Giải thể, thành lập mới các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng: Không thể chậm trễ

TRẦN HỮU 25/12/2015 09:09

Đầu năm 2016 là thời điểm các ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng thành lập mới sẽ đi vào hoạt động với cơ chế đặc thù phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành. Thế nhưng, quá trình rà soát, sắp xếp, giải thể, sáp nhập các cơ quan đến nay còn ngổn ngang.

Sau khi Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công có hiệu lực, năm 2015, Chính phủ có nghị định về quản lý các dự  án đầu tư xây dựng. Mô hình vận hành cũ không còn phù hợp với quy định, vì vậy, tháng 8.2015 Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương thống nhất kiện toàn, thành lập mới 3 BQLDA thuộc tỉnh, gồm: BQLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp; BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông; BQLDA đầu tư xây dựng lĩnh vực NN&PTNT. Đồng thời thành lập BQLDA đầu tư xây dựng thuộc cấp huyện (UBND các huyện, thị xã, thành phố). Về lộ trình, năm 2016, các BQLDA mới thành lập phải tiếp cận làm việc ngay; các BQLDA cũ của các sở, ngành phải giải thể, chấm dứt hoạt động. Toàn bộ công việc trước đây bàn giao nguyên trạng cho 3 cơ quan mới thành lập. Các đối tượng kiêm nhiệm trong BQLDA cũ sẽ “trả” về cho các sở, ngành để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; cùng với đó là rà soát, sắp xếp nhân sự theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa, giảm bộ máy cồng kềnh. Chọn lãnh đạo các BQLDA mới phải là người có tài, có tâm, được đào tạo đúng chuyên ngành.

Đầu tư công sẽ hiệu quả hơn với việc giải thể, thành lập mới các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng. Ảnh: T.HỮU
Đầu tư công sẽ hiệu quả hơn với việc giải thể, thành lập mới các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng. Ảnh: T.HỮU

Chuyên nghiệp hóa quản lý

Như nhiều địa phương khác, đầu tư công ở Quảng Nam cũng bộc lộ không ít bất cập trong sử dụng nguồn vốn ngân sách. Yếu kém dễ thấy nhất là có nơi đầu tư công trình chưa hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát. Gần như địa phương, sở, ngành nào cũng có cơ quan quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nên dễ dẫn đến hệ lụy cục bộ lợi ích, là nguyên nhân nảy sinh “cơ chế xin - cho”. Thực tế tại hầu hết địa phương, BQLDA đầu tư xây dựng thâu tóm toàn bộ công trình xây dựng cơ bản, có mặt trên tất cả lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, thủy lợi, giao thông, trường học... Phổ biến tình trạng cơ quan có chức năng xây dựng sâu lĩnh vực này nhưng vẫn có thể “lấn sân” sang lĩnh vực khác không phải sở trường. Theo phương án sắp xếp của UBND tỉnh, BQLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp được giao làm chủ đầu tư, quản lý các công trình liên quan đến lĩnh vực dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, đô thị mới. BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông (trên cơ sở kiện toàn BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải) được giao quản lý các công trình giao thông. Còn BQLDA đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT (trên cơ sở kiện toàn cơ quan quản lý dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp, nông thôn thuộc Sở NN&PTNT) được giao quản lý, xây dựng các công trình lên quan đến lĩnh vực này.

Dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1 qua địa phận Quảng Nam đã hoàn thành. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1 qua địa phận Quảng Nam đã hoàn thành. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đơn vị được giao trách nhiệm đầu tư đa lĩnh vực nhất của tỉnh những năm gần đây là BQLDA đầu tư xây dựng tỉnh đang gấp rút sắp xếp lại nguồn nhân lực cho phù hợp. Theo phương án, đơn vị này sẽ quản lý các dự án liên quan đến dân dụng, công nghiệp. Các phòng ban, đội ngũ kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, cầu đường sẽ đưa về 2 cơ quan còn lại. Ngược lại, đội ngũ có chuyên môn về dân dụng, công nghiệp ở các đơn vị khác sẽ điều chuyển về đây làm việc. Tuy nhiên, theo BQLDA đầu tư xây dựng tỉnh, cái khó là bây giờ đơn vị còn đang làm chủ đầu tư nhiều dự án dở dang như cầu Giao Thủy, công trình nhà khách tỉnh, Trường THPT Duy Tân (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ), Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, công trình kè chống sạt lở… Các dự án ký kết với nhà tài trợ nước ngoài từ vốn vay ODA nếu thay đổi tên gọi trụ sở cũng sẽ bị ảnh hưởng nên đề xuất giữ nguyên tên gọi cũ. Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, việc kiện toàn, thành lập các đơn vị mới thuộc tỉnh sẽ tiếp cận xu hướng mới trong đầu tư công là chuyên nghiệp hóa từng lĩnh vực xây dựng, cụ thể hóa phân cấp quản lý và đầu tư.

Cắt giảm nhân lực

Về giải quyết những nhiệm vụ tồn đọng khi thành lập BQLDA đầu tư xây dựng mới, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, đối với công trình thực hiện theo cơ chế riêng, theo hiệp định riêng đối với từng nhà tài trợ thì tiếp tục thực hiện quản lý dự án như hiện nay. Các BQLDA đầu tư xây dựng cấp tỉnh, cấp huyện thành lập mới, sẽ giữ vai trò làm chủ đầu tư hoặc quản lý dự án theo nhiệm vụ do cơ quan quyết định đầu tư giao đối với công trình thực hiện từ kế hoạch năm 2016. Các chủ đầu tư, BQLDA đầu tư xây dựng đã và đang triển khai thực hiện xây dựng tiếp tục làm chủ đầu tư, quản lý thực hiện dự án cho đến khi hoàn thành xây dựng và quyết toán hoàn thành các công trình. Sở Kế hoạch - đầu tư căn cứ danh mục công trình, dự án, quy mô đầu tư theo kế hoạch đầu tư trung hạn của tỉnh (2016 - 2020) được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các BQLDA đầu tư xây dựng. Hoặc cơ quan, đơn vị, tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đảm bảo tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư công và quản lý các dự án đầu tư xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Những quy định quản lý đầu tư xây dựng trước đây đã phát sinh nhiều bất cập. Chính điều này dẫn đến tình trạng có chủ đầu tư không chuyên nghiệp kể cả về mặt thẩm định và quyết toán. Từ đó đưa ra các giải pháp thiết kế không hợp lý, kiểm soát quá trình thi công chưa hiệu quả, khiến công trình không đạt chất lượng, lãng phí trong xây dựng. Thêm vào đó, vai trò của cơ quan chuyên môn về xây dựng chưa được cụ thể hóa trong các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu và bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình. Đây là một trong những lý do dẫn đến hệ lụy đầu tư dàn trải, lãng phí. Tình trạng mạnh ai nấy đầu tư, thiếu tính chuyên nghiệp… đã làm cho không ít dự án trầy trật, không đảm bảo tiến độ thời gian lẫn chất lượng công trình.

Lãnh đạo BQLDA đầu tư xây dựng tỉnh cho rằng, quy chế hoạt động cũ của cơ quan bây giờ không còn phù hợp với tinh thần Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18.6.2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Bốn phòng cũ với chức năng nhiệm vụ giẫm chân lên nhau; quy chế mới thì đang xây dựng nhưng theo quy định chỉ còn 2 phòng quản lý nhà nước. Trước đây, có địa phương thành lập 2 - 3 BQLDA đầu tư xây dựng thì năm 2016 chỉ được phép thành lập một cơ quan. Việc xóa sổ các BQLDA cũ, thành lập đơn vị mới cho phù hợp với Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công sẽ góp phần quản lý, sử dụng đồng vốn đầu tư hiệu quả hơn. Đối với dự án có sử dụng vốn nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc “tiền kiểm” nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí và đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Theo Sở Nội vụ, vướng mắc nhất hiện nay là chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng nên mọi việc giải quyết còn lúng túng. Về mặt nhân sự, sẽ giảm đầu mối, cắt giảm đối tượng hợp đồng nhưng theo lộ trình cụ thể. Việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ cho phù hợp với trình độ chuyên môn đang được Sở Nội vụ tính toán theo hướng tinh gọn.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU