Nuôi dưỡng giấc mơ công nghiệp
Con đường phát triển thành tỉnh công nghiệp của Quảng Nam thực sự không dễ khi dự báo chỉ có thể đáp ứng 6/10 tiêu chí vào năm 2020.
Nhiều tiêu chí khó đạt
Theo nhận định của UBND tỉnh, công nghiệp hiện dẫn dắt, giữ vai trò quan trọng cho quá trình phát triển địa phương khi chiếm đến 34,5% cơ cấu kinh tế. Hệ thống giao thông kết nối liên vùng và nội tỉnh. Cảng biển, đường bộ, sân bay… đủ để đáp ứng nhu cầu hoạt động xuất khẩu, vận chuyển sản phẩm đến các thị trường, các trung tâm tiêu thụ trong và ngoài nước. Mạng lưới rộng khắp của 6/9 khu công nghiệp hoạt động với 142 dự án đầu tư, 51 cụm công nghiệp hoàn chỉnh với 210 dự án, 54.000 lao động có việc làm tại các khu, cụm công nghiệp… Diện mạo nông thôn đã thay đổi, năm 2015, 99% xã có điện và 99% hộ sử dụng điện, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm…
Hạ tầng giao thông, cảng biển được kết nối liên vùng tạo tiền đề để Quảng Nam phát triển công nghiệp. TRONG ẢNH: Cảng Kỳ Hà. Ảnh: M.ĐỨC |
Song điều đó chưa đủ. Việc thúc đẩy phát triển kinh tế gặp khó khăn khi công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp. Công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển. Thiếu vốn, sự thiếu linh hoạt của địa phương và cơ chế “nửa vời” đã khiến việc đầu tư, phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nông thôn… nhiều năm qua vẫn chưa thể đạt yêu cầu, tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư. Hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu khả năng cạnh tranh. Việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chỉ chiếm 0,56% trong GDP.
Hiện tại, so với 10 tiêu chí phát triển thành tỉnh công nghiệp theo kết luận của Tỉnh ủy thì chỉ đạt được 3 tiêu chí (GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ giảm nghèo) và 1 tiêu chí xấp xỉ đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề. Dự kiến đến cuối năm 2020 cũng sẽ chỉ có 6 tiêu chí đạt, gồm GDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, tỷ lệ lao động công nghiệp - dịch vụ, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề và tỷ lệ giảm nghèo. Còn 4 tiêu chí rất khó đạt được là tốc độ tăng GDP, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tốc độ tăng giá trị ngành dịch vụ, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu. Khả năng hình thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 sẽ không thể đạt được khi tốc độ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp khó định vị thương hiệu mạnh khi thiếu nguồn lực đầu tư.
Chờ một “cuộc cách mạng”
Có thể dễ dàng nhận thấy sự phát triển mất cân bằng giữa hai vùng đông - tây, thiếu các chương trình cụ thể phát triển miền núi, chưa tạo được vùng kinh tế động lực đã cản trở quá trình công nghiệp hóa, nhất là công nghệ cao, chế suất. Hiện tại chỉ có khoảng 6% thay vì 28 - 30% để thành tỉnh công nghiệp. Chất lượng lao động và sự cải thiện năng suất, khả năng thu hút, dịch chuyển lao động nông nghiệp xuống dưới 20% vẫn đang là chuyện khó khi chưa có chính sách nào được ban hành, trừ chính sách phát triển hạ tầng luôn có độ trễ nhất định. Ông Đinh Văn Đào - Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn, xác định hàm lượng giảm nghèo mới chính là thực chất của công nghiệp hóa. Nếu chỉ phát triển kinh tế hộ thì sẽ khó tìm thấy sự thành công nhanh chóng.
Theo nhận định của nhiều nhà kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tăng thêm nhiều việc làm cho lực lượng lao động chính là điểm đầu tiên và mấu chốt của phát triển. Nền tảng cho Quảng Nam thành một tỉnh công nghiệp có thể sẽ dài và gian nan khi địa phương vẫn chưa thể tự cân đối thu chi, nhưng doanh nghiệp phát triển sẽ kéo theo đầu tư xã hội gia tăng. Gia tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP, tăng hàm lượng công nghệ cao, cần có bước đi phù hợp, bởi công nghiệp hóa là điều tất yếu của bất cứ địa phương nào muốn tăng trưởng. Tuy nhiên ước vọng này không dễ tính toán trên thực tế khi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế tạo, chế biến tại Quảng Nam còn quá ít. Trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cơ chế, chính sách chưa xác định rõ nét, các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng chỉ mới đặt vấn đề và chính sách thu hút lao động, hạ tầng vẫn còn là khoảng trống. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng cần nâng đầu tư cụm công nghiệp, làng nghề thu hút lao động nông thôn, thu hút dự án chế biến thủy sản vùng đông cùng với các dự án ô tô, dệt may sẽ có thêm nhiều cơ hội tăng trưởng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay công nghiệp hóa sẽ định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cơ chế, chính sách hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ cơ khí, dệt may đủ năng lực tiến hành khi giao cho các nhà đầu tư chất lượng. Cần một “cuộc cách mạng” đầu tư hạ tầng, kết nối giao thông với cơ sở hạ tầng, mặt bằng kinh tế, nhưng không thể vì động lực tăng trưởng mà vùng nào hay cái gì cũng đầu tư thì sẽ dàn trải, thiếu hiệu quả khi ngân sách địa phương eo hẹp. Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành các cụm liên kết sản xuất, chuyển nền công nghiệp gia công sang sản xuất, xuất khẩu thô sang chế biến, tạo môi trường cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đang là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đó là lý do để Quảng Nam hy vọng với một trung tâm cơ khí ô tô đa dụng sẽ “định danh” tại Chu Lai. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp hóa nhanh hay chậm đều phải dựa vào “lực đẩy” của thị trường chứ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Nhà nước!
TÙY PHONG