Vào vụ hoa tết

QUỐC TUẤN 14/11/2015 09:31

Thời điểm này, nông dân nhiều nơi đang tất bật chuẩn bị vào vụ hoa tết. Từ tờ mờ sáng, trên những cánh đồng cát trắng rộn rịp bóng nông dân tưới nước, chăm bón để những chậu hoa kịp khoe sắc trong dịp Tết Nguyên đán.

Bà Nhớ chăm sóc hoa cúc. Ảnh: Q.TUẤN
Bà Nhớ chăm sóc hoa cúc. Ảnh: Q.TUẤN

Vừa hối hả kéo dây tưới nước trên mấy sào hoa cúc, bà Lê Thị Nhớ (khối 5, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn) tâm sự: “Gia đình tôi trồng bông cúc được sáu, bảy năm rồi, có năm trúng, giá có năm ứ hàng, nhưng nhìn chung cũng nhờ nó mà nhà có đồng vô đồng ra và phục vụ chi tiêu sinh hoạt”. Theo bà Nhớ, ở đây một số hộ trồng hoa chậu hay có diện tích trồng hoa cúc lớn có năm hoa được giá, thu nhập hàng trăm triệu đồng trong dịp tết.

Trong suốt tháng chín âm lịch, các hộ trồng hoa xuống giống và cấy dặm liên tục để bảo đảm cây con sinh trưởng đúng số lượng. Tại khối 5, phường Điện Nam Trung, có gần trăm hộ trồng hoa cúc với tổng diện tích khoảng 22ha. Thông thường, mỗi vụ hoa có thời gian khoảng ba tháng, cứ đến nửa tháng Chạp thì thương lái bắt đầu đánh xe vào lấy hàng đi Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị… để tiêu thụ. Nỗi lo lớn nhất của người trồng hoa cúc là cúp điện, bởi mỗi khi có lịch cúp điện họ phải thức trắng đêm để tưới nước cho hoa.

Tại xã Cẩm Hà (TP.Hội An), các nhà vườn cũng đang tất bật cắt tỉa lá quật kỳ cuối cùng trước khi bón phân, tưới nước cho những chậu quật bán trong dịp Tết Nguyên đán. Ngay từ tháng sáu âm lịch, người trồng quật đã bắt đầu thực hiện những công đoạn chăm sóc đầu tiên để có được những sản phẩm chất lượng và đẹp mắt. Xã Cẩm Hà cùng với các vùng lân cận được xem là “vựa quật” của miền Trung hiện nay. Ở đây nhà ít thì trồng vài trăm chậu, nhiều lên đến hàng nghìn chậu. Bà Nguyễn Thị Châu (trú thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà) chia sẻ: “Người dân ở đây gắn bó với cây quật đã tròm trèm hai chục năm, cây quật đã trở thành sinh kế của rất nhiều hộ trong xã chứ không chỉ riêng tôi. Quật ở đây không có hoặc rất hiếm khi phục thuốc để ép chín quả như một số nơi khác. Chúng tôi lo ngại thời tiết thất thường, nếu mưa lớn liên miên thì quật sẽ bị nấm”. Bà Châu cũng cho biết thêm, dù có thâm niên và kinh nghiệm cắt tỉa nhưng để quật ra hoa (lộc) đúng dịp tết là rất khó, chủ yếu dựa vào rễ quật và sự may mắn. Những chậu quật vừa có quả vừa có lộc nhiều thì bán được giá hơn bình thường.  

Ông Nguyễn Hoang - Trưởng ban Nông nghiệp xã Cẩm Hà cho biết, hiện địa phương có hơn 51.000 chậu quật lớn nhỏ. Quật thành phẩm được xuất đi nhiều nơi trong cả nước như Gia Lai, Bình Định, Huế, Đà Nẵng… Sản lượng quật hàng năm tăng đều do lượng tiêu thụ ổn định, nhiều hộ chú trọng đầu tư vào việc tạo thế cho quật cảnh để giá trị cây trồng tăng cao. Địa phương thường xuyên có các cơ chế để hỗ trợ giống cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, bên cạnh đó cũng xuống tận thôn để tập huấn về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc cây quật cho người dân.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN