Đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ: Cần cơ chế đặc thù

XUÂN PHÚ 10/11/2015 09:42

Để phát triển xứng tầm đô thị tỉnh lỵ, TP.Tam Kỳ đề xuất cần có một cơ chế đặc thù nhằm tạo nguồn lực đủ mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại buổi làm việc với TP.Tam Kỳ vừa qua, HĐND tỉnh thống nhất sẽ bàn bạc, quyết định cơ chế mới thay thế cho Nghị quyết 191 hết hiệu lực trong năm 2015.

Cơ chế đặc thù giúp Tam Kỳ tạo ra sức hấp dẫn với các nhà đầu tư (ảnh: Tổ hợp khách sạn, nhà hàng của Công ty CP Mường Thanh).  Ảnh: XUÂN PHÚ
Cơ chế đặc thù giúp Tam Kỳ tạo ra sức hấp dẫn với các nhà đầu tư (ảnh: Tổ hợp khách sạn, nhà hàng của Công ty CP Mường Thanh). Ảnh: XUÂN PHÚ

Tạo nguồn lực từ “cơ chế 191”

Năm 2011, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 191 về một số cơ chế đối với thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ đến năm 2015. Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam, qua 5 năm triển khai thực hiện, có thể nói “cơ chế 191” đã góp phần tạo ra nguồn lực đáng kể giúp cho thành phố phát triển kinh tế - xã hội, đạt cơ bản các tiêu chí đô thị loại II. Cụ thể, đến nay thành phố đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng đô thị Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mở rộng không gian đô thị về hướng đông. Nhiều công trình trên địa bàn hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo đồng bộ kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển như Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, cầu Kỳ Phú 1 và 2, mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua thành phố, dự án thu gom xử lý nước thải và thoát nước, đường Điện Biên Phủ, kè sông Bàn Thạch…

Tại buổi làm việc với TP.Tam Kỳ cuối tuần qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho biết sắp tới HĐND tỉnh sẽ bàn bạc, quyết định cơ chế mới thay thế cho Nghị quyết 191 hết hiệu lực trong năm 2015 theo hướng tăng các mức hỗ trợ cho đô thị tỉnh lỵ phát triển xứng tầm. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang cũng đề nghị Tam Kỳ cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất tỉnh cơ chế hỗ trợ, danh mục dự án đầu tư; đồng thời, tập trung rà soát lại các dự án trên địa bàn để triển khai thực hiện hoàn chỉnh, tránh tình trạng đầu tư tràn lan. “Đừng nóng ruột mà phải tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông, vỉa hè, cây xanh khu vực đô thị hiện nay cho thật đẹp. Sau đó mới nghĩ đến việc đầu tư mở rộng không gian đô thị về phía đông” - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang lưu ý.

Về cơ chế tài chính, ông Nam cho rằng đến nay phần lớn quy định của Nghị quyết 191 đều được triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Trong đó, Tam Kỳ hàng năm được tỉnh bổ sung có mục tiêu nguồn kiến thiết thị chính 20 tỷ đồng và sau đó bổ sung thêm với tổng nguồn kinh phí hỗ trợ trong 5 năm qua là 87 tỷ đồng. Nhờ đó, thành phố có điều kiện đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông đô thị, vỉa hè, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh, hoàn thiện cảnh quan đô thị. Cùng với đó, tỉnh cân đối nguồn ngân sách, bố trí 93 tỷ đồng đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng trên địa bàn, gồm Quảng trường 24.3, đường N10, khu hạ tầng bãi tắm Tam Thanh, nhà tang lễ. Thực hiện cơ chế để lại cho thành phố 100% từ tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, đến nay Tam Kỳ được bổ sung 7,5 tỷ đồng tiền bán 3 căn nhà và 2,1 tỷ đồng từ tiền thuê đất nộp một lần. Ngoài ra, thành phố cũng đang tổ chức triển khai dự án khu dân cư cho người thu nhập thấp tại phường Trường Xuân theo “cơ chế 191” và dự kiến hoàn thành trong năm 2015.

Nhìn nhận về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 191, ông Nguyễn Minh Nam cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được thì cơ chế này vẫn chưa đủ mạnh và còn nhiều tồn tại, chưa tạo động lực cho Tam Kỳ phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng. Đó là, một số dự án do tỉnh hỗ trợ thành phố đến nay chưa hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng; các khu dân cư do sở, ban, ngành của tỉnh làm chủ đầu tư triển khai không đồng bộ, dở dang kéo dài. Sức hút của Tam Kỳ còn hạn chế nên việc kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị chưa thực hiện được; nguồn thu từ bán nhà sở hữu nhà nước, thuê đất nộp tiền một lần còn ít. Nguồn kiến thiết thị chính 20 tỷ đồng mỗi năm vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu. “Cơ chế của Nghị quyết 191 vẫn chưa tạo nguồn lực đủ mạnh để thúc đẩy thành phố phát triển. Trong 5 năm tổng kinh phí tỉnh hỗ trợ cho Tam Kỳ theo cơ chế này khoảng hơn 189 tỷ đồng, bình quân chưa đến 38 tỷ đồng/năm là quá thấp so với một thành phố tỉnh lỵ” - ông Nam nói.

Cần cơ chế đặc thù

Nghị quyết 191 sẽ hết hiệu lực trong năm 2015. Trong khi đó, TP.Tam Kỳ có nhu cầu đầu tư rất lớn để phát triển xứng tầm là đô thị tỉnh lỵ, nhất là trở thành đô thị loại II vào năm 2016. Ông Nam cho biết, theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu nguồn vốn đầu tư các công trình của thành phố là hơn 6.800 tỷ đồng trong khi nguồn vốn bố trí theo dự kiến rất thấp. Còn theo Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa, quy mô nền kinh tế Tam Kỳ còn nhỏ, hiện xếp thứ 3 cả tỉnh, nên nguồn lực đầu tư khá hạn chế. Trong những năm qua, các công trình trên địa bàn thành phố chủ yếu là của tỉnh đầu tư. Vì vậy, thời gian đến đô thị Tam Kỳ cần có một cơ chế đặc thù đủ mạnh để tạo ra đột phá trong phát triển.

Trên cơ sở đó, tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh cuối tuần qua, UBND TP.Tam Kỳ đã đề xuất một số cơ chế phát triển đô thị tỉnh lỵ giai đoạn 2016 - 2020. Nhìn chung, cơ chế mới mà Tam Kỳ đề xuất không khác nhiều so với “cơ chế 191” nhưng lại điều chỉnh theo hướng hỗ trợ cao hơn. Chẳng hạn, bổ sung nguồn vốn kiến thiết thị chính cho Tam Kỳ mỗi năm 60 tỷ đồng (trước đây là 20 tỷ đồng); tiếp tục để lại ngân sách thành phố 100% từ nguồn bán nhà sở hữu nhà nước gắn liền với tiền sử dụng đất và để lại 100% tiền thuê đất nộp một lần (trước đây là 70%); tăng tỷ lệ điều tiết các nguồn thu. Tỉnh tiếp tục hỗ trợ 70% nguồn vốn đối ứng bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án ODA; hàng năm hỗ trợ đầu tư xây dựng 2 công trình trọng điểm của thành phố và tiếp tục đầu tư các công trình mà tỉnh đã thống nhất chủ trương trong thời gian qua. Ngoài ra, Tam Kỳ còn đề xuất tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường đối với các dự án thương mại dịch vụ để tạo động lực phát triển; kiến nghị Trung ương hỗ trợ cơ chế, kinh phí đầu tư Khu công nghiệp Thuận Yên theo chủ trương của Chính phủ.

Ông Nguyễn Đình Tâm - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh cho rằng trong thời gian qua TP.Tam Kỳ phát triển khá nhanh, bộ mặt đô thị có nhiều chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, rõ ràng đô thị Tam Kỳ vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là cơ sở hạ tầng. Thế nên, TP.Tam Kỳ rất cần có cơ chế riêng, đặc thù nhằm tạo ra sự phát triển đột phá trong thời gian tới vì đây là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng cũng ủng hộ việc tỉnh ban hành một cơ chế đặc thù đối với TP.Tam Kỳ mà không phải địa phương nào trên địa bàn tỉnh cũng có được bởi đây là trung tâm tỉnh lỵ.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ