Thích ứng để tồn tại

QUỐC TUẤN 05/01/2016 10:25

Từng có thời gian dài ì ạch do những thay đổi và tác động của nền kinh tế thị trường, nhưng hiện tại nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, khẳng định tầm quan trọng của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Khó khăn trăm bề

Các HTX từng có một thời kỳ hoàng kim phát triển mạnh mẽ trước năm 1986 khi đất nước chưa đổi mới. Nhưng sau đó, khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, nhiều HTX không nắm bắt kịp xu thế, mất phương hướng hoạt động dẫn tới lúng túng, sản xuất không hiệu quả và nhiều đơn vị đã bị giải thể. Đến năm 1997, trên địa bàn tỉnh có 99/264 HTX không đủ điều kiện chuyển đổi đã bị giải thể, không ít HTX còn tồn tại cũng hoạt động khá èo uột.

Sản xuất lúa giống tại HTX Dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp Điện Phước I.
Sản xuất lúa giống tại HTX Dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp Điện Phước I.

Hiện nay, vẫn có khá nhiều HTX hoạt động không mấy hiệu quả dù đã tiến hành chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 như HTX Dịch vụ nông nghiệp Điện Thọ II (Điện Bàn), HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Quý I (Thăng Bình),  HTX Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Hà (Hội An)…; một số HTX đã ngừng hoạt động từ lâu và đang chờ giải thể. Ông Võ Ngọc Ánh - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đại Chánh (Đại Lộc) bộc bạch: “Hiện tại có 46 thành viên góp vốn điều lệ nhưng tổng số vốn điều lệ của HTX chỉ có khoảng 24 triệu đồng nên chủ yếu HTX chỉ hoạt động mang tính phục vụ xã hội chứ không có nguồn lực đi sâu vào kinh doanh để tăng thu nhập, phát triển kinh tế tập thể”. Việc các văn bản dưới luật được ban hành chậm phần nào gây khó khăn cho các HTX, nhất là về thủ tục đăng ký thành lập khiến các HTX lúng túng, khó khăn trong chuyển đổi hình thức hoạt động theo luật mới. Đa số lãnh đạo HTX hiện tại đều tay ngang và đã lớn tuổi nên trình độ của họ khá hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Trong hai năm gần đây, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức 6 lớp tập huấn triển khai Luật HTX năm 2012 cho 370 lãnh đạo chủ chốt của HTX nông nghiệp để khắc phục vấn đề này.

Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, khá nhiều HTX mới chú trọng các khâu dịch vụ đầu vào, số HTX mở rộng dịch vụ tiêu thụ nông sản còn thấp do cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản còn hạn chế. Việc cung ứng sản phẩm dịch vụ bị bó buộc theo luật mới quy định, tỷ lệ cung ứng đối với ngoài thành viên không vượt quá 32% khiến các HTX muốn phát triển lại không thể mở rộng hoạt động, giảm doanh thu.

Cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc quản lý của HTX Thương mại Điện Thọ.Ảnh: Q.T
Cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc quản lý của HTX Thương mại Điện Thọ.Ảnh: Q.T

Linh hoạt tìm hướng đi

Trước tình hình đó, không ít HTX trên địa bàn tỉnh đã biết tận dụng khai thác tiềm năng sẵn có và mạnh dạn tìm các phương thức sản xuất kinh doanh mới, là điểm sáng để chứng minh kinh tế hợp tác vẫn có chỗ đứng và hiệu quả trong nền kinh tế thị trường. Tại thị xã Điện Bàn, HTX Dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp Điện Phước I (đơn vị từng nhận danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 2000) đã tiếp tục chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 để khắc phục những khó khăn khách quan và không ngừng lớn mạnh. Ông Lê Thìn - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp Điện Phước I cho biết: “HTX đang thực hiện cung cấp nhiều dịch vụ như điện, vật tư nông nghiệp, thủy lợi, sản xuất và cung ứng lúa giống cho các đối tác lớn trên thị trường toàn quốc. Tổng doanh thu của HTX năm 2014 đạt khoảng 17 tỷ đồng”. Hay như HTX Thương mại Điện Thọ I có đến 8 loại hình kinh doanh nổi bật, nhất là việc kinh doanh cửa hàng xăng dầu, tổng doanh thu của HTX mỗi năm đạt trên dưới 10 tỷ đồng.

Ở một số địa phương, trong khi HTX trên địa bàn hoạt động khá trầm lắng thì các tổ hợp tác (THT) mới thành lập đã đạt được hiệu quả kinh tế đáng kể. Đơn cử như tại xã Cẩm Thanh (Hội An), dù mô hình HTX hoạt động cầm chừng, chỉ thực hiện nhiệm vụ xã hội nhưng 3 THT sản xuất rau hữu cơ đã tạo hiệu quả kinh tế, vừa thu hút du lịch, giúp đời sống các hộ tham gia THT cải thiện đời sống. Hay như ở xã Quế Bình (Hiệp Đức), có 6 THT hoạt động trong các lĩnh vực ươm cây, chăn nuôi, thủy nông, thu gom rác thải…, tạo được thêm 30 việc làm cho lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Các HTX, THT đang đứng vững trong nền kinh tế thị trường này đã hỗ trợ kinh tế hộ trong các khâu đầu vào và đầu ra của sản xuất, góp phần cùng chính quyền địa phương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng con vật nuôi, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở 54 HTX và 65 THT ở các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Ngoài ra, các HTX, THT còn góp phần khôi phục các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm (Tây Giang), mây tre, thủ công mỹ nghệ (Hiệp Đức)… Rõ ràng, nếu mạnh dạn đột phá và có những hướng đi mới mẻ, kinh tế hợp tác vẫn có được chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế thị trường và là một phần không thể thiếu của đời sống nông thôn, nông dân.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN