Đối thoại doanh nghiệp du lịch
UBND tỉnh vừa tổ chức gặp mặt doanh nghiệp du lịch nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động du lịch thời gian qua. Những vấn đề về sản phẩm, môi trường du lịch, sụt giảm khách lưu trú… dù là câu chuyện không mới nhưng vẫn nóng bỏng.
Báo cáo của Sở VH-TT&DL cho biết, năm 2015 tổng lượng khách đến Quảng Nam ước đạt 3,85 triệu lượt, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 1,9 triệu, tăng 6,67% so với năm 2014. Doanh thu du lịch năm 2015 ước đạt 2.570 tỷ đồng, thu nhập từ du lịch đạt 6.039 tỷ đồng. Thị trường có cơ cấu phân bổ khá hợp lý theo tỷ lệ 50/50 giữa khách trong nước và quốc tế (tập trung chủ yếu vào các thị trường Tây Âu 46%, Úc 17%, Đông Bắc Á 10%, Bắc Mỹ 8%). Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, kết quả trên đã minh chứng sức hấp dẫn của du lịch Quảng Nam trong mắt du khách. Trong đó, thương hiệu du lịch Hội An đã được ghi nhận bằng 34 danh hiệu do khách bình chọn. Ngoài ra, Quảng Nam cũng được đánh giá như một điểm đến an toàn, thân thiện với những sản phẩm du lịch có tính bền vững như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái… “Đây là những kết quả khá ấn tượng, hứa hẹn phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Sự ra đời của các công trình cầu Cửa Đại, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Trung tâm Hỗ trợ du khách Quảng Nam… sẽ giúp tạo động lực quan trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch Quảng Nam cũng như các huyện phía nam phát triển, đưa du lịch tăng tốc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm đến” - ông Hài nói.
Năm 2015, chỉ có khoảng 30% số du khách đăng ký lưu trú khi du lịch Quảng Nam. Trong ảnh: Phố cổ Hội An - điểm đến thu hút du khách. Ảnh: D.L.T.N |
Tham quan tăng, lưu trú giảm
Dù khách tham quan tăng trưởng mạnh, nhưng một thực tế không phủ nhận là tỷ lệ khách lưu trú khá khiêm tốn. Trong số 3,85 triệu lượt khách tham quan Quảng Nam trong 2015 chỉ khoảng 1,22 triệu lượt khách đăng ký lưu trú, thậm chí tỷ lệ khách nội địa lưu trú còn sụt giảm so với năm trước. Tại hội nghị, đa số ý kiến doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến khách không ở lại chính là thiếu điểm vui chơi giải trí về đêm. Bên cạnh đó, những thông tin không tốt về sạt lở bờ biển Cửa Đại cũng vô tình khiến khách quốc tế e dè khi đăng ký lưu trú tại các khách sạn ven biển. Riêng với khách nội địa, sự sụt giảm còn xuất phát từ khả năng cạnh tranh giá với các cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng, dẫn đến tình trạng khách vô Hội An chơi nhưng về Đà Nẵng ngủ lại. Theo ông Nguyễn Phú Quý - Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Hoàng Gia, hiện các khách sạn tại Hội An kinh doanh rất khó khăn, chỉ đạt khoảng 50 - 60% công suất phòng, trong khi mỗi tuần có hơn 100 chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng. “Trước đây khách xuống sân bay là vào Hội An, còn bây giờ họ chọn Đà Nẵng vì thành phố này ngày càng có nhiều điểm vui chơi giải trí đẳng cấp được xây dựng. Bên cạnh đó, do thời gian qua chúng ta quá chú trọng đến thị trường khách châu Âu mà quên thị trường khách gần. Hiện mỗi tuần có 39 chuyến bay từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng, đây là thị trường khách rất tiềm năng cần khai thác nhưng chúng ta lại thiếu rất nhiều từ hướng dẫn viên đến sản phẩm dịch vụ phù hợp” - ông Quý góp ý.
Hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Quảng Nam. Ảnh: V.LỘC |
Câu chuyện “giữ khách” thời gian qua vẫn luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm, vì nguồn thu quan trọng nhất vẫn là khả năng chi tiêu, mua sắm của khách chứ không phải tiền bán vé tham quan. Theo ông Trần Lực - Phó Giám đốc Saigontourist, sản phẩm du lịch Hội An chỉ phù hợp với khách châu Âu, không phù hợp với khách châu Á. Hội An cần phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ mới để tạo sự đa dạng cũng như tăng tỷ lệ khách lưu trú, khi làn sóng khách châu Á gia tăng. “Ngành du lịch cần xác định lại thị trường khách. Hiện nay khách châu Á đang tăng rất cao, nhất là khách Trung Quốc. Do đó, ngay từ bây giờ chúng ta cần chuẩn bị tâm lý đón khách Trung Quốc cũng như xây dựng các sản phẩm phù hợp kể cả các trung tâm giải trí bên ngoài phố cổ” - ông Lực đề xuất.
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Nhìn nhận vấn đề trên, ông Đinh Hài cho rằng, không chỉ sụt giảm khách lưu trú, thời gian qua du lịch Quảng Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Từ công tác quy hoạch, đầu tư, giải phóng mặt bằng đến phát triển sản phẩm, xây dựng hạ tầng du lịch, vệ sinh môi trường. Ngoài ra, công tác xúc tiến du lịch cũng chưa tạo được hiệu ứng mạnh mẽ từ các thị trường trực tiếp; hoạt động nghiên cứu thị trường chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch còn không ít khó khăn; môi trường du lịch yếu kém, hiện tượng cò mồi, ăn xin, tranh giành khách vẫn còn xảy ra… ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Quảng Nam. “Năm 2016, sở sẽ xây dựng sản phẩm tạo đột phá trong du lịch biển đảo, phục hồi hình ảnh bãi biển Cửa Đại, tăng cường quảng bá các bãi biển Hà My, An Bàng, Tam Thanh, Bình Minh, Bãi Rạng. Chúng tôi cũng sẽ thiết lập liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch, thu hút nhân tài cho ngành du lịch Quảng Nam. Để thu hút khách lưu trú, quan điểm của sở vẫn là nâng cao chất lượng dịch vụ chứ không phải hạ giá phòng để cạnh tranh” - ông Đinh Hài cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, Quảng Nam cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp trong phát triển cũng như sẽ quan tâm hơn đến đầu tư hạ tầng công. Cùng với đó, các ngành cũng sẽ có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong năm 2016, nhất là tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải cách công chức công vụ theo hướng phục vụ doanh nghiệp. “Năm 2016 sẽ tập trung vào nhiều nhóm vấn đề lớn, nhất là công tác tuyên truyền về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tăng cường quản lý niêm yết giá cả tại các điểm du lịch để tạo ra văn minh trong du lịch. Tỉnh sẽ tổ chức các lớp chuyên đề bồi dưỡng cho doanh nghiệp về thông tin, phát triển và định hướng. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện 3 đột phá trong đó có hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển tốt hơn cũng như thu hút đầu tư trong những năm tới”.
THÂN VĨNH LỘC