Đưa điện ra Cù Lao Chàm
Ngày 9.1, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) khởi công Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Tân Hiệp (Hội An) bằng cáp ngầm. Đây là cơ hội cho người dân trên đảo được sử dụng nguồn điện ổn định, chất lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ du lịch.
Chờ ngày có điện
Từ nhiều năm qua, đảo Cù Lao Chàm chỉ sử dụng nguồn điện tại chỗ gồm 2 trạm phát điện diezel, 1 trạm phát điện hỗn hợp pin mặt trời và diezel. Trong một ngày chỉ được sử dụng điện không quá 6 giờ. Do hạn chế công suất và thời gian phát nên điện chỉ dùng thắp sáng, xem ti vi, chạy máy quạt và sinh hoạt gia đình. Theo Công ty Công trình công cộng Hội An (đơn vị quản lý), hiện giá thành mỗi kWh điện ở Cù Lao Chàm lên đến 12 nghìn đồng, mỗi năm TP.Hội An phải trích ngân sách bù lỗ, hỗ trợ tiền điện cho người dân lên đến 2,5 tỷ đồng. Vì vậy, người dân đảo Cù Lao Chàm luôn mong mỏi sớm được sử dụng điện lưới quốc gia, với giá thành bằng giá bán điện trong đất liền.
Có điện lưới quốc gia, đảo Cù Lao Chàm sẽ có cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng, du lịch… Ảnh: T.LỘ |
Ngoài giải quyết khó khăn trong sử dụng điện sinh hoạt của người dân, việc đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cù Lao Chàm được xem là động lực thúc đẩy các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển, từng bước cải thiện cuộc sống người dân trên đảo. Hiện nay Cù Lao Chàm thu hút một lượng lớn du khách mỗi ngày. Nhiều dịch vụ lưu trú, giải trí, tham quan… được triển khai trên đảo phục vụ du khách. Tuy nhiên, do không có điện lưới nên các hoạt động này gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, người dân đang mong đợi điện lưới mau được đưa đến. Ông Trần Văn Ba, người dân thôn Bãi Làng (xã đảo Tân Hiệp) cho biết: “Tôi và người dân rất vui mừng khi nghe khởi công đưa điện lưới quốc gia vượt biển ra đảo. Từ trước đến nay, bà con trên đảo luôn ước mong được sử dụng điện cả ngày để trẻ em học hành, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cho mọi người. Hiện nay người dân tiếp tục mở ra nhiều dịch vụ du lịch nhưng vì không có điện lưới nên nhiều người không dám đầu tư”. Theo ông Trần Tấn Dũng - Bí thư Đảng ủy xã đảo Tân Hiệp, đảo Cù Lao Chàm có điện lưới là điều kiện vô cùng thuận lợi để địa phương tập trung đẩy nhanh việc đầu tư các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch. Đây được xem cú hích để đảo Cù Lao Chàm thay đổi trong thời gian tới.
Do hạn chế công suất và thời gian phát nên người dân trên đảo chỉ được sử dụng điện không quá 6 giờ mỗi ngày. |
Đóng điện vào tháng 6
Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm bằng cáp ngầm được Chính phủ đồng ý chủ trương vào tháng 5.2014. Đến tháng 12.2014, được Bộ Công Thương phê duyệt. Dự án có quy mô gồm 15,48km cáp ngầm 22kV xuyên biển; 17,214km đường dây 22kV trên đất liền; 6 trạm biến áp phân phối 22/0,4kV có tổng dung lượng 900kVA; 11km đường dây hạ áp 0,4kV và các hạng mục phụ trợ... với tổng mức đầu tư hơn 484,8 tỷ đồng. Trong đó, 85% là vốn từ ngân sách trung ương và 15% còn lại là vốn của EVN CPC. Dự kiến, dự án hoàn thành trước ngày 30.6.2016.
Lễ khởi công cấp điện cho đảo Cù Lao Chàm. |
Theo ông Trần Đình Nhân - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc EVN CPC, ngay sau khi được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án cấp điện cho đảo Cù Lao Chàm, đơn vị xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt và trọng tâm. Theo đó, EVN CPC đã tập trung chỉ đạo, ưu tiên mọi nguồn lực triển khai dự án đạt chất lượng và tiến độ đề ra. Khác với các dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho đảo Cô Tô, Phú Quốc hay Lý Sơn, khó khăn của dự án cấp điện cho Cù Lao Chàm là sẽ đi qua các công trình di tích văn hóa lịch sử, khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vì vậy, đòi hỏi các đơn vị thi công phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến đặc trưng văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên vốn có của xã đảo. Hiện nay, các tuyến đường giao thông trên đảo rất hẹp, hầu hết không có vỉa hè, nhà cửa được xây dựng tập trung và nằm ngay sát mép đường. Điều này cũng gây nhiều khó khăn cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu khảo sát tuyến đường dây trung áp đấu nối từ điểm cuối tuyến cáp ngầm để cấp điện cho các trạm biến áp trên đảo, Ban Quản lý dự án điện nông thôn miền Trung (đơn vị trực thuộc của EVN CPC) đã phối hợp với các đơn vị liên quan lựa chọn phương án thiết kế phù hợp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đất đai, cây cối hoa màu và nhà cửa của dân.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành khẳng định, dự án cấp điện cho đảo Cù Lao Chàm là thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo và ven biển, đồng thời xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bên cạnh đó, dự án còn có ý nghĩa tích cực trong việc bảo vệ môi trường, kích thích đầu tư, tăng trưởng kinh tế; giảm gánh nặng chi phí ngân sách của địa phương do phải bù lỗ hằng năm cho các trạm phát điện diezel tại các xã đảo.
TRUNG LỘ