, huyện cũng tăng cường xác lập mối quan hệ với các trung tâm du lịch, hãng lữ hành để thông tin tuyên truyền, giới thiệu và nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa các điểm du lịch và công ty du lịch nhằm tạo mối quan hệ bền chặt. Ngoài ra, địa phương tổ chức các hoạt động hội thảo, triển lãm về mảnh đất và con người Duy Xuyên ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế. Đồng thời lập trang web chuyên đề về du lịch để giới thiệu rộng rãi đến bạn bè trong nước và thế giới. Mặt khác, sẽ chú trọng phát triển du lịch sinh thái sông nước gắn với làng nghề, làng quê. Tạo ra sản phẩm hàng lưu niệm từ tơ tằm, thổ cẩm, đất nung, chiếu cói với mẫu mã đẹp, gọn nhẹ. Đặc biệt, Duy Xuyên đón đầu các cơ hội phát triển du lịch ở vùng đông. Theo đại diện một số doanh nghiệp lữ hành, Duy Xuyên cần có cơ chế hỗ trợ, hợp tác toàn diện ở các điểm du lịch trên toàn tuyến, đồng thời cần phải đổi mới  việc liên kết, quảng bá rộng rãi…

HOÀI NHI

HOÀI NHI