Giải ngân hết vốn đầu tư?
Chính quyền Quảng Nam đã từng hy vọng năm 2015 sẽ thay đổi tư duy việc giải ngân vốn đầu tư khi các dự án được cấp thẩm quyền phân bổ kế hoạch vào tháng 12.2014. Tuy nhiên, với tỷ lệ giải ngân 65% trong vòng 9 tháng qua, cho thấy tình trạng không sử dụng hết vốn vẫn tiếp tục diễn ra và không biết bao giờ kết thúc!
Thực tế, chính quyền, cơ quan quản lý đã ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn, lẫn "kêu gọi" giải ngân. Tuy nhiên, thời hạn cuối cùng theo dự tính ban đầu là ngày 31.8 là sẽ rà soát, điều chỉnh kế hoạch giải ngân đã không thể thực hiện được. Đến thời điểm này, còn rất nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0%. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu phải đẩy nhanh tốc độ giải ngân, không để chuyển sang năm 2016. Chính quyền yêu cầu cơ quan quản lý phải nhanh chóng bố trí vốn cho sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư chủ động đẩy tiến độ công trình và giải ngân đúng thời gian. Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính nói hiện vẫn còn đến hơn 423 dự án còn tồn đọng. Ngay cả những dự án kéo dài nhiều năm không biết lý do gì chưa chịu quyết toán?
Đứng trước khả năng sẽ bị mất vốn, chính quyền, cơ quan quản lý liên tục phát đi văn bản yêu cầu giải ngân vốn đầu tư. Hơn 10 dự án, công trình có tỷ lệ 0% đã được xem xét để lùi thời gian giải ngân theo như lệnh đã ban hành. Mốc cụ thể để xem xét điều chuyển hay chấm dứt giải ngân vào cuối tháng 10.2015. Cụ thể văn bản UBND tỉnh nêu rõ các chủ đầu tư cần giải ngân 100% kế hoạch vốn, đến ngày 30.11 phải giải ngân hết công trình hoàn thành và chuyển tiếp, ngày 20.12 là thời hạn cuối cùng giải ngân cho các dự án công trình khởi công mới. Ngoài ra, các chủ đầu tư các dự án năm 2010 trở về trước phải nhanh chóng hoàn ứng, không để tồn đọng kéo dài. Các chủ đầu tư có số dư trái phiếu chính phủ năm 2012, 2013 và 2014 còn lại chưa giải ngân hết sẽ phải khẩn trương làm việc với Kho bạc Nhà nước để đối chiếu và giải ngân. Những dự án đến ngày 31.8.2015 có tỷ lệ giải ngân 0% được xem xét là đang làm thủ tục giải ngân đã được UBND tỉnh thống nhất cho phép gia hạn thực hiện thủ tục giải ngân đến ngày 31.10.2015 là thời hạn cuối cùng. Nếu sau ngày này chủ đầu tư không lập hồ sơ giao dịch với kho bạc thì không được phép giải ngân và kho bạc báo cáo để cắt giảm, điều chuyển cho các dự án đã có khối lượng nhưng thiếu vốn.
Động thái này của chính quyền được đánh giá là muốn tỷ lệ giải ngân cao và xài hết vốn đầu tư đã được phân bổ. Tuy nhiên, mệnh lệnh hành chính và không kèm theo bất cứ chế tài nào với chủ đầu tư thì việc giải ngân 100% vốn đầu tư rất khó khả thi. Liệu kết thúc những tối hậu thư này, kết thúc năm 2015, những dự án không thể giải ngân hết vốn đầu tư có ai chịu trách nhiệm, có ai bị xử lý?
TÙY PHONG