Lan tỏa kinh tế vùng

Thực hiện chuyên đề: TRẦN HỮU 12/10/2015 09:51

Dấu ấn phát triển hai vùng đồng bằng ven biển và miền núi - trung du những năm qua đã định hình. Mỗi vùng có lợi thế cạnh tranh, thế mạnh đặc thù, song lại tương tác lẫn nhau để phát triển kinh tế năng động. Định hướng chiến lược xây dựng mô hình phát triển Quảng Nam trong nhiệm kỳ đến, cũng như đến năm 2030 không ngoài tạo “thế đứng” vững chắc, liên kết giữa các vùng, tạo phát triển lan tỏa, sâu rộng.

  • GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XXI

Một góc đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: T.H
Một góc đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: T.H

XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Trên con đường phát triển, nhiều địa phương trong tỉnh có định hướng xây dựng vệt đô thị, xem đó như vệ tinh, trục xoay tạo thế đi lên cho kinh tế. Mô hình đô thị xanh, thông minh luôn là sự chọn lựa ưu tiên trong chiến lược quy hoạch vùng.

Nhịp sống của phố

Nhiều đô thị non trẻ ra đời là hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điển hình đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Không nhiều những dãy nhà cao tầng, lại hiếm những tuyến phố mua sắm sầm uất, song cái làm nên đời sống đô thị nơi đây là nhịp sống công nghiệp hối hả, là lực lượng lao động hùng hậu ở các nhà máy, xí nghiệp. Con đường ĐT607, đoạn trước cổng Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, hay ngã tư Điện Ngọc nơi gặp nhau của đường ĐT603 và ĐT607A vào sáng sớm hay giờ tan tầm có lúc ùn tắc giao thông do mật độ lưu thông cao. Cái người dân địa phương hưởng lợi rõ nhất là mở cửa nhà là có thể gặp phố, vào nhà máy. Khoảng cách từ nhà ra phố rút ngắn. Phường Vĩnh Điện mở rộng để chỉnh trang khu dân cư, tuyến phố đẹp. Thị xã Điện Bàn cũng tham gia “một cạnh” trong phát triển du lịch, đô thị ở vùng “tam giác vàng” Đà Đẵng - Điện Bàn và phố cổ Hội An. Sự phát triển của nền kinh tế xanh tất yếu sẽ kéo theo đô thị thông minh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, ngoài dành nguồn lực cho kết cấu hạ tầng, cơ sở dịch vụ, quy hoạch lãnh thổ phải giải quyết hài hòa các vùng đô thị, nông thôn và các vùng trọng điểm. Quá trình đô thị hóa phải gắn liền với đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đô thị hóa sẽ dịch chuyển bộ phận khá lớn dân cư nông thôn trở thành cư dân đô thị, cho nên vấn đề quy hoạch, sắp xếp, đào tạo và nâng cao trí thức, lối sống cho người dân là nhiệm vụ cấp bách. Mặt khác, cần tận dụng những ưu thế về tự nhiên, kinh tế - xã hội trong quá trình phát triển đô thị.

Tại TP.Tam Kỳ, phát triển đô thị theo kiểu cộng sinh với sông, núi, hồ, biển. Thành phố chủ trương chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, trong đó lấy dịch vụ - du lịch làm đòn bẩy đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa. Mở không gian xanh để đem lại môi trường thân thiện, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Trong định hướng quy hoạch mở rộng không gian lãnh thổ, thành phố cũng đặt ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cho tăng trưởng xanh, bền vững. Theo Sở Xây dựng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội không bao giờ tách rời bộ mặt đô thị. Nhiệm kỳ đến, cũng như tầm nhìn đến năm 2030, ngành sẽ tiếp tục quy hoạch xây dựng đô thị đồng bộ và nâng cao năng lực quản lý đô thị của chính quyền, đảm bảo tính thống nhất giữa các quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và phát triển ngành. Ngoài 15 đô thị hiện hữu, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ hình thành 5 đô thị mới là Trung Phước, Tắk Pỏ, Tơ Viêng, Hương An và Việt An.

Nâng tầm đô thị

Giữa tháng 4.2015, UBND tỉnh phê duyệt “Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, với nhiệm vụ then chốt là nâng cao chất lượng, lộ trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các tiện ích xã hội cho đô thị… Bên cạnh định hướng mở không gian sinh thái, đô thị xanh, tỉnh sẽ có chiến lược phát triển quy mô đất đai, dân số đáp ứng những tiêu chí cốt lõi của đô thị thông minh. Nhiều nhà chuyên môn và quản lý xây dựng có chung quan điểm, tính thuyết phục của chiến lược quy hoạch là giải quyết xung đột, quan hệ giữa đô thị và nông thôn, chia sẻ được những tiện ích của đô thị. Vùng đô thị đóng vai trò lôi kéo nông thôn phát triển. Thực tế, tại Đô thị cổ Hội An, bản sắc quy hoạch đô thị - nông thôn không lẫn lộn vào đâu được. Ở các vùng Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Cẩm Châu, Thanh Hà… làng quê gần như giữ nguyên vẹn. Đô thị cổ nhiều năm không chia cắt, các vùng bổ sung phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa cho nhau. Mở rộng không gian ở đây nhằm thu hút đầu tư phát triển các dự án chiến lược cấp vùng, quốc gia và quốc tế.

Ông Lê Tú - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn tỉnh đề xuất mô hình “3 - 3 - 3” trong cấu trúc không gian đô thị. Nói nôm na là mô hình 3 hành lang. Hành lang phía bắc gồm thị xã Điện Bàn, TP.Hội An, Đại Lộc, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang; hành lang trung Quảng Nam gồm các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Nông Sơn, Hiệp Đức, Phước Sơn và hành lang phía nam bao gồm TP.Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành, Nam Trà My, Bắc Trà My và Tiên Phước. Trong 3 hành lang này, phải chọn ra 3 cực để đóng vai trò các cụm động lực phát triển. Ví dụ, cực khu vực phía nam có sân bay Chu Lai, cảng biển Kỳ Hà, Tam Hiệp và Khu kinh tế mở Chu Lai. TP.Tam Kỳ đến Núi Thành phát triển theo hướng đô thị sinh thái. Tam Kỳ mở đô thị về vùng đông, trong khi Khu kinh tế mở và sân bay Chu Lai phát triển về phía bắc sẽ hình thành một không gian đô thị - khu công nghiệp - các khu du lịch gắn liền với biển. “Không gian mở phải tương tác, làm sao cực này phát triển thì lôi kéo cực khác cộng hưởng, tạo thành không gian phát triển mang tính tổng thể” - ông Tú nhấn mạnh.

RỘNG CỬA GIẢM NGHÈO

Nhờ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, phát huy nội lực mà nhiều địa phương miền núi đã thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, khai thác lợi thế vùng.

Nghề rừng phát triển mạnh ở miền núi.
Nghề rừng phát triển mạnh ở miền núi.

Ổn định sinh kế

Khảo sát gần đây của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, ở các huyện miền núi còn hơn 2.000 hộ chưa có đất sản xuất và hơn 4.000 hộ thiếu đất canh tác, 5.000 hộ thiếu đất ở. Tình trạng thiếu tư liệu sản xuất là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến con đường đói nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, cả trước mắt lẫn lâu dài cần xây dựng chiến lược hỗ trợ đất sản xuất, tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư và phát huy nội lực. Một số nơi, vùng sản xuất tập trung đã bắt đầu manh nha. Điển hình như huyện Đông Giang đến nay ổn định vùng sản xuất chuyên canh chè gần 400ha, 590ha cây mây, 14.100ha vùng keo nguyên liệu. Phát triển kinh tế dựa vào lợi thế từng vùng, xã. Nhiều mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp đã giải quyết bài toán giảm nghèo như luân canh keo - lúa, chuối mốc, ớt Ma Cooih, bắp thâm canh, mây dưới tán rừng, nuôi heo bán chăn thả, bò sinh sản. Ở huyện Tây Giang, mô hình trồng cây ba kích, thảo quả, táo mèo, sâm… từng bước giúp người dân thoát nghèo.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, với khu vực miền núi phía bắc, muốn xây dựng chiến lược tầm xa, trước mắt phải giải quyết những tồn tại “kinh niên” như kinh tế nông nghiệp bấp bênh, hạ tầng yếu kém... Cho nên, cần tập trung để cải thiện sinh kế, thay đổi tập quán, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Định hướng phát triển chính trong khu vực này phải ưu tiên nông - lâm nghiệp, kết hợp công nghiệp - thương mại và dịch vụ nhỏ. Cần thiết quy hoạch vùng dược liệu có giá trị kinh tế cao do đặc điểm tự nhiên có nhiều yếu tố phù hợp với các loại cây làm thuốc.

Tại các huyện miền núi phía nam như Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức với lợi thế là cửa ngõ giao thương với vùng Tây Nguyên thông qua các tuyến quốc lộ 14E, 40B, 24C và tuyến đường huyết mạch Hồ Chí Minh. Khu vực này, phát triển nông lâm nghiệp, thương mại dịch vụ gắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế với xóa đói giảm nghèo. Trong đó, cần đẩy mạnh bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, quế bản địa. Theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020, miền núi sẽ tiếp tục triển khai các chính sách về bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng đất trống đồi núi trọc; củng cố, phát triển mạnh thương mại, trợ giá, trợ cước vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa. Ngoài ra, sẽ huy động nhiều nguồn lực xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho trung tâm xã, cụm xã miền núi, biên giới; chính sách tín dụng ưu đãi, cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Từng vùng sẽ xác định nuôi con gì, trồng cây gì cụ thể; mô hình sản xuất nào thí điểm có hiệu quả thì tiếp tục nhân rộng, còn không sẽ loại bỏ.

Không đơn độc và đơn điệu

Miền núi với đặc điểm đất rộng, rừng nhiều nhưng ruộng đất ít, điều kiện thiên nhiên không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Trong khi đó, giao thông kết nối kém, nhiều vùng biệt lập; vốn ít, kỹ thuật công nghệ lạc hậu nên không thể chuyển sang trình độ sản xuất có năng suất cao. Vì thế, khu vực này chưa có điều kiện để thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Nhiều địa phương dù đã ra cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư, song số doanh nghiệp đến làm ăn vẫn rất khiêm tốn. Theo ông Nguyễn Đỗ Tuấn Anh - Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, nông dân đang sản xuất manh mún, tự phát. Nông nghiệp miền núi chưa liên kết với doanh nghiệp, đối tác tiêu bao sản phẩm. “Muốn đi lên không còn cách nào khác, nông dân liên kết với nhau, hợp tác với doanh nghiệp sẽ được tiếp cận công nghệ sản xuất. Sản phẩm làm ra không thể đơn điệu và nông dân không đơn độc làm ăn” - ông Anh nói.

Trong các nhóm giải pháp phát triển miền núi giai đoạn 2015 - 2020, nhiều địa phương cho rằng, cần lấy văn hóa để thúc đẩy kinh tế, tổ chức sản xuất theo chuỗi thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết các hộ nông dân thành hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các dự án và chương trình giảm nghèo vào kế hoạch đầu tư phát triển chung của các địa phương nhằm hạn chế tối đa phân tán nguồn lực, tránh chồng chép trong quản lý. Các huyện Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang và Tây Giang cần bắt tay hợp tác, liên kết sản xuất vùng, bằng cách tiếp tục mời nhà đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế như thủy điện, khoáng sản, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch. Theo Bí thư Huyện ủy Tây Giang - ông Bh’riu Liếc, muốn bứt phá đi lên phải có chính sách lớn của Nhà nước, tốt nhất là vùng tây bắc của tỉnh nên xin cơ chế đặc thù phát triển như Tây Nguyên. Những mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nông thôn mới rất hiệu quả, song để tạo ra động lực phát triển lan tỏa, doanh nghiệp phải vào đầu tư.

Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức cho biết, giai đoạn 2015 - 2020, miền núi sẽ tiếp tục thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 55/2012/NQ-HĐND ngày 19.9.2012. Theo đó, đẩy nhanh giao đất giao rừng, hỗ trợ đầu tư khai hoang, phục hóa ruộng lúa nước; hỗ trợ giống, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Thêm vào đó, phát triển mạnh các loại cây hương liệu, dược liệu có thương hiệu gắn với chế biến các đặc sản của tỉnh như sâm Ngọc Linh, ba kích, quế… Hiện nay, Sở NN&PTNT cùng với các địa phương quy hoạch đất nông nghiệp, nương rẫy miền núi. Đầu tư khai hoang cải tạo đồng ruộng gắn với phát triển thủy lợi nhỏ, đảm bảo diện tích lúa ổn định cho từng thôn, bản. Trên đất dốc, ruộng bậc thang cần mạnh dạn áp dụng các biện pháp canh tác mới, chấm dứt tình trạng du canh du cư…

“ĐẦU TÀU” KINH TẾ

Nằm ở cửa ngõ phát triển kinh tế năng động, vùng đồng bằng ven biển luôn có sứ mệnh làm “đầu tàu” lôi kéo công nghiệp (CN) phát triển. Lựa chọn CN sạch, CN chế biến và phụ trợ… là hướng đi lâu dài của tỉnh trong chiến lược phát triển.

Dây chuyền sản xuất, chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai.
Dây chuyền sản xuất, chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai.

Vùng đồng bằng ven biển kéo dài từ TP.Hội An đến Núi Thành là khu vực kinh tế giàu nhất tỉnh. Dấu ấn hai cực thể hiện rõ: phía bắc gồm TP.Hội An - Điện Nam - Điện Ngọc là công nghiệp và du lịch, phía nam là Khu kinh tế mở Chu Lai và TP.Tam Kỳ. Tận dụng lợi thế cảng biển, sân bay, hạ tầng cơ bản ổn định, huyện Núi Thành vẫn là “tâm điểm” của các dự án đầu tư công nghiệp. Khu kinh tế mở Chu Lai hiện có 64 dự án đang hoạt động với tổng vốn đăng ký khoảng 780 triệu USD, đóng góp bình quân hơn 60% tổng thu nhập ngân sách hằng năm trên địa bàn tỉnh, thường xuyên giải quyết việc làm cho gần 14.000 lao động địa phương. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, vùng đất mở vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt các doanh nghiệp FDI. Theo UBND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm nay đã cấp 7 giấy chứng nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 51 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 112 dự án và tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD.

Tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI xác định, 5 năm tới, Quảng Nam tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời chú trọng nhiệm vụ giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tập trung xây dựng, phát triển và hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa vùng đông và tây, giữa đô thị và nông thôn; nạo vét sông Cổ Cò, Trường Giang. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy hoàn thành các dự án đang triển khai, đồng thời chú trọng xúc tiến các dự án mới, dự án chiến lược…

Để đáp ứng yêu cầu các dự án, Quảng Nam đã xây dựng thành công cơ chế đào tạo nguồn nhân lực, định hướng doanh nghiệp đưa lao động đào tạo chuyên môn kỹ thuật ra nước ngoài, mạnh dạn mở cơ sở đào tạo ngay địa phương như Trường Cao đẳng Nghề của Công ty CP Ô tô Trường Hải. Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ chế tạo, cơ khí ô tô; còn Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, Thăng Bình ưu tiên ngành dệt may - da giày. Dù chưa phát triển mạnh, nhưng nhiều địa phương đeo đuổi ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành cơ khí chế tạo và dệt may - da giày. Trên địa bàn tỉnh, có ít nhất 6 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực da giày và hầu hết đều ăn nên làm ra, điển hình như Công ty Giày Rieker Việt Nam, Công ty Phước Kỳ Nam (Khu công nghiệp Thuận Yên)... Bình quân giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm tạo ra từ các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Bắc Chu Lai, Đông Quế Sơn, Thuận Yên… ước hơn 21 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng hơn 43% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh).

Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, 5 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 15,2%. Nhiều sản phẩm công nghiệp khẳng định được vị trí nhất định trên thị trường là ô tô, giày da, may mặc, bia, nước giải khát, điện sản xuất, linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng… Giai đoạn 2015 - 2020, vùng đồng bằng ven biển xác định sẽ tiếp tục là vùng phát triển công nghiệp động lực của tỉnh, trước mắt ưu tiên các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, công nghiệp chế biến. Vì vậy, sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Tam Hiệp, Tam Anh, Tam Thăng, Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, Điện Nam - Điện Ngọc, Đông Quế Sơn, Thuận Yên, Phú Xuân... Thực tế, vùng ven biển có hạ tầng khá tốt sẽ tạo động lực để kéo cả “toa tàu” lĩnh vực công nghiệp, kinh tế ở vùng khác phát triển theo. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, phát triển công nghiệp là cốt lõi của vùng kinh tế trọng điểm. Nhiệm kỳ đến vẫn ưu tiên chọn lựa công nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh công nghiệp hóa bằng cách đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề, trong đó trọng tâm phát triển là Khu kinh tế mở Chu Lai gắn với hiệu quả sử dụng hạ tầng và sử dụng đất.

Thực hiện chuyên đề: TRẦN HỮU

Thực hiện chuyên đề: TRẦN HỮU