Chiến lược tăng trưởng xanh

HỮU PHÚC 12/10/2015 09:49

Được chọn là một trong những địa phương triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, Quảng Nam đang có nhiều cơ hội để sửa sai lầm do hậu quả của chính sách thu hút đầu tư thiếu kiểm soát trước đây, đồng thời thúc đẩy quá trình tái cấu trúc kinh tế. Tăng trưởng xanh giúp sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên, tăng sức linh hoạt của nền kinh tế, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và phát triển bền vững. Thực tế, một số vùng, địa phương đang nỗ lực xanh hóa để bảo vệ môi trường trong lành, từ chối các dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm.

  • GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XXI

Rào cản của phát triển bền vững

Hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khí thải nhà kính đang tác động xấu đến môi trường sinh thái, ít nhiều ảnh hưởng đến các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thêm vào đó, các hoạt động sản xuất không theo quy hoạch, quy định, can thiệp thô bạo của con người… trở thành lực cản cho con đường phát triển.

Cái giá của tăng trưởng nhanh

Trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, hệ thống thủy điện bậc thang hình thành dày đặc, kèm theo đó là tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi đã làm thay đổi dòng chảy gây xói lở. Khai thác quá mức tài nguyên rừng gây ra tác hại lâu dài đối với môi trường sinh thái, đất đai bị xói mòn, rửa trôi, thoái hóa. Nước ngầm ở các xã Tam Tiến, Tam Giang, Tam Hòa, Tam Hải (Núi Thành); các phường Hòa Thuận, An Sơn, Trường Xuân, Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ); các phường Sơn Phong, Minh An, Cẩm Nam, Cửa Đại và xã Cẩm Hà (TP.Hội An) và các xã ven biển Bình An, Bình Dương (Thăng Bình) qua quan trắc bị suy giảm về chất lượng lẫn trữ lượng. Mực nước biển dâng cao đã lấn sâu vào đất liền, gây sạt lở nặng nhất là vùng biển Cửa Đại (TP.Hội An), Bà Tình (Núi Thành). Thiên tai lũ lụt thường “tấn công” vùng ven biển có địa hình thấp. Dự báo 5 năm đến, ngoài đô thị cổ Hội An bị ngập nặng nhất do nước biển dâng cao, các địa phương khác cũng bị ảnh hưởng như Duy Xuyên sẽ ngập gần 16% diện tích, Điện Bàn ngập hơn 26%, Núi Thành hơn 15% diện tích…

Hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai.
Hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai.

Vùng ven biển có lợi thế phát triển kinh tế năng động do được thừa hưởng nguồn lợi tài nguyên, lợi thế giao thông hàng hải nhưng lại là “túi đựng” của các loại chất thải, nước thải. Môi trường biển ô nhiễm chủ yếu từ rác thải các làng nghề chế biến nước mắm, cơ sở chế biến hải sản. Trong khi đó, ngư dân ồ ạt khai thác hải sản vùng bờ theo hình thức tận diệt dễ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên. Các hoạt động sản xuất không theo quy hoạch, không ít doanh nghiệp chỉ chú trọng lợi nhuận kinh tế trước mắt mà thiếu trách nhiệm với môi trường. Nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp đến nay vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Hầu hết cụm công nghiệp (CCN) vẫn chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước, nên nước thải đổ ra các ao hồ, khu vực xung quanh, nhiều doanh nghiệp đổ chất thải và nước thải ra thẳng các cánh đồng lúa nông dân đang canh tác. Hiện, toàn tỉnh chỉ có 5 bãi rác thải xử lý bằng cách chôn lấp. Quy mô và công nghệ xử lý chưa đáp ứng yêu cầu đối với chất thải sinh hoạt, chất thải y tế và các chất thải nguy hại.

Hạn chế nguồn lực ứng phó

Cục Kiểm soát ô nhiễm thuộc Tổng cục Môi trường đánh giá, ô nhiễmmôi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp đe dọa trực tiếp đến các thành quả  phát triển. Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, các khu công nghiệp (KCN), CCN thời gian qua phát triển khá nhanh, song lại không đầu tư hạ tầng về môi trường. Nhiều KCN, CCN vừa thu hút đầu tư, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, không tuân thủ thiết kế ban đầu và không xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Cái khó triền miên trong thực hiện chiến lược phát triển vùng, giúp doanh nghiệp và người dân ứng phó trước bất lợi của thiên nhiên nằm ở nguồn lực vốn. Miền núi và vùng nông thôn, do mạng lưới giao thông vận tải yếu kém, thường khiến chi phí đầu tư cao, không hiệu quả dẫn đến chênh lệch trong cán cân phát triển. Khả năng tiếp cận thị trường, huy động nguồn lực tài chính, xóa đói giảm nghèo khu vực này còn hạn chế. Sự lỏng lẻo giữa các chuỗi giá trị kinh tế địa phương có thể gây trở ngại cho phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Sở Kế hoạch – đầu tư, số lượng doanh nghiệp trong tỉnh nhiều nhưng đa số hoạt động trong lĩnh vực có hàm lượng công nghệ thấp, thiếu gắn kết với đầu tư bên ngoài. Sản phẩm làm ra của doanh nghiệp vừa và nhỏ thấp, thiếu gắn kết với thị trường, có thể kéo dài sự trì trệ cho kinh tế địa phương. Lợi nhuận từ các nhà đầu tư nước ngoài lại không được sử dụng cho phát triển địa phương. Nguồn lực nghèo nàn nên luôn thụ động trong các chương trình hành động. Nhiều năm nay, hầu như các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của các địa phương ven biển đều phụ thuộc vào nhà tài trợ, vốn trung ương, hiếm thấy nơi nào xã hội hóa đầu tư lĩnh vực này. Quy hoạch chưa lồng ghép được các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai, dẫn đến tổn thất về kinh tế và con người, ảnh hưởng quá trình phát triển bền vững của tỉnh. Dòng vốn FDI đăng ký vào khá cao nhưng vẫn chưa tạo đột phá lớn. Khu vực kinh tế tư nhân chưa phát triển mạnh kìm hãm cải thiện chất lượng tăng trưởng cũng như hỗ trợ sinh kế đối với hộ gia đình. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, ngay cả lĩnh vực có ưu thế của tỉnh là du lịch, nếu không chịu đổi mới tư duy quản lý, nâng cấp chiến lược, ngành này sẽ giảm đáng kể về giá trị tăng trưởng, không cạnh tranh nổi với các địa phương lân cận.

Làm gì để tăng trưởng xanh?

Trước sự mất cân đối, chênh lệch trong phát triển vùng, suy giảm tài nguyên, báo động ô nhiễm môi trường... Quảng Nam đã có nhiều giải pháp  phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.

Tạo sức lan tỏa    

Không phát triển rầm rộ, rộng khắp nhưng từ đồng bằng ven biển đến miền núi, trung du đã bắt đầu manh nha sản xuất, phát triển du lịch xanh. Làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu (TP.Hội An)... lâu nay là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngành du lịch từng có kế hoạch mời gọi doanh nghiệp mở tour lên miền núi kết nối đồi chè Quyết Thắng, điểm du lịch Bhơ Hôồng (Đông Giang), thăm làng dân tộc Tây Giang, cụm địa đạo A Nông, hay xuyên đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Chiến lược của tỉnh phát triển du lịch dịch vụ thành ngành kinh tế mũi  nhọn, kết  nối  đô  thị  với nông thôn. Còn ngành trồng trọt thì không ngừng mở rộng diện tích thâm canh các loại rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy không nhiều, nhưng nhiều nông dân các xã ven biển huyện Núi Thành nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng lịch nuôi thời vụ của ngành chuyên môn khuyến cáo và có trách nhiệm với môi trường, không làm ảnh hưởng đến sinh kế và văn hóa cộng đồng địa phương. Các KCN Điện Nam – Điện Ngọc, Đông Quế Sơn, Thuận Yên... ưu tiên cho công nghiệp nhẹ ít ô nhiễm môi trường như dệt, may; công nghiệp có kỹ thuật cao như lắp ráp, sản xuất hàng điện dân dụng, vật liệu điện, công nghiệp chế biến lương thực... Riêng ngành công nghiệp khai khoáng, từ năm 2013, quan điểm của tỉnh là dứt khoát từ chối các doanh nghiệp có công nghệ lỗi thời, lạc hậu dễ gây lãng phí tài nguyên.

Nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp cải thiện đáng kể môi trường nhờ đầu tư công nghệ mới.
Nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp cải thiện đáng kể môi trường nhờ đầu tư công nghệ mới.

Các chuyên gia môi trường nhận định, Quảng Nam cũng như nhiều địa phương khác chỉ mới tiếp cận với khái niệm tăng trưởng xanh. Một thời gian dài, sản xuất phát triển theo hướng “nâu hóa”, thiếu ổn định. Chỉ số tăng trưởng chủ yếu dựa vào tài nguyên và vốn đầu tư công, trong khi cường độ sử dụng năng lượng ngày càng tăng, thậm chí cao hơn mức bình quân của thế giới.

Thực tế, quá trình xanh hóa sản xuất ở các doanh nghiệp tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh số lượng doanh nghiệp xanh khá khiêm tốn. Một phần do doanh nghiệp chưa mạnh dạn thay đổi tư duy làm ăn, mặt khác nếu chuyển sang nền kinh tế xanh đúng nghĩa, doanh nghiệp trong tỉnh sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như đổi mới công nghệ, tăng chi phí đầu tư xử lý môi trường... Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh chia sẻ, hoàn toàn ủng hộ xu thế xanh hóa sản xuất, nhưng cần có sự công bằng trong “luật chơi”, không thể cơ sở này làm cơ sở khác phá giá. Điều cốt yếu là các tổ chức, doanh nghiệp phải thực thi nghiêm Luật Bảo vệ môi trường.

Hướng đến kinh tế xanh

Liên Hiệp Quốc định nghĩa nền “kinh tế xanh” là một nền kinh tế nhằm cải thiện hạnh phúc con người, công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể những nguy cơ kiệt quệ về môi sinh. Có nhiều khái niệm khác về kinh tế xanh nhưng bản chất, đây là nền kinh tế đạt được trạng thái cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo ông Trần Văn Tri, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư, nền kinh tế xanh phải tính toán phát triển đồng bộ các vùng, hình thành vùng kinh tế trọng điểm làm “đầu tàu” lôi kéo các khu vực khác. Cho nên, cần liên kết đô thị với nông thôn để thực hiện xóa đói giảm nghèo và phát triển toàn diện. Thế mạnh về lao động, đất đai và tài nguyên vùng nông thôn phải khai thác hiệu quả, hợp lý. Tỉnh dù quyết tâm phát triển công nghiệp, nhưng không thể xem nhẹ nông nghiệp - nông thôn. Bởi đây là lĩnh vực tổng hòa những lợi thế so sánh và lợi ích kinh tế - xã hội, mà trên hết là nâng cao năng suất, tạo giá trị gia tăng, việc làm và giảm nghèo. Mặt khác nông nghiệp – nông thôn là cơ sở cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiến nghị, muốn tạo đột phá cho miền núi và vùng nông thôn, cách hiệu quả nhất là đưa doanh nghiệp vào đầu tư, đồng hành với nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định.  

UBND tỉnh xác định nhiệm vụ trung hạn, phát triển các cụm ngành và các cụm đô thị trọng điểm làm động lực cho tăng trưởng xanh. Trong đó, xây dựng vùng nguyên liệu có khả năng cạnh tranh cao, gắn với công nghiệp chế biến. Khuyến khích việc hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp (như cây cao su ở Hiệp Đức, Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Thăng Bình), thảo dược (như sâm ba kích ở vùng núi tây bắc, sâm Ngọc Linh và quế Trà My ở vùng núi phía tây nam) và các vùng chăn nuôi ở Tây Giang, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình với chất lượng, năng suất cao để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Thêm vào đó, tăng cường sáng kiến về tăng trưởng xanh trong quy hoạch và phát triển các đô  thị  động lực, đặc biệt là TP.Hội An và Tam  Kỳ, kiên định phát triển các đô  thị  này theo hướng thành phố sinh thái. Ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường cho rằng, bước đi trước mắt phải giảm một cách bền vững tỷ lệ đói nghèo, giảm chênh lệch giữa các vùng trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Cần quản lý chặt một số  hoạt động kinh tế nhằm hạn chế sự suy giảm nguồn lực môi trường. Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cần lồng ghép mục tiêu ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh, hướng tới kinh tế xanh là xu thế tất yếu để phát triển Quảng Nam bền vững.

Cân bằng giữa phát triển và bảo tồn

Nhiều địa phương đã khắc phục sai lầm một thời phát triển kinh tế quá nóng mà mất kiểm soát ô nhiễm môi trường. Trong chiến lược quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế - xã hội trung hạn lẫn dài hạn đều xem xét đến yếu tố tăng trưởng xanh, cân bằng giữa phát triển và bảo tồn.
Năm 2013, Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu phối hợp với tỉnh mở diễn đàn đầu tư Quảng Nam hướng đến tăng trưởng xanh. Bộ Kế hoạch – đầu tư chọn Quảng Nam, Bắc Ninh và Bến Tre tổ chức thí điểm cấp địa phương cho chương trình quốc gia về tăng trưởng xanh.

Trên bình diện thu hút đầu tư, quan điểm nhất quán của tỉnh là sẵn sàng từ chối doanh nghiệp giàu về vốn nhưng nghèo về những giải pháp bảo vệ môi trường. Thực hiện chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên. Hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các KCN, CCN gây ô nhiễm trước đây đã đưa ra khỏi “danh sách đen” đã thể hiện quyết tâm xử lý ô nhiễm của các ngành chức năng và địa phương.

Ổn định sinh kế cho người dân.
Ổn định sinh kế cho người dân.

Tại TP.Tam Kỳ, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư đến nay đều đã đưa vào quy hoạch. Các KCN Đông Quế Sơn, Thuận Yên… chỉ ưu tiên cho loại hình sản xuất sạch, ít gây tác hại môi trường. Cù Lao Chàm (TP.Hội An) từ ngày được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã bảo tồn nghiêm ngặt các sinh vật hoang dã trên đảo, các giá trị thiên nhiên và nhân văn. Trước đây, Cù Lao Chàm không có giới hạn ngư trường đánh bắt nên ngư dân khai thác ồ ạt sản vật cua đá, ốc vú nàng, tôm hùm, mực... Tuy nhiên, thông qua hợp phần dự án bảo tồn biển của tổ chức MPA (Đan Mạch), cộng đồng thay đổi nhận thức từ khai thác chuyển sang bảo vệ các nguồn lợi hải sản. Dự án đã hỗ trợ sinh kế cộng đồng thông qua hưởng lợi dịch vụ du lịch, hỗ trợ kinh phí quy hoạch xây dựng vùng homestay…

Tại thị xã Điện Bàn, hiện triển khai thí điểm dự án bảo tồn và phát triển cây tre; khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm để phát triển du lịch sinh thái nhằm cải thiện bền vững điều kiện sống của cư dân đô thị theo hướng tăng trưởng xanh. Tại vùng Triêm Tây (xã Điện Phương), dự án đã giúp người dân có kỹ năng phát triển du lịch, cải tiến nông nghiệp gắn với du lịch. Cạnh đó, triển khai xây dựng kè sinh học chống sạt lở quanh làng, xây dựng bến thuyền, chỉnh trang đường làng, xây dựng không gian giao tiếp cộng đồng; đầu tư vùng nguyên liệu dệt chiếu, hỗ trợ kỹ thuật trồng cói và quy trình chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Gần 10 năm nay, cộng đồng dân cư trồng, khôi phục hàng chục héc ta dừa nước tại thôn Tịch Tây (xã Tam Nghĩa, Núi Thành), cấp thẻ khai thác thủy sản và sản phẩm lá dừa. Nhờ sự đa dạng sinh học rừng mà người dân có thể tìm kiếm sinh kế bền vững ở dòng sông này. Đô thị cổ Hội An nhiều năm hạn chế xây nhà cao tầng, phát triển cơ sở hạ tầng lưu tâm đến việc chống úng ngập, xử lý nước thải. Từng bước dãn dân ra ngoài khu vực phố cổ, mở rộng không gian đô thị về phía bắc Cẩm Hà và phía bắc Sơn Phong.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, thực hiện thí điểm cấp địa phương trong khuôn khổ chương trình quốc gia về tăng trưởng xanh do tổ chức KOICA tài trợ, sắp tới trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai 5 dự án với nguồn vốn phê duyệt hơn 100 triệu USD Mỹ. Đặc biệt dự án bảo tồn và phát triển cây tre; khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm để phát triển du lịch sinh thái thị xã Điện Bàn theo hướng tăng trưởng xanh có vốn đầu tư 89 triệu USD Mỹ. UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Sắp đến, sẽ kiểm tra chặt chẽ và có giải pháp hữu hiệu trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản; tiếp nhận các dự án đầu tư có chọn lọc nhằm tránh những công nghệ lạc hậu; xây dựng các dự án theo hướng tăng trưởng xanh để kêu gọi tài trợ, khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng sạch…

Tầm nhìn chiến lược trong tăng trưởng xanh ở Quảng Nam là cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo tồn tài nguyên môi trường. Việc hướng đến nền kinh tế tăng trưởng xanh không khó bởi phần lớn các quy hoạch đất đai tại các vùng, địa phương trong tỉnh dành cho phát triển các ngành năng lượng xanh, sản xuất ô tô, nuôi trồng thủy sản và các ngành công nghệ dựa trên mối liên kết với phát triển du lịch và nông nghiệp. Với hợp phần biến đổi khí hậu, dễ thực hiện bằng cách lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình mục tiêu quốc gia, kể cả nguồn lực quốc tế như vốn ODA.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC