Tạo động lực phát triển kinh tế hộ

26/01/2016 08:26

Những năm gần đây, ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương ở huyện Thăng Bình tập trung chuyển giao rộng rãi kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến và chú trọng công tác đào tạo nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm giúp lao động nông thôn có việc làm ổn định.Cách  đây 3 năm, được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, chị Ngô Thị Thu Nguyệt (thôn An Thành 1, xã Bình An, huyện Thăng Bình) tham gia khóa học nghề mây tre đan. Có được cái nghề trong tay, chị Nguyệt xin vào làm ở doanh nghiệp Anh Quân đóng chân trên địa bàn, chuyên gia công các sản phẩm mây tre như bàn, ghế, giỏ... Nhờ làm sành sỏi mọi công đoạn, đảm bảo tính thẩm mỹ, kỹ thuật nên từ đầu năm 2013 đến nay bình quân mỗi tháng chị Nguyệt có khoản thu nhập gần 3,5 triệu đồng. Với mức lương này, cộng với việc canh tác lúa và rau màu, chị Nguyệt đủ trang trải cuộc sống gia đình. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Kim Tín - Chủ doanh nghiệp mây tre đan Anh Quân chia sẻ: “Ngày trước, tôi cũng nhận hàng mây tre đan về làm gia công, tranh thủ kiếm được đồng nào hay đồng đó. Khi thấy thị trường tiêu thụ mạnh cùng nguồn lao động ở địa phương khá dồi dào, tôi quyết định thành lập doanh nghiệp. Những năm qua, cơ sở của tôi tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động ở xã Bình An với mức thu nhập hằng tháng ít nhất 3,2 triệu đồng/người”.Giữa tháng Chạp, về xã Bình Trung của huyện Thăng Bình, đâu cũng thấy nông dân tất bật bón thúc phân cho những ruộng lúa đông xuân đã gieo sạ cách đây hơn 1 tháng. Nhìn 9 sào lúa xanh mướt đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, ông Ngô Thanh Thảo ở thôn Vĩnh Xuân hồ hởi: “Mấy vụ sản xuất gần đây, nhờ sử dụng nguồn giống chất lượng cao, đặc biệt là ứng dụng hiệu quả quy trình canh tác mới do ngành nông nghiệp huyện và đội ngũ khuyến nông viên cơ sở hướng dẫn nên nông dân trong vùng rất phấn khởi vì liên tục được mùa lúa. Nếu thời điểm đầu năm 2011 trở về trước năng suất lúa bình quân của địa phương chỉ đạt chừng 260 - 270kg khô/sào thì bây giờ đã tăng lên 320 - 330kg khô/sào”.Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT Thăng Bình cho rằng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất để thúc đẩy kinh tế hộ phát triển là một trong những vấn đề cốt lõi trên tiến trình xây dựng mô hình nông thôn mới. Xác định được tầm quan trọng đó, thời gian qua ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương ở huyện đã tập trung chuyển giao rộng rãi kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến và chú trọng công tác đào tạo nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm giúp lao động nông thôn có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ông Vũ nói: “Nhờ các đơn vị liên quan dốc sức thực hiện nên trong giai đoạn 2011-2015 toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề, hướng dẫn quy trình sản xuất mới cho 2.500 lao động nông thôn với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là các nghề mây tre đan, may công nghiệp, thuyền trưởng, máy trưởng, trồng và khai thác mủ cao su, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng lúa năng suất cao, hàn, chế biến món ăn, chế biến thức uống, cách nuôi và điều trị bệnh cho gà, nuôi bò vỗ béo... Trong năm 2016 này các đơn vị liên quan của huyện sẽ tiếp tục phối hợp mở 20 lớp đào tạo nghề cho 700 lao động nông thôn với nguồn kinh phí khoảng 300 triệu đồng”.NHÃ PHƯƠNG