Mở lại tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức

TRẦN HỮU 05/11/2015 10:04

Sau hai ngày dừng tuyến xe buýt Tam Kỳ đi Hiệp Đức và ngược lại (Báo Quảng Nam điện tử đã có bài phản ánh ngày 2.11), ngày 4.11, doanh nghiệp quản lý tuyến vận tải này đã cấp lệnh cho xe hoạt động trở lại, đồng thời chủ trương tái cơ cấu hoạt động đầu tư vận tải khách theo hướng nâng cao dịch vụ  phục vụ, hình thành văn hóa giao thông cho đội ngũ lái xe và nhân viên xe buýt.

Hoạt động trở lại

Sau khi mua lại 27 xe buýt từ Công ty CP Giao thông vận tải tỉnh, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam đã tiếp tục khai thác tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức và ngược lại. Trên tuyến này có 11 xe buýt của công ty hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, do chưa thống nhất giữa doanh nghiệp và các quản lý xe, nên chiều 2.11, tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức bất ngờ ngừng hoạt động do tài xế không nhận được lệnh chạy từ phía công ty. Sở dĩ các tài xế phản ứng vì muốn gây sức ép cho công ty không được tăng khoán từ 400 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng/ngày, không đóng các khoản bảo hiểm như trước đây.

Xe buýt tuyến Tam Kỳ - Hiệp Đức đã hoạt động trở lại vào ngày 4.11. Ảnh: T.H
Xe buýt tuyến Tam Kỳ - Hiệp Đức đã hoạt động trở lại vào ngày 4.11. Ảnh: T.H

Liên tiếp trong những ngày qua, doanh nghiệp đã làm việc với các quản lý xe thanh toán công nợ, giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động và bàn giao xe cho công ty, thống nhất mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm  y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhưng đều không ngã ngũ. Đến sáng 4.11, các quản lý xe bàn giao phương tiện về công ty và chạy trở lại tuyến Tam Kỳ - Hiệp Đức. Ông Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc Công ty CP Giao thông vận tải tỉnh cho rằng, đến khoảng 22 giờ tối 3.11, giữa công ty và các quản lý xe đã thống nhất hướng xử lý, bàn giao xe cho công ty trực tiếp quản lý. Trong ngày 4.11 có 4 xe buýt hoạt động trở lại và dự kiến 5.11 toàn bộ phương tiện sẽ vận chuyển trên tuyến Tam Kỳ - Hiệp Đức.
Giải thích việc dừng cấp lệnh vận chuyển đột ngột, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam cho rằng, vì trong biên bản cuộc họp các quản lý xe đã thống nhất bàn giao xe. Nếu cấp lệnh, công ty thấy không an toàn cho tính mạng của hành khách cũng như tài sản của doanh nghiệp. Vì vậy, ngày 2.11, công ty đã thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng và báo cáo về Sở Giao thông vận tải xin tạm dừng tuyến một thời gian để khắc phục, sửa chữa xe cũng như giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến quản lý xe nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa tuyến đi vào hoạt động lâu dài, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân...

Cần chia sẻ lợi ích

Hiện nay, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam mở các tuyến xe buýt chạy Tam Kỳ - Đà Nẵng, Tam Kỳ - Đại Lộc, Quế Sơn - TP.Đà Nẵng, Tam Kỳ - Hiệp Đức. Trong đó, tuyến Tam Kỳ - Hiệp Đức và ngược lại hầu như bị thua lỗ nặng, thu không đủ bù chi. Trước đây, có doanh nghiệp phải phá sản, bán tháo tài sản trả nợ vốn vay vì nợ nần, kinh doanh kém hiệu quả trong mở tuyến lên miền núi. Ông Nguyễn Đức Hạnh cho biết, nếu xét hiệu quả kinh doanh thì mở tuyến lên miền núi gần như thua lỗ do tỉnh chưa có chính sách trợ giá, nhưng về mặt xã hội thì rất có lợi, giúp người dân có điều kiện đi lại bằng vận tải công cộng, từ đó giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông. Hiện công ty trong thời gian tái cơ cấu hoạt động vận tải theo hướng siết chặt quản lý đội ngũ lái xe và người lao động; đầu tư, sửa chữa, bảo dưỡng xe đạt tiêu chuẩn an toàn khi lưu thông, nâng cao ý thức văn hóa phục vụ hành khách cho đội ngũ lái xe và nhân viên phụ xe. Ông Hạnh Cho biết: “Việc tăng khoán cho quản lý xe đã có từ chủ cũ nhưng chưa thực hiện. Còn việc chúng tôi yêu cầu người lao động phải mua bảo hiểm là căn cứ theo quy định của pháp luật, muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được đảm bảo và an tâm lao động lâu dài. Công ty có ăn nên làm ra thì quản lý xe, người lao động cũng được nhờ và ngược lại nếu kinh doanh thua lỗ thì doanh nghiệp cũng cần được chia sẻ”.

Trong tái cơ cấu hoạt động vận tải xe buýt, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam tập trung khắc phục dứt điểm các lỗi kỹ thuật của phương tiện trước khi đưa vào khai thác. Bắt đầu ngày 1.11.2015 xử lý nghiêm các lái xe vi phạm quy định của Nhà nước về vận tải xe buýt công cộng, nhất là thái độ phục vụ, cử chỉ, lời nói xúc phạm hành khách. Từ ngày 1.1.2016, người lao động sẽ được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...

Theo báo cáo ngày 3.11.2015 của Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam, tại tuyến Tam Kỳ - Hiệp Đức, công ty đang thu khoán 400 nghìn đồng/ngày. Với mức khoán này thì công ty sẽ lỗ khoảng 250 nghìn đồng/ngày. Trong khi đó, qua khảo sát,  với mức khoán trên sau khi trừ các khoản chi phí liên quan như tiền lương, xăng nhớt, sửa chữa..., các quản lý xe lãi 300 nghìn đồng/ngày. Cũng theo ông Hạnh, công ty đề xuất mức tăng khoán thêm 100 nghìn đồng/ngày là hoàn toàn hợp lý nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như có thêm nguồn lực để công ty tái đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. “Không thể nào chấp nhận được các quản lý xe lãi trong khi công ty chịu lỗ dài dài, nguy cơ dẫn đến phá sản là rất cao. Thêm nữa, việc tăng khoán này được thống nhất từ đơn vị cũ” - ông Hạnh phân trần. Còn ông Lê Văn Sinh – Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định, theo các quy định pháp luật hiện hành, việc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam tiên phong trong siết chặt kinh doanh vận tải để tiến hành tái cơ cấu hoạt động của đơn vị theo hướng nâng cao dịch vụ trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động, doanh nghiệp và hành khách là đáng hoan nghênh. Tuyến hoạt động khu vực miền núi phần lớn thua lỗ nhưng doanh nghiệp đã duy trì, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đem lại lợi ích xã hội lớn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại điểm 3, điều 5 của Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 5.5.2015 của Thủ tướng Chính phủ quyết định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt quy định, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đến nay, hoạt động xe buýt tuyến miền núi của doanh nghiệp này vẫn chưa được trợ giá, hoặc hỗ trợ nào từ ngân sách tỉnh, trong khi ở các thành phố lớn và các tỉnh, thành lân cận đều được trợ giá vận tải xe buýt công cộng...

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU