Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển: Tạo đột phá phát triển nhanh và bền vững
Để Quảng Nam bứt phá phát triển, cần đổi mới tư duy, cơ chế chính sách về các vấn đề lớn. Đó là đẩy mạnh ba nhiệm vụ đột phá; tái cơ cấu kinh tế gắn đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Tập trung cho nông nghiệp nông thôn mới, miền núi; giải quyết lao động việc làm với lợi thế “cơ cấu dân số vàng”; thực thi chiến lược kinh tế biển và phát triển vùng; thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
NHIỆM kỳ qua, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội. Bức tranh khái quát là kết cấu hạ tầng đồng bộ đã được tập trung đầu tư; một số các công trình dự án trọng điểm trên các lĩnh vực về giao thông, thủy lợi, y tế, văn hóa, giáo dục, điện, viễn thông, cùng với một số các nhà máy quy mô lớn được hình thành và đưa vào sử dụng, thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng công nghiệp xây dựng và dịch vụ, giá trị xuất khẩu tăng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng khá, thu nội địa tăng nhanh, năm 2015 gấp hơn 2,2 lần so với năm 2010. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội 5 năm 77.660 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần thời kỳ trước. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm gần 3%; tập trung xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội miền núi; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; môi trường sinh thái, môi trường sống được chú trọng, từng bước khắc phục được những khu vực ô nhiễm, ý thức cộng đồng được nâng cao; quốc phòng, an ninh được đảm bảo.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đào tạo nghề nhằm tăng năng suất lao động và giải quyết việc làm.Ảnh: BẢO LƯU |
Thành quả nổi bật
Chương trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ đã có bước phát triển khá. Nổi bật nhất là đầu tư giao thông, nâng cấp quốc lộ 1, cầu Cửa Đại và tuyến ven biển phía nam; nâng cấp giao thông liên vùng và các cầu; giao thông nông thôn mở rộng (tỷ lệ cứng hóa đạt 53%). Tiếp tục đầu tư hạ tầng kinh tế (khu kinh tế mở; khu, cụm công nghiệp; dịch vụ du lịch); các dự án công nghiệp mới, tăng năng lực sản xuất (ô tô, may, giày, chế biến lâm sản...). Chuỗi đô thị đồng bằng được cải thiện khang trang hơn, nhất là Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn và một số thị trấn trung du, miền núi. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn mới lồng ghép nguồn lực, đầu tư phát triển khá. Hạ tầng văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế được mở rộng,...
Tỉnh ủy đã có Nghị quyết 15 về xây dựng môi trường đầu tư, UBND tỉnh ban hành chương trình hành động và cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các thành phần kinh tế. Kết quả, môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh thuộc nhóm khá, tốt (PCI năm 2014 xếp thứ 14, tăng 13 bậc so với năm 2013). Xúc tiến đầu tư, thương mại được đẩy mạnh. Phát triển doanh nghiệp (DN), theo kết quả điều tra đến cuối năm 2014 toàn tỉnh có 3.359 DN hoạt động sản xuất kinh doanh, với gần 117 nghìn lao động; so với năm 2010 tăng thêm hơn 1.100 DN và hơn 29 nghìn lao động (hàng năm tăng thêm gần 280 DN và 7.400 lao động). Đóng góp của doanh nghiệp ngày càng tăng, nhất là DN tư nhân và doanh nghiệp FDI (chiếm 35% và 12% GRDP).
Về phát triển nguồn nhân lực, các đề án 500, 600 và cơ chế thu hút bác sĩ; đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm thu được kết quả khả quan. Kết quả bước đầu đã cải thiện chất lượng nguồn lao động (45% qua đào tạo nghề) và cơ cấu lao động (tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm còn 50%). Kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được kết quả bước đầu khởi sắc, tạo chuyển biến tích cực về đời sống kinh tế xã hội, diện mạo nông nghiệp, nông thôn của tỉnh thay đổi đáng kể (27% số xã, Điện Bàn và Phú Ninh hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới). Chương trình giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội lồng ghép các nguồn lực, đã thực hiện kết quả khá (tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 9%).
Thách thức và giải pháp
Trong đầu tư hạ tầng tồn tại những khó khăn về giao thông trục ngang và kết nối nội vùng (phía nam và vùng tây) do đó cần được tập trung đầu tư tạo kết nối liên vùng, các trọng điểm kinh tế; tập trung cho các điểm nhấn động lực để tạo sự lan tỏa, thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế ở cấp vùng và liên vùng. Cơ chế khuyến khích, huy động đầu tư; phân bổ nguồn lực, lồng ghép kế hoạch trung hạn; cần ưu tiên đầu tư theo cấp vùng, phù hợp lợi thế để tạo năng lực đột phá mới về phát triển kinh tế (vùng giữa, vùng tây và ven biển phía nam của tỉnh).
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần khắc phục những điểm nghẽn về quy hoạch và cải thiện thể chế (thu hút DN vào nông thôn, miền núi; liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp...); cải cách thủ tục hành chính; giải quyết các yêu cầu của nhà đầu tư, DN còn hạn chế (đất đai, đầu tư, xây dựng; thuế...) là lực cản phát triển cần được khắc phục. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư doanh nghiệp để tạo bước đột phá phát triển, nhất là vùng tây của tỉnh.
Trong phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần liên kết DN trong đào tạo để tăng hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, năng suất lao động. Xây dựng hoàn thiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực; cơ chế đào tạo, sử dụng để tạo bước cải thiện nhanh hơn về chất lượng (65% qua đào tạo, 55% qua đào tạo nghề); tập trung quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới và ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp và xã hội. Ưu tiên chính sách và chương trình đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn miền núi.
Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững được xem như nhiệm vụ đột phá trong những năm đến. Để đạt mục tiêu kép của cả hai chương trình trên, ngoài việc tiếp tục đầu tư hạ tầng cần đặc biệt chú trọng đầu tư cải thiện mạnh mẽ về phát triển sản xuất là trọng tâm, tạo việc làm và tăng thu nhập dân cư để giảm nghèo bền vững. Cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, nâng cao hiệu quả nông lâm nghiệp và phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch mạnh mẽ hơn, nhất là đối với vùng tây của tỉnh. Tập trung xây dựng và thực thi cơ chế chính sách thu hút doanh nhiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, miền núi. Đẩy mạnh đào tạo nghề; chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững và tăng cường bảo đảm an sinh xã hội. |
Cần điều chỉnh chiến lược phát triển vùng theo hướng khắc phục sự mất cân đối và khoảng cách phát triển đang ngày càng chênh lệch lớn giữa trung du miền núi và đồng bằng ven biển. Cần chú ý các giải pháp để vùng tây - nơi còn tỷ lệ hộ nghèo 32%, tạo ra những khởi sắc, chuyển biến mạnh hơn. Theo đó, cần tập trung quy hoạch, cơ cấu lại kinh tế vùng này; đầu tư kết cấu hạ tầng và xây dựng các cụm ngành động lực cấp vùng; lựa chọn đột phá sản phẩm có lợi thế và thị trường để có chính sách thật cụ thể cho từng tiểu vùng phù hợp (ưu tiên vùng nguyên liệu rừng trồng, cao su, cây lâu năm, dược liệu, chăn nuôi tập trung và đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp chế biến; du lịch sinh thái).
Đẩy mạnh khoa học công nghệ bằng các giải pháp tác động hiệu quả, nhất là cải thiện năng suất nông nghiệp; cần đầu tư đúng mức cho cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển khoa học lĩnh vực trọng điểm; nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cần có cơ chế đặt hàng các đề tài, lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng có tác động lớn đến nền kinh tế, nhất là nông nghiệp, môi trường (công nghệ sinh học, giống, mô hình công nghệ cao); cải thiện trình độ công nghệ sản xuất công nghiệp (chế tạo, chế biến; DN vừa và nhỏ); các viện, trường (đào tạo, giáo dục, quản lý, công nghệ thông tin); khoa học y dược (điều trị, dược...). Tổ chức lại các cơ quan nghiên cứu, cơ chế khuyến khích sáng tạo và phát động thành phong trào lớn, tạo động lực để thay đổi và nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế.
Biến đổi khí hậu và việc quản lý tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm môi trường là những vấn đề thách thức hành trình phát triển bền vững của Quảng Nam. Do đó chiến lược phát triển cần chú trọng đúng mức đến thích ứng biến đổi khí hậu. Quy hoạch, phát triển kinh tế; hạ tầng các vùng nhạy cảm, nguy cơ tác động thiên tai; kịch bản ứng phó… cần được kiểm soát và quản lý nghiêm ngặt (chống sạt lở núi, ven sông, ven biển bằng các giải pháp công trình và phi công trình; sắp xếp dân cư, nhà ở; nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, di sản di tích, du lịch…). Tăng cường tuyên truyền trong nhân dân và thiết chế quản lý nhà nước để giảm thiểu ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế và dân sinh.
ĐINH VĂN ĐÀO