Siết chặt kỷ luật ngân sách

TRỊNH DŨNG 30/12/2015 09:35

Tiết kiệm, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chi, kiên quyết không giải ngân những khoản chi không đúng chế độ chính sách, không có trong dự toán… là yêu cầu đặt ra cho năm 2016.

Chi thường xuyên gia tăng

UBND tỉnh dự toán tổng thu ngân sách nhà nước năm 2016 sẽ vào khoảng 13.845 tỷ đồng (8.795 tỷ đồng thu nội địa), nhưng tổng chi ngân sách địa phương sẽ khoảng 16.701 tỷ đồng (tăng 18,8% so với dự toán năm 2015). Nếu chi đầu tư phát triển chỉ khoảng 4.473,75 tỷ đồng  (tăng 38,7% so với dự toán năm 2015) thì chi thường xuyên gần gấp đôi với khoảng 8.069,28 tỷ đồng. Theo phân bổ chi ngân sách năm 2016, trừ chi sự nghiệp khoa học công nghệ 36,37 tỷ đồng (bằng 86%) và chi trợ giá 29,07 tỷ đồng (bằng 89% dự toán năm 2015) được lý giải tổng nguồn sự nghiệp này giảm do trung ương bổ sung kinh phí hỗ trợ đề tài nghiên cứu ô tô bus (Thaco) đã giảm 9,4 tỷ đồng so năm 2015 và số lượng hộ nghèo giảm nên kinh phí trợ giá giảm. Ngoại trừ hai khoản chi trên thấp thì chi quốc phòng, an ninh, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, phát thanh truyền hình, thể dục thể thao, bảo đảm xã hội, sự nghiệp kinh tế, môi trường, quản lý hành chính… đều gia tăng. Thấp nhất chi sự nghiệp kinh tế chỉ tăng 3%, cao nhất chi sự nghiệp thể dục thể thao tăng 50%, số còn lại đều tăng 23 - 25%. Chi thường xuyên năm này vẫn tiếp tục gia tăng được lý giải chủ yếu là do bố trí kinh phí kiến thiết thị chính Tam Kỳ, tăng kinh phí cho các đề án nông nghiệp của HĐND tỉnh, các đề án hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, chi đề án một cửa liên thông hiện đại, chỉnh lý tài liệu tồn đọng, dự nguồn bầu cử hay chi cho các đại hội thể dục thể thao cấp xã, lễ hội văn hóa thể thao miền núi…

Chi cho đầu tư phát triển là yêu cầu cấp thiết trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp. TRONG ẢNH: Hạ tầng giao thông đang cần tiếp tục đầu tư đồng bộ. Ảnh: T.D
Chi cho đầu tư phát triển là yêu cầu cấp thiết trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp. TRONG ẢNH: Hạ tầng giao thông đang cần tiếp tục đầu tư đồng bộ. Ảnh: T.D

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho rằng hầu hết dự toán các khoản chi thường xuyên đều vượt dự toán năm 2015. HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi thường xuyên, triệt để hơn so với năm 2015. Vấn đề quan trọng là cắt giảm mạnh các khoản chi không cần thiết, lãng phí, nhất là các khoản chi khánh tiết, hội nghị, lễ hội, công tác nước ngoài… Dự toán chi tăng, thể hiện sự quan tâm cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tuy nhiên cần tiếp tục rà soát để xác định thực chất nhu cầu, bố trí nguồn lực hợp lý. Chi đầu tư phát triển dù tăng so với dự toán, nhưng chỉ bằng 87% so với thực hiện năm 2015. Trong khi đó, năm 2016 là năm đầu áp dụng định mức chi trả đầu tư phát triển trung hạn 2016 - 2020 với nhu cầu khá lớn. Vì vậy cần rà soát, tiết giảm thêm các khoản chi thường xuyên chưa cần thiết, ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, vượt thu để tăng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển…

“Thắt lưng buộc bụng”

Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho hay nhu cầu chi đầu tư phát triển rất lớn nhưng khá nhiều địa phương không biết tìm đâu ra kinh phí để chi tiêu. Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An đã từng “than thở” kinh tế Hội An duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 10%/năm, khách du lịch tăng gần 20%/năm nhưng cũng đang lúng túng khi không biết tìm đâu ra tiền để đầu tư cho phát triển, chẳng hạn đang thiếu kinh phí để đấu nối đường dẫn từ nhà các hộ dân vào hệ thống nhà máy xử lý nước thải vận hành vào cuối năm nay.

Gần như tất cả địa phương đều có nhu cầu bức thiết để đầu tư phát triển nhưng nguồn lực lại dường như không thể. Trong bối cảnh kinh tế suy giảm tốc độ tăng trưởng, một điều dễ nhìn thấy là các địa phương thường phải đối mặt với tình thế là nhu cầu chi từ ngân sách để hỗ trợ tăng trưởng ngày càng khó khăn do nguồn thu ngày càng suy giảm. Thiếu kinh phí đầu tư hay chi thường xuyên luôn là câu chuyện đau đầu của những người quản lý điều hành ngân sách lâu nay. Ngân sách khó khăn không đủ để chi thì một vấn đề cần đặt ra là tự chủ khai thác nguồn lực tài chính hợp ý, tạo ra động lực phát triển cân đối toàn diện, tạo sức bật cho mỗi địa phương. Nhưng điều này không hề dễ. Bởi thực tế, giải quyết gốc rễ vấn đề thì phải phân bổ lại các khoản chi ngân sách sao cho hiệu quả nhất. Đó là việc tái cơ cấu các khoản chi thường xuyên, chuyển nguồn lực sang cho đầu tư phát triển. Giải quyết hợp lý điều này sẽ giải quyết đồng thời hai vấn đề về hậu quả đầu tư và thâm hụt ngân sách. Để đạt được điều đó, có lẽ phải có một cuộc “cách mạng” từ những người làm chính sách vì “tăng chi dễ, giảm chi lại rất khó”.

Trước những dự báo đầy khó khăn của ngân sách, mệnh lệnh cắt giảm, tiết kiệm, kiểm soát chi ngân sách đã được đặt lên hàng đầu. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chi, kiên quyết không giải ngân những khoản chi không đúng chế độ chính sách, không có trong dự toán. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động cân đối khoản kinh phí trong dự toán ngân sách được giao để thực hiện nhiệm vụ. Nếu có nhu cầu cấp bách chi phát sinh, các ngành, địa phương phải chủ động sắp xếp từ nguồn tăng thu, bố trí lại chi tiêu và dự phòng ngân sách cấp mình. Ngân sách tỉnh chỉ xem xét, giải quyết những khoản chi thật sự bức xúc do thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, vượt quá khả năng cân đối ngân sách trong dự toán ngân sách đã giao cho từng cấp, từng ngành…

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG