Liên kết du lịch Hội An – Điện Bàn: Khai phóng tiềm năng
Ý tưởng hình thành mối liên kết giữa Hội An và Điện Bàn để tạo thành một vùng đô thị nổi tiếng về du lịch - dịch vụ đã manh nha từ lâu nhưng phải đến thời điểm hiện tại thì những hành động và hướng đi thiết thực mới tạo được dấu ấn đáng kể.
Hình thành liên kết
Việc liên kết phát triển du lịch giữa các vùng đất khác nhau cho phép khai thác những lợi thế của nhau về tài nguyên du lịch, về vị trí trong giao thương, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch. Trong hội thảo định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An tổ chức đầu năm nay, PGS-TS. Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) nhận định, liên kết Điện Bàn - Hội An có cơ hội mở rộng được không gian du lịch phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí và nghỉ cuối tuần của người dân đô thị vốn đang rất lớn hiện nay. Với thế mạnh về làng nghề và nông nghiệp, Điện Bàn cần phát triển các hoạt động nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí gắn với các giá trị “làng” và nông nghiệp mang đậm chất văn hóa bao gồm cả văn hóa ẩm thực đồng bằng ven biển miền Trung.
Bến đò Thanh Hà đưa khách tham quan từ làng gốm Thanh Hà sang Triêm Tây (Điện Phương). |
Những năm gần đây, dù chưa có thỏa thuận chính thức nào giữa hai bên nhưng ở nhiều cuộc hội thảo về du lịch được chính quyền thị xã Điện Bàn tổ chức đều có sự tham vấn của chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp TP.Hội An để chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và cách thức làm du lịch hiệu quả. Thời gian qua hai bên đã hợp tác để đưa vào sử dụng bến đò tại khu vực phường Thanh Hà (TP.Hội An) nhằm đưa khách từ làng gốm Thanh Hà sang làng Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) tham quan, du lịch, đặt bảng biển chỉ dẫn các địa điểm du lịch trên địa bàn tại nhiều nơi để tạo thuận lợi cho khách du lịch tìm kiếm, khám phá. Triêm Tây thực sự là điểm sáng trong mối liên kết của hai bên khi Điện Bàn đã học hỏi được kinh nghiệm và góp phần tạo ra “chuỗi” sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng của Hội An để trở thành địa điểm hút khách mới. Tại khu vực biển Hà My (Điện Dương) và Viêm Đông (Điện Ngọc), UBND thị xã Điện Bàn cũng đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng các hạng mục chỉnh trang bãi biển nhằm tận dụng nguồn khách du lịch không còn mặn mà với biển Cửa Đại do bị sạt lở.
Hội An – Điện Bàn phối hợp đặt nhiều biển chỉ dẫn phục vụ du khách. Ảnh: Q.T |
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại - du lịch TP.Hội An cho biết: “Rào cản lớn nhất giữa đôi bên chính là tâm lý có chịu cởi trói để liên kết với nhau hay không và rất mừng là điều này đã được những người có trách nhiệm của hai địa phương nhận ra và xóa bỏ trong những năm gần đây. Lĩnh vực du lịch là không biên giới, càng liên kết thì càng phát triển và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, có giá trị nhằm tăng cao nguồn thu từ ngành công nghiệp không khói này”.
Sẻ chia lợi ích
Nói về du lịch - dịch vụ thì Điện Bàn “sinh sau đẻ muộn” so với Hội An nên những thành tựu mà ngành du lịch, dịch vụ của thị xã đạt được mới ở bước sơ khai so với đô thị cổ đã có “thâm niên” trong lĩnh vực này. Tuy nhiên không vì thế mà chỉ có Điện Bàn được lợi trong công cuộc liên kết này mà cả “người hàng xóm” Hội An cũng sẽ hưởng lợi. Với Điện Bàn, nếu phát triển du lịch đúng hướng và quy củ sẽ nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ việc giới thiệu khách của các hãng lữ hành uy tín tại Hội An như Lê Nguyễn, Indochine, Phú Thịnh… Hiện nay, tuyến Hội An - Mỹ Sơn được khai thác rất tốt, trong hành trình đó xuyên qua khá nhiều điểm du lịch có tiếng ở Điện Bàn, vì vậy muốn khai thác tối đa những điểm đến này tất yếu buộc phải liên kết với nhau. Hội An là điểm thu hút khách, nếu biết tận dụng, Điện Bàn sẽ được chia khách và kéo dài thời gian lưu trú bởi địa phương này sở hữu khá đa dạng các loại hình du lịch như biển, sinh thái, làng nghề. Vì vậy việc liên kết không hề tạo ra xung đột mà là sẻ chia lợi ích với nhau.
Cầu Cẩm Kim đang trong quá trình xây dựng, khi hoàn thành không chỉ nối liền trung tâm thành phố với vùng “ốc đảo” phục vụ cho dân sinh, có lợi cho riêng Hội An mà còn giúp con đường để du khách đến Triêm Tây ngắn lại. Tuyến du lịch Hội An – Kim Bồng – Thanh Hà – Triêm Tây hay các tuyến du lịch đường sông dọc hạ lưu sông Thu Bồn sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn. Về phía Hội An, việc tham khảo các mô hình du lịch thành công ở Điện Bàn sẽ giúp họ nhận ra những hạn chế còn tồn tại bấy lâu nay. Đơn cử như mô hình Triêm Tây, người dân ở làng quê này rất “nhạy” với các hoạt động du lịch bởi họ nhận thức được rằng du lịch đem lại lợi ích cho chính họ. Người Hội An có tư duy làm du lịch mới, lạ đã đem lại hiệu quả cao bởi có những “đặc ân” hiếm nơi nào có được, nhưng cũng cần phải học hỏi cái nhận thức cộng đồng của Triêm Tây để phát triển bền vững hơn. Ngoài ra, Điện Bàn cũng là cái nôi bao bọc cảnh quan và cửa ngõ giao thương của Hội An với Đà Nẵng nên việc Điện Bàn phát triển du lịch và bảo vệ cảnh quan môi trường cũng có ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu du lịch của Đô thị cổ Hội An.
QUỐC TUẤN