Chọn một con đường, chọn một lối đi
Thu hút những dự án công nghệ cao, sạch; lấy vùng đông làm động lực phát triển chính là một lựa chọn có tính quyết định của Quảng Nam.
Chọn dự án đầu tư
Đường cứu hộ, cứu nạn tiếp đến cầu Cửa Đại, nối thông từ Hội An vào các huyện phía nam của tỉnh như một dải lụa mềm vắt mình qua những nổng cát lô nhô, cằn khô nơi miệt biển Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ; kéo dân vùng đất vốn đã như ốc đảo biệt lập từ hàng chục năm qua gần hơn với các đô thị, nhóm lửa hy vọng đổi đời cho người vùng cát. Thời sự của dân địa phương lúc này không ngoài chuyện những “đô thị kinh tế, du lịch, thương mại” sẽ hình thành ngay trên vùng đất cát đầy nắng gió, đói nghèo triền miên. Miệt đông Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ sẽ là vùng đất hứa, dân có cơ hội việc làm, buôn bán thay chỉ vì cày xới trên mảnh đất hoa màu cằn cỗi hay lênh đênh với những chuyến khơi xa. Khát vọng đổi đời của dân nghèo không hề ảo tưởng một khi các dự án phát triển vùng đông như khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, nhà máy may, dệt, nhuộm Tam Thăng (Tam Kỳ), nhà máy sản xuất hàng may mặc ONEWOO (Thăng Bình), trung tâm khí điện, công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô Chu Lai chuyển động. Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai nói tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD cho việc triển khai toàn bộ dự án Nam Hội An sẽ không thay đổi. Ban này đã xác minh rất kỹ về năng lực các nhà đầu tư mới, cho thấy họ có đủ tiềm lực tài chính để rót vốn thúc đẩy nhanh việc triển khai các dự án đã đăng ký.
Bến neo đậu tàu cá ở Duy Nghĩa (Duy Xuyên) được đầu tư hạ tầng đồng bộ. Ảnh: T.D |
Khó có thể lượng hóa được con số tăng trưởng chính xác trong tương lai, nhưng chọn vùng đông để phát triển các dự án động lực cho thấy Quảng Nam đã xác định đến lúc không thể tăng trưởng chỉ dựa vào khai thác tài nguyên đang dần cạn kiệt. Việc xem lợi thế đất đai, nhân công giá rẻ là hai thế mạnh của Quảng Nam đã không còn phù hợp. Kiến tạo mô hình tăng trưởng mới là “mệnh lệnh” khi những động lực tăng trưởng được tạo ra nhiều năm qua đang dần hết dư địa. Quảng Nam thừa nhận “lịch sử thu hút đầu tư”, lấy tốc độ (không phải chất lượng tăng trưởng) GDP làm thước đo quan trọng nhất cho thành tích phát triển kinh tế đã khiến nguồn lực bị phân bổ kém hiệu quả và hiệu quả đầu tư thấp. Chính quyền đã thực sự cầu thị khi từ chối những dự án tổn hại đến môi trường, sẵn sàng loại bỏ hay dừng lại những dự án dàn trải, thiếu khả năng mà không có lý do chính đáng.
Khu kinh tế mở Chu Lai. |
Hình ảnh dễ thấy gần đây, Quảng Nam liên tục mời gọi đầu tư bằng những dự án tạo giá trị gia tăng, kèm theo cam kết tất cả sẽ được giải quyết theo cơ chế “một cửa liên thông” tại một cơ quan đầu mối duy nhất… Động thái chuyển nhận thức từ quản lý sang phục vụ doanh nghiệp với mọi cơ chế, chính sách đều hướng tới tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, là cách Quảng Nam đang giảm bớt sự phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp ít ỏi, nhưng vẫn bảo đảm tăng trưởng cả phát triển kinh tế, việc làm, giảm nghèo và cả nguồn lực ngân sách dồi dào!
Tìm sự khác biệt
Vậy sự thay đổi ấy có gì đáng ngạc nhiên, nếu không muốn nói là rất bình thường với bất kỳ địa phương nào khi chọn mục tiêu phát triển bền vững? Câu trả lời là có. Sự khác biệt dễ thấy nhất là việc sẽ hình thành các khu nông nghiệp vành đai quanh các khu du lịch, đô thị, thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống, nhằm tạo cảnh quan, làm hậu cần cho du lịch và đô thị phát triển. Những mảnh đất đắc địa chạy dọc biển sẽ không còn bị “cắt” để “chia lô” cho các dự án resort… Các dự án vùng đông có giá trị gia tăng lớn, sẽ không cát cứ, “nuốt chửng” bãi biển như thường thấy, mà chỉ dựng ở phía bên kia đường ngoảnh mặt về phía không gian thiên nhiên thoáng đãng. Hay chính quyền địa phương sẽ kiên quyết không phân bổ đầu tư mới vào ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có khả năng đầu tư, kinh doanh; sẽ tạo mọi điều kiện cho cho doanh nghiệp tham gia các dự án đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp chuyên đề là sự thay đổi lớn. PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam góp ý trước nhiều diễn đàn đầu tư, hội nghị về phát triển mở tại Quảng Nam rằng với những dự án đang hình thành, Quảng Nam vẫn có thể làm gia công, nhưng ở mức cao hơn thay cho những “mối hàn” mang danh nghĩa công nghệ. Đó chính là sự thay đổi lớn khi địa phương đã thực sự thu hút đầu tư thực chất hơn là số lượng dự án, bỏ cách chạy theo thành tích, số lượng, trải trên diện rộng và “không tham” những dự án lớn nhưng thiếu thực chất.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định không tạo thêm áp lực, không để bất cứ người dân nào bị thiệt thòi quyền lợi khi dành đất cho đầu tư phát triển. Hiệu quả kinh tế - xã hội tác động tích cực lên mức sống, bảo đảm chất lượng sống của người dân là thước đo, tiêu chí để phê duyệt hay bác bỏ một dự án đầu tư chính là động lực và định hướng kế hoạch phát triển Quảng Nam. Các chương trình nghị sự sẽ được điều hành trên 5 chương trình cải cách hành chính, giảm nghèo bền vững, phát triển nông thôn mới, tiếp tục 3 mũi đột phá và đầu tư, mở rộng các dự án trọng điểm vùng đông, tây, lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu. Tăng trưởng mọi mặt trong hiện tại vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa.
Câu chuyện ngụ ngôn về linh dương và sư tử có lẽ cũng gần với Quảng Nam hiện tại. Mỗi sáng thức dậy, con linh dương đều nghĩ rằng mình phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất mới có cơ hội tồn tại ngay trong ngày hôm đó. Còn sư tử thì nghĩ rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chạy chậm nhất mới không bị chết đói. Không biết mình là sư tử hay linh dương, chỉ biết rằng chúng ta phải chạy nhanh nhất mới là người chiến thắng. Thêm nữa, ngày hôm nay có lẽ điều quan trọng không phải ai làm ra sản phẩm trước mà là cách thức làm như thế nào. Chuyển đổi là quá trình không đơn giản và dễ dàng nhưng đó là con đường duy nhất giúp Quảng Nam thành công. Chọn lựa của Quảng Nam hiện tại chính là chọn một con đường, chọn một lối đi khác biệt, ngõ hầu mở cơ hội thu hẹp khoảng cách và có cơ hội vượt lên các tỉnh, thành miền Trung có cùng mức độ phát triển tương ứng hay cao hơn!
TÙY PHONG