Phát triển bằng nội lực
“Tự cứu mình, tự lực, tự cường” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình vận hành, thực thi các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội của Quảng Nam.
Nắm lấy cơ hội
Diện mạo Quảng Nam đã thay đổi sau 19 năm, từ biển đến rừng, lặn vào trong từng ngóc ngách đời sống. Hơn 1,5 triệu người Quảng Nam đã bước vào cuộc “trường chinh” xây dựng kinh tế, thay đổi chỗ ở, mua bán đất, xây nhà và nhiều nông dân trở thành công nhân trong các nhà máy mọc lên trên các mảnh đất khô cằn, cát trắng. Sự thay đổi nhãn quan đầu tư và cuộc dịch chuyển này đã cho ra đời Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc được xem như hình mẫu, nổi trội bậc nhất miền Trung hay Khu kinh tế mở Chu Lai và nhiều khu, cụm công nghiệp khác. Nhộn nhịp công trình, nhà máy mọc lên.Vệt ven biển 125km kéo dài từ Điện Ngọc, xuôi Hội An, qua cầu Cửa Đại thông đến Chu Lai đã, đang và sắp trở thành con đường hay những “thành phố resort”. Nhiều người Quảng Nam dần trở thành thị dân.
Hành trang Quảng Nam từ năm 1997 mang đến tương lai dường như chỉ bắt đầu bằng con số không. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn của năm đầu tiên tái lập tỉnh ở mức 157 tỷ đồng; cả tỉnh chỉ có 100 doanh nghiệp nhỏ bé dưới dạng sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Kinh tế chủ yếu thuần nông. Nhiều xã không có đường ô tô, cách biệt với thế giới bên ngoài. Hơn 300.000 người thất nghiệp, lao động dôi thừa, gia đình chính sách nhiều và tỷ lệ đói nghèo thuộc diện cao nhất nước... Còn hiện tại năm 2015, nông, lâm ngư nghiệp từng chiếm vị trí trọng yếu trong nền kinh tế đã buộc phải chuyển dịch để chỉ còn 16% so với 84% của các ngành công nghiệp, dịch vụ. Thu ngân sách nhà nước hơn 14,9 nghìn tỷ đồng, đứng vị thứ 12/63 tỉnh, thành cả nước, giải quyết việc làm ổn định cho 120.000 người từ 4.700 doanh nghiệp, 115 dự án FDI (tổng vốn đầu tư 1,8 tỷ USD). Các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư, quản lý khu, cụm công nghiệp và nghị quyết đột phá phát triển hạ tầng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư năm 2010… đã khơi thông dòng chảy đầu tư, tạo động lực để Quảng Nam hiện thực hóa các cơ hội phát triển.
Tự cứu mình…
Phải thấy rằng sau các quyết định chấn hưng xứ Quảng bằng những ưu đãi (dù bị xem là “xé rào”, hiện tại vẫn để lại khoản nợ kiểm toán nhà nước buộc phải thu hồi vì không đúng luật) cũng đã dẫn tới cơn sốt đầu tư vào địa phương và nhanh chóng đưa Quảng Nam gia nhập câu lạc bộ thu ngân sách 10 nghìn tỷ đồng, dù mọi lợi thế cạnh tranh đã dễ dàng bị cào bằng nhanh chóng so với việc sao chép gần như tức thì của các “đối thủ” cạnh tranh. Không thể nói, hai quyết định ưu đãi đưa ra trong thời điểm Quảng Nam cần nguồn lực để vượt thoát là “xé rào”. Quảng Nam đã tự chọn cho chính mình một lối đi để tồn tại. Chính từ quyết định tự lực, tự cường táo bạo, dám làm, dám chịu như một cách tự cứu mình, tháo gỡ khó khăn đặt trên vai tỉnh mới chia tách này mà ngay từ năm 2003, trong nhiều văn bản gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đều hiếm thấy dòng chữ “Quảng Nam là một tỉnh nghèo”.
Hội An luôn biết làm mới mình để thu hút du khách. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Từ không có gì, Quảng Nam đã vững vàng đứng vào hàng topten tỉnh, thành có nhiều cơ hội phát triển mạnh trên dải đất dọc duyên hải miền Trung. Hình ảnh những đứa con Quảng Nam vội vàng khăn gói về quê, thắp nén hương cho ông bà, cha mẹ xong ngày tết lại vội vã hành phương Nam tha phương cầu thực... dần biến mất. Hội An xây dựng nên một thành phố văn hóa du lịch. Chu Lai chưa bao giờ thực sự được trao quyền để thử nghiệm chính sách, trái lại bị ràng buộc bởi một mạng lưới chằng chịt các thể chế hiện hành cũng như sự can thiệp quá sâu của các bộ, ngành Trung ương. Khu kinh tế mở Chu Lai chỉ thành công ở mức một khu công nghiệp hơn là vai trò một khu kinh tế mở trên bình diện quốc gia như mong đợi, nhưng Chu Lai vẫn được đánh giá là hiệu quả số 1 trong 15 khu kinh tế đang hoạt động tại Việt Nam, vẫn thuộc 8 khu kinh tế tiếp tục được đầu tư từ nguồn ngân sách để hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Nhiều nhà đầu tư vẫn tìm đến Quảng Nam đặt cược những cuộc làm ăn, có lẽ là minh chứng rõ nhất chất tự cường sáng tạo của Quảng Nam ngày trước đã đúng hướng.
Không mãi trông chờ, ỷ lại từ nguồn hỗ trợ của trung ương, Quảng Nam sẽ phải chủ động tài chính, tự cân đối. Quảng Nam tự lực kiến tạo đầu tư phát triển ngay trong gói ngân sách đã được giao và tìm kiếm các nguồn thu khác hỗ trợ. (Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu) |
Lịch sử đã từng chứng minh rẻo đất nhỏ miền Trung trở thành khu vực độc lập với miền Bắc, phải tự tạo cho mình một nền kinh tế tự túc, nền văn hóa riêng biệt. Hình ảnh những chiếc xe trâu là hình ảnh du nhập văn hóa phương Tây, giúp cho cuộc canh tân xứ sở của Phạm Phú Thứ mở đầu hành trình kinh tế dằng dặc. Hoặc chủ thuyết Tân Việt Nam của Phan Châu Trinh đã đánh thức tinh thần điền chủ, doanh nhân cứu mình, cứu nước khởi phát từ Quảng Nam. Ngay ngày Hội An mở cửa giao thương, người Quảng đã biết tự canh tân, cải tiến, phát triển các ngành trồng trọt, chăn nuôi, ươm tơ, dệt lụa, khai khoáng, đào sông khai thủy, đưa ghe bầu vượt biển tranh thương với thương giới nước ngoài. Hay từ chiến tranh đi ra đã ngay lập tức nỗ lực xây hồ chứa nước, đào sông dẫn nước… chảy tràn trên các cánh đồng lúa, xóa đói nghèo thời hậu chiến… Khí chất tự cường xứ Quảng đã có sự kết nối, kết tinh từ quá khứ là điều không dễ bác bỏ!
Giống như một cây trồng cần thời gian để lớn thì “cây chiến lược phát triển” dựa vào nội lực để tự lực, tự cường của Quảng Nam cũng cần hấp thụ tinh túy, gạn lọc của thời gian, chờ đợi đến ngày “thăng hoa”. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói không mãi trông chờ, ỷ lại từ nguồn hỗ trợ của Trung ương. Quảng Nam sẽ phải chủ động tài chính, tự cân đối. Tự lực kiến tạo đầu tư phát triển ngay trong gói ngân sách đã được giao và tìm kiếm các nguồn thu khác hỗ trợ. Năng lực điều hành của địa phương phải được đo lường trên kết quả cuối cùng: sự thịnh vượng và chất lượng cuộc sống người dân!
NAM KHA