Hợp nhất trung tâm phát triển quỹ đất: Chậm và vướng

TRẦN HỮU 09/12/2015 08:38

Trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác đã hợp nhất trung tâm phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) các địa phương về một cấp là TTPTQĐ tỉnh thuộc sở tài nguyên - môi trường, thì ở Quảng Nam hiện vẫn còn một số nơi chưa bàn giao, ban hành xong quy chế phối hợp, cơ chế tài chính...

Việc hợp nhất trung tâm phát triển quỹ đất các địa phương về một cấp sẽ thuận lợi hơn trong công tác giải phóng mặt bằng.  TRONG ẢNH: Thi công đường cao tốc qua xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ).
Việc hợp nhất trung tâm phát triển quỹ đất các địa phương về một cấp sẽ thuận lợi hơn trong công tác giải phóng mặt bằng. TRONG ẢNH: Thi công đường cao tốc qua xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ).

Chậm bàn giao

Mặc dù đến ngày 30.9.2015 là hết thời hạn hợp nhất TTPTQĐ cấp huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt TTPTQĐ cấp huyện) về TTPTQĐ tỉnh thuộc Sở Tài nguyên – môi trường nhưng thời điểm này, vẫn còn 3 địa phương (gồm thị xã Điện Bàn, huyện Phú Ninh và Thăng Bình) chưa bàn giao hồ sơ, sổ sách liên quan về TTPTQĐ tỉnh. Trong khi đó, hiện UBND tỉnh vẫn chưa ban hành quy chế phối hợp, xác định vai trò, nhiệm vụ của từng cấp, đơn vị. Cho nên, phần lớn địa phương vẫn hoạt động theo cơ chế cũ, sử dụng con dấu cũ. Ông Phạm A - Giám đốc TTPTQĐ tỉnh cho biết, mọi thứ còn ngổn ngang, trước mắt là để các địa phương hoạt động bình thường. TTPTQĐ tỉnh chỉ làm chủ đầu tư các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Những công trình, dự án nào đang đầu tư dở dang sẽ tiếp tục giao cho cấp huyện làm chủ đầu tư. “Sở dĩ các địa phương chậm, hoặc chưa muốn bàn giao về cấp tỉnh quản lý vì “sợ” ngân sách tỉnh lấy mất nguồn thu đáng kể về khai thác quỹ đất” - ông A nhìn nhận.

Theo ông Phạm A, mặt thuận lợi khi hợp nhất về tỉnh là góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án trọng điểm của tỉnh; quan điểm bồi thường, áp giá trước sau đều thống nhất; tạo nguồn thu ngân sách từ đất đai, giảm bớt tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả. Thực tế, thời gian qua một số dự án trọng điểm của tỉnh không bảo đảm được yêu cầu bàn giao mặt bằng theo tiến độ kế hoạch đề ra ban đầu. Cơ chế hoạt động trước đây của các trung tâm chịu sự quản lý của các địa phương, mà mỗi nơi với cách thức hoạt động khác nhau dễ làm phát sinh tình trạng lãng phí nguồn nhân lực. Việc thành lập TTPTQĐ tỉnh thuộc Sở Tài nguyên - môi trường trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị hiện có là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất và phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Việc hợp nhất về cấp tỉnh, nhiều nơi ít công trình, dự án giải phóng mặt bằng và hạn chế khai thác quỹ đất thì mừng; ngược lại địa phương nào “ăn nên làm ra” về khai thác quỹ đất thì tỏ ra lo lắng vì mất cân đối nguồn thu ngân sách. Đơn cử, năm 2015, TP.Tam Kỳ có đến 123 dự án bồi thường, 106 dự án xây dựng cơ bản. Bình quân mỗi năm chỉ tiêu thành phố giao phải khai thác từ 100 đến 150 tỷ đồng tiền khai thác quỹ đất. Nhiều năm, khai thác quỹ đất là “bầu sữa ngân sách” cho thành phố. Ông Nguyễn Ngọc Trai - Giám đốc TTPTQĐ TP.Tam Kỳ cho rằng, nếu tỉnh không cân đối, chia sẻ hài hòa nguồn thu thì chắc chắn thành phố sẽ vô cùng khó khăn bởi mất đi nguồn thu lớn về ngân sách. Nhiều dự án triển khai dang dở sẽ tiếp tục gặp khó khăn do chưa tìm vốn đối ứng. Ví như, riêng dự án đường Điện Biên Phủ, địa phương nợ 62 tỷ đồng vốn đối ứng, cần 143 lô đất tái định cư. Ngoài mất nguồn thu, nỗi lo của TP.Tam Kỳ là hoàn toàn không chủ động đất tái định cư. “Đến bây giờ tôi vẫn băn khoăn rồi ai sẽ đứng ra xây dựng các khu tái định cư, khai thác quỹ đất. Bây giờ, nếu có giao dự án, đơn vị cũng không dám nhận đâu vì chưa có quy chế phối hợp, hoặc cơ chế rõ ràng. Hợp nhất về cấp tỉnh là đúng luật rồi nhưng hiện tại rối như tơ vò” - ông Trai nói. Lãnh đạo đơn vị này cũng thừa nhận, bên cạnh mất cán bộ do rút về TTPTQĐ tỉnh, thì hầu hết cán bộ, viên chức dạng hợp đồng sẽ mất nguồn chi trả thu nhập. Toàn bộ dự án do đơn vị làm chủ đầu tư đến nay đã chuyển giao hết về UBND TP.Tam Kỳ. Năm nay, kế hoạch thành phố giao cho các xã, phường trực thuộc cả năm là 25 tỷ đồng khai thác quỹ đất nhưng đến nay chỉ mới thu được chưa đến 50% kế hoạch.

Tháo gỡ vướng mắc

Nhiều dự án trước đây, chính quyền cấp huyện làm chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, nên UBND các địa phương đề nghị được tiếp tục thực hiện tổ chức đấu giá các dự án này. Trước đây, khi TTPTQĐ thuộc UBND cấp huyện thì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ được UBND huyện trực tiếp chỉ đạo thực hiện, đặc biệt trong trường hợp cưỡng chế thu hồi đất. Cho nên, các địa phương đề xuất UBND tỉnh sớm ban hành quy chế phối hợp giữa các cấp, đơn vị có liên quan. Về vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chính là xác định giá đất nên có cơ chế để địa phương xác định giá đất cụ thể.

Thi công mở rộng quốc lộ 1, đoạn qua huyện Thăng Bình. Ảnh: T.HỮU
Thi công mở rộng quốc lộ 1, đoạn qua huyện Thăng Bình. Ảnh: T.HỮU

 Trong khi chờ đợi quy chế phối hợp, cơ chế tài chính, TTPTQĐ tỉnh chủ động xử lý chuyển tiếp các dự án dang dở. Trước mắt, các giao dịch về hợp đồng kinh tế, tài chính, TTPTQĐ cấp huyện rà soát, xem xét đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo tính pháp lý sau khi hợp nhất là đơn vị hạch toán thuộc TTPTQĐ tỉnh. Nguồn thu, chi các dự án dở dang tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo trong Thông báo số 357/TB-UBND, ngày 19.8.2015 của UBND tỉnh. Đối với các dự án, tiểu dự án do UBND tỉnh giao cho UBND cấp huyện làm chủ đầu tư như tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, hiện Sở Tài chính và Sở Kế hoạch – đầu tư xem xét hướng dẫn điều chỉnh giao cho TTPTQĐ cấp huyện thực hiện phần còn lại thông qua hợp đồng giữa UBND cấp huyện và TTPTQĐ cấp huyện hoặc điều chuyển chủ đầu tư sang TTPTQĐ tỉnh.  

Tại cuộc làm việc mới đây với Sở Tài nguyên - môi trường để nghe báo cáo vướng mắc bàn giao TTPTQĐ cấp huyện về TTPTQĐ tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn thống nhất giao TTPTQĐ tỉnh thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Đối với trường hợp khi thu hồi đất đã có dự án đầu tư được duyệt thì thực hiện thu hồi đất giao cho chủ đầu tư theo Luật Đất đai. Trường hợp thu hồi đất chưa có dự án đầu tư thì diện tích đất thu hồi sẽ giao cho TTPTQĐ quản lý thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng theo luật định. “Trường hợp dự án có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách cấp huyện, yêu cầu chính quyền các huyện chịu trách nhiệm tiếp tục đảm bảo, bố trí vốn để thực hiện theo dự án được duyệt; đồng thời rà soát nguồn thu tiền sử dụng đất để tiếp tục đầu tư thực hiện dự án” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn lưu ý.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU