Hội An đầu tư cho tương lai
Nhất quán với định hướng xây dựng một thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch là một cách đầu tư bền vững cho tương lai của người Hội An.
Dịch vụ, thương mại chiếm ưu thế
Hội An đã xây dựng thành công hình ảnh một trung tâm du lịch thanh bình, an toàn, sạch sẽ nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam. Hội An biết tạo ra những sản phẩm du lịch bằng chính văn hóa truyền thống đang được bảo lưu trong cộng đồng. Ngoài “Đêm phố cổ”, “Phố không động cơ”, “Phố đêm”, “Phố đi bộ Nguyễn Phúc Chu” vừa mới mở là những cuộc chơi nghệ thuật, đầy tính sáng tạọ và quyến rũ chỉ riêng của Hội An. Kinh tế thành phố phát triển theo đúng định hướng với mức tăng trưởng 10,81% năm 2015, kéo theo thu nhập bình quân đầu người khu vực thành thị đạt 35,13 triệu đồng/năm và khu vực nông thôn đạt 25,92 triệu đồng/năm.
Hội An thu hút du khách nhờ biết tạo ra “sự khác biệt”. Ảnh: N.K |
Chính quyền Hội An khẳng định, thương mại, du lịch, dịch vụ chiếm ưu thế hàng đầu, giữ nhịp điệu tăng trưởng ổn định trong cơ cấu kinh tế thành phố. Nhưng chính điều này đã khiến nông nghiệp suy giảm. Tình trạng nông dân bỏ đất ngày càng có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là lực lượng lao động cho nông nghiệp đã suy giảm, già đi rất nhiều. Sản xuất lúa không hiệu quả, ít thu nhập so với các ngành kinh tế khác và một số diện tích không thể sử dụng cơ giới hóa… Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế Hội An cho rằng đây là hiện tượng đáng lo ngại. Những cánh đồng ven đô không chỉ là sinh kế của nhiều người mà còn là cảnh quan, môi trường đô thị để hướng đến một đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch. Chính quyền đang kiếm tìm biện pháp chuyển đổi phương thức canh tác sang nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị, nhưng khuyến khích người dân giữ ruộng thực sự là một bài toán quá khó.
Không ít chuyên gia kinh tế nhận định kinh doanh được ở phố nhờ thương hiệu Hội An, còn địa phương không có thương hiệu nào “đặc biệt”. Điều này cũng đã được HĐND TP.Hội An mới đây xác nhận dù tăng trưởng, nhưng hiện tại sản phẩm du lịch, dịch vụ, thương mại còn đơn điệu, thiếu tính ổn định, sức cạnh tranh hạn chế. Chất lượng một số loại hình chưa đạt yêu cầu. Quản lý, quy hoạch, kiến trúc đô thị, quản lý đất đai bất cập, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn, khó lường… Môi trường du lịch còn nhiều điều thiếu sót và quản lý nhà nước về du lịch chưa thể theo kịp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Thành phố sinh thái
Theo kế hoạch, giá trị sản xuất toàn TP.Hội An năm 2016 sẽ tăng 11%, nâng thu nhập bình quân đầu người hơn 36,5 triệu đồng/năm với tổng lượt khách tăng 9,47% (khoảng gần 2,3 triệu lượt khách đến). Điện đã bắt đầu kéo ra Cù Lao Chàm, cầu đã bắc qua sông nối nhịp phố cổ với Cẩm Kim sắp sửa khánh thành. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã ưu tiên đến 43%/tổng chi ngân sách cho những công trình cấp bách phục vụ dân sinh hoặc tạo động lực phát triển thành phố. Ông Kiều Cư - Bí thư Thành ủy Hội An nói văn hóa và sinh thái là hai nền tảng gắn kết phát triển du lịch. Khẳng định vai trò chủ thể của người dân cả trong sáng tạo, tự nguyện tham gia và trực tiếp hay gián tiếp được hưởng lợi từ các hoạt động văn hóa, du lịch mang lại. Nhanh chóng thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa vùng đô thị với vùng nông thôn ngoại vi, tạo điều kiện công bằng hơn cho mọi thành viên trong cộng đồng được hưởng lợi từ du lịch.
Khó có thể lượng hóa được con số tăng trưởng chính xác trong tương lai, nhưng người Hội An hiểu nếu chỉ là những show diễn nhất thời, sớm muộn gì cũng sẽ bị quên lãng. Kế hoạch của Hội An là nâng cao chất lượng ngành kinh tế du lịch, mở rộng không gian phát triển. Khuyến khích du lịch cộng đồng, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nông nghiệp sạch, sinh thái. Không dồn điển đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn, chỉ xây dựng các mô hình sản xuất nhỏ, tạo cơ chế hỗ trợ theo từng mô hình trên cơ sở lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau… Từ năm 2016, thành phố sẽ phát triển mạng lưới dịch vụ, vui chơi giải trí để tăng khả năng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Chính quyền Hội An cho hay trong nhiều thập niên tới, tuyệt đối sẽ không phê duyệt thiết kế, cấp phép xây dựng nhà ở, công trình có dạng hình hộp, nhà ống, nhà mái bằng. Không gian kiến trúc thành phố, làng quê… sẽ được bảo tồn, phát triển theo sắc thái riêng. Đây chính là điều đặc biệt, một cách “đầu tư bền vững cho tương lai”.
Ông Nguyễn Sự - nguyên Chủ tịch HĐND TP.Hội An cho rằng xây dựng một thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch là công cuộc dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì, bền chí của Hội An. Quá trình thực hiện vô cùng khó khăn, giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển. Hội An đã đi cùng thiên hạ nhưng không đánh mất mình. Hiện hình hài chưa rõ nhưng khái niệm đã được tạo dựng. Phương pháp có thể thay đổi, nhưng trung thành, nhất quán với định hướng xây dựng thành phố sinh thái. Đây là chiến lược, cần “bãi bỏ” quan niệm tư duy nhiệm kỳ. Nếu bây giờ chưa làm được thì con cháu làm. Hành trình của một thương hiệu là hành trình ngàn dặm thì phải bắt đầu từ những bước nhỏ. Chất lượng, sự khác biệt sáng tạo và trí tuệ của sản phẩm truyền thống hay dịch vụ phải là kết quả của sự đầu tư lâu dài, kiên trì đã làm, chứ không thể là kết quả của một phong trào hay một chiến dịch ăn xổi ở thì. Nó không thể chỉ là nỗ lực đơn lẻ của một cá nhân hay doanh nghiệp mà là kết quả của cả cộng đồng. Điều đó cho thấy, bên cạnh một “đạo luật”, rất cần nỗ lực, kiên trì từ tư duy chiến lược đến hành động cụ thể của bộ máy công quyền, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để xây dựng nên thương hiệu và sức hút của thành phố di sản Hội An.
NAM KHA