Cửa ngõ biển…

HỮU PHÚC 01/01/2016 08:15

Cầu Cửa Đại hoàn thành,“dự án tỷ đô” Nam Hội An tái khởi động đã tạo nhiều cơ hội để dải cát Duy Xuyên, Thăng Bình thỏa nguyện ước khi có thể chạm mặt với “thành phố di sản” trong giây lát.

Phá thế cô lập

Tôi đứng trên cầu Cửa Đại, thỏa sức ngắm dòng sông đổ ra biển trong cái nắng dát vàng của ngày cuối đông. Trước mắt là phố cổ Hội An; kia là bến tàu Cửa Đại đang tấp nập tàu thuyền; và ngó xuống bến đò An Lương, xã Duy Hải (Duy Xuyên) lại nhớ thương cảnh “tiễn đưa” ngày nào. Lần nào về đây, tôi cũng gọi anh Thống. Anh Thống nay là Chủ tịch UBND xã Duy Hải, nhưng trong tôi anh thuần phác là “người con của biển” hơn. Chân thật, mộc mạc như loài xương rồng mọc trên cát. Quen anh từ những ngày bão dữ càn quét quê nghèo gần 10 năm trước, rồi đồng cảm nhau từ những thua thiệt của người dân về đời sống sản xuất, sinh hoạt khi các dự án triển khai dở dang. “Cầu Cửa Đại lưu thông, người dân sẽ không còn lụy đò; hạt lúa, củ khoai, con cá, con tôm làm ra sẽ được giao thương dễ dàng. Đất đai cũng “nóng” hơn” – anh phấn khởi nói. Người dân địa phương ví von rất thú vị: “Đứng ở Duy Nghĩa, Duy Hải ngó qua phía Hội An, giống như là con gái mười tám đôi mươi; ngược lại đứng về phía bờ Hội An ngó về Duy Nghĩa, Duy Hải giống như bà già bảy tám mươi tuổi”. Sự so sánh trên có lẽ xuất phát từ thực tế vùng đông Duy Xuyên bao đời giẫm chân tại chỗ do bị cô lập, còn hôm nay lại hoàn toàn khác.

Dự án Nam Hội An triển khai sẽ là cơ hội cho vùng Duy Hải, Duy Nghĩa phát triển mạnh về kinh tế. TRONG ẢNH: Một góc xã Duy Hải nhìn từ cầu Cửa Đại. Ảnh: H.PHÚC
Dự án Nam Hội An triển khai sẽ là cơ hội cho vùng Duy Hải, Duy Nghĩa phát triển mạnh về kinh tế. TRONG ẢNH: Một góc xã Duy Hải nhìn từ cầu Cửa Đại. Ảnh: H.PHÚC

Cầu Cửa Đại nối hai bờ sông Thu Bồn đưa vào sử dụng mở rộng cánh cửa hội nhập, đón làn sóng đầu tư mới ở phía nam Hội An. Đây là công trình phá thế cô lập giữa Đà Nẵng – Hội An với các huyện ven biển trong tỉnh. Quảng Nam đang khai thác lợi thế 70km bờ biển và 20 nghìn héc ta đất ven biển để xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới. Theo đó, gần một nửa triệu dân ven biển sẽ được hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế, phát triển hạ tầng đô thị. Ngày cây cầu Cửa Đại hợp long, tôi còn nhớ nhiều cụ cao niên đã mừng rơi nước mắt. Hơn ai hết, họ thẩm thấu sự nghèo khó của vùng đất bị cô lập bởi sông, biển. Nhưng, ước mơ của người dân đã thành sự thật là không còn sợ mưa gió lụy đò nữa. Lãnh đạo chính quyền hai xã Duy Hải, Duy Nghĩa cho rằng, từ ngày các dự án đô thị, khu nghỉ dưỡng rục rịch, cầu Cửa Đại đưa vào sử dụng, khách du lịch phía Hội An nườm nượp đổ về tham quan, cùng với đó kéo theo nhiều dịch vụ kinh doanh, buôn bán, lưu trú nở rộ tại địa phương.

Cầu Cửa Đại đưa vào sử dụng.
Cầu Cửa Đại đưa vào sử dụng.

Đô thị nơi cửa sông, ven biển

Hơn 8 năm, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án sắp xếp khu dân cư ven biển, giảm nhẹ thiên tai, nhiều địa phương đã chủ trương quy hoạch phát triển, hình thành các khu đô thị nơi cửa ngõ biển. Tính riêng tại xã Duy Nghĩa với hàng chục dự án thành phần, trong đó nhiều dự án sắp xếp dân cư như khu dân cư Lệ Sơn, Nồi Rang, Hồng Triều, đường dẫn cầu Cửa Đại, đường ĐH6; đặc biệt đường giao thông trục chính khu dân cư làng chài quy mô 721ha. Còn tại xã Duy Hải, gần 1.000ha đất dành cho quy hoạch khu đô thị, nghỉ dưỡng phức hợp. Hạ tầng đô thị vùng đông Duy Xuyên còn mang dáng hình quê kiểng, nhưng chính các khu dân cư được bố trí quy hoạch đang dần manh nha cho con đường phát triển đô thị trẻ. Năm 2015, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã cấp giấy phép đầu tư điều chỉnh dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An cho Tập đoàn Chow Tai Fook (Hồng Kông) và Sun City (Macao) cùng liên doanh với Tập đoàn VinaCapital để triển khai, hứa hẹn sẽ đem lại nguồn sinh khí mới cho các xã ven biển của huyện Thăng Bình và Duy Xuyên.

Sông Thu Bồn, qua xã Duy Hải, nơi cuối cùng đổ ra biển, sẽ là nơi phát triển đô thị năng động.
Sông Thu Bồn, qua xã Duy Hải, nơi cuối cùng đổ ra biển, sẽ là nơi phát triển đô thị năng động.

Không phải vì “siêu ý tưởng” mà nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra 4 tỷ USD vào dự án khu đô thị du lịch - dịch vụ Nam Hội An với tổng diện tích gần 1.000ha trong vòng 50 năm. Cây cầu chiến lược Cửa Đại liên thông tuyến đường ven biển nối Đà Nẵng với Quảng Nam và quốc lộ 1 tạo ra hệ thống giao thông dọc ngang, thuận lợi vận chuyển hàng hóa cho hành lang kinh tế Đông – Tây. Nhà đầu tư lập luận rằng, cửa ngõ biển luôn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế. Nếu làm ăn thuận lợi thì dự án Nam Hội An sẽ là điểm đến du lịch mới thu hút khách du lịch nội địa, khu vực và quốc tế. Những dịch vụ hiện đại sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho du khách đến đây tham quan, nghỉ ngơi. Đường cứu nạn cứu hộ song song với đường Thanh niên ven biển nhưng rộng thoáng, hạ tầng kỹ thuật tốt hơn, chỉ thời gian ngắn nữa là hoàn thành toàn tuyến sẽ là “quốc lộ 1” thứ 2 của Quảng Nam. Còn 18km đường dẫn cầu Cửa Đại đang gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng đầu năm 2016 sẽ là cơ hội xoay chuyển đất nghèo các xã ven biển của huyện Thăng Bình và Duy Xuyên.

Hiện nay, nhà đầu tư đang khởi động giai đoạn 1 dự án Nam Hội An, thu hồi 231ha đất thuộc hai xã Duy Nghĩa và Duy Hải. Trong đó, phần lớn diện tích đất dự án thuộc 2 thôn Tây Sơn Tây và Tây Sơn Đông (xã Duy Hải). Từ chủ trương phác thảo vệt đô thị ven biển, điểm nhấn là xã Duy Hải, Duy Nghĩa, đến nay chính quyền từ cấp tỉnh đến huyện tiếp tục kiên định mục tiêu hoàn thiện hạ tầng cơ sở để đảm bảo các tiêu chí của thị trấn ven biển. “Đón đầu” chờ cơ hội các dự án đem lại, gần đây người dân vùng biển còn được chính quyền tổ chức đào tạo nghề và dạy học tiếng Anh. Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên – ông Nguyễn Công Dũng tự tin rằng, vùng đông sẽ là khu vực có tiềm năng phát triển khi cầu Cửa Đại đưa vào sử dụng, là khu vực sẽ liên kết thuận tiện với Hội An và Đà Nẵng. Vùng  Duy Nghĩa, Duy Hải hoàn toàn có khả năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.

Tương lai dự báo sẽ lạc quan tươi sáng khi “dự án tỷ đô” bắt đầu tái khởi động, nhưng hiện tại còn trăm mối lo. Đó là chuyện bức bách dân sinh, về đời sống sản xuất của người dân bị ảnh hưởng. Hàng loạt khu tái định cư hình thành nhưng dân vẫn thờ ơ. Ví như khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương (Thăng Bình) xây dựng quy mô đến 20ha, nhưng mới có 20 hộ dân vào sinh sống. Vào đây, người dân tận dụng mọi khoảnh đất trống để trồng rau màu nhưng vì không chủ động được nguồn nước tưới nên sản xuất bấp bênh. Còn với ngư dân, làm nghề biển, thay đổi chỗ ở còn khó khăn gấp bội. Các khu tái định cư ở làng chài xã Duy Nghĩa nhiều năm dở dang hạ tầng. Ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng dự án là chuyện không thể nào giải quyết trong ngày một ngày hai.

Dẫu còn bộn bề gian khó, song hấp dẫn của vùng đất nằm ở cửa ngõ biển hứa hẹn sẽ là xung lực mới cho vùng đông bứt phá đi lên.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC