Khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm

TRẦN NGUYỄN 24/11/2015 09:41

Những năm gần đây, việc triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm”, ngư dân đã rất thành công trong đánh bắt và bảo vệ loài hải sản có giá trị kinh tế cao này.

Trước kiểu khai thác tận diệt cua đá Cù Lao Chàm, chính quyền TP.Hội An buộc phải ra chỉ thị nghiêm cấm việc khai thác, vận chuyển lén lút nhưng thực tế vẫn không thể kiểm soát động vật này nhất là mùa du lịch từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Mặt khác, việc dự báo phục hồi cua đá của các ngành chức năng cũng rất khó khăn. Từ năm 2010, nguồn Quỹ Môi trường toàn cầu, TP.Hội An và Hội Nông dân xã Tân Hiệp triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm” nhằm phục hồi sinh thái cua đá. Dưới sự giúp đỡ của dự án bảo tồn và trách nhiệm của chính quyền, cua đá muốn khai thác phải đảm bảo kích thước, sản phẩm bán ra thị trường phải có nhãn và được giữ trong lồng có logo, khẩu hiệu. Cua đá không có nhãn xuất hiện trên thị trường sẽ bị thu hồi và trả về biển. Theo chính quyền xã Tân Hiệp, cua đá được bảo tồn và khai thác hợp lý đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và cùng xã hội hành động bảo vệ môi trường và động vật hoang dã tại địa phương. Mô hình quản lý hiệu quả, ngoài giúp bảo vệ được 75% số lượng cua đá còn cải thiện thu nhập cho ngư dân. Năm 2013, cua đá chỉ có giá 500 nghìn đồng/kg, năm 2014 với 700 nghìn đồng/kg thì nay đã gần 1 triệu đồng.

Khai thác cua đá đúng kích thước, quy định là cách bảo tồn đa dạng loài hải sản có giá trị kinh tế này. Ảnh: T.NGUYỄN
Khai thác cua đá đúng kích thước, quy định là cách bảo tồn đa dạng loài hải sản có giá trị kinh tế này. Ảnh: T.NGUYỄN

Theo ông Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn Cù Lao Chàm), cua đá được dán nhãn sinh thái thể hiện nỗ lực rất lớn của cộng đồng với việc bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững. Khách du lịch đến Cù Lào Chàm không chỉ để thưởng thức cảnh quan thiên nhiên, văn hóa mà còn được biết cách ứng xử của người dân bản địa với con cua đá. Gần đây, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, trực tiếp là chương trình rừng ngập mặn cho tương lai đã tiếp tục tài trợ gắn kết 4 nhà (quản lý, doanh nghiệp, khoa học - bảo tồn và người dân) nhằm tăng cường năng lực cho Tổ cộng đồng bảo vệ và khai thác bền vững hơn loài hải sản này. Từ năm 2013 đến nay, các thành viên ngư dân đã đánh bắt và dán nhãn sinh thái cho 14.486 con, trong đó có gần 9.900 cua đực. Thế nhưng, vì giá trị kinh tế cao, nên cua đá khai thác không đúng quy định, kích thước vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, thách thức những cơ quan bảo tồn đa dang sinh học. Khảo sát gần đây của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế cho thấy, tình trạng cua đá không dán nhãn sinh thái tại các quán ăn trên bãi biển đã và đang xảy ra, trong khi công tác tuần tra, giám sát còn lỏng lẻo. Nhiều người dân chưa nhận thức được lợi ích kinh tế lâu dài của việc khai thác và sử dụng cua đá có dán nhãn sinh thái. Một số khác sinh sống bằng nghề biển như đánh bắt cá, bán đồ lưu niệm cho rằng bảo tồn cua đá không liên quan đến sinh kế của họ. Truyền thông cho cộng đồng về mô hình có nhiều hạn chế. Quản lý cua đá vẫn chưa tiếp cận theo hướng quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường, chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan tại Cù Lao Chàm và Hội An. Đến nay, vẫn chưa có dự báo chính xác nào về số lượng loài hải sản quý này và tương lai sẽ ra sao. Theo các chuyên gia bảo tồn, các xung đột trong quản lý cua đá tại địa phương luôn hình thành và phát triển, một mặt là động lực góp phần thúc đẩy quá trình quản lý phát triển, mặt khác gia tăng áp lực trong hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững. Cho nên, những xung đột trong quản lý tài nguyên cần được nghiên cứu cập nhật tìm giải pháp phù hợp nhằm gia tăng lợi ích cho cộng đồng. Lo ngại hơn, từ cuối năm 2015, các dự án tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế về bảo vệ đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm kết thúc, liệu người dân có chấm dứt lối khai thác tận diệt hay không.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN