Xung lực hai cực nam - bắc

NAM KHA 12/10/2015 09:32

Hội An liên kết Điện Bàn để tạo ra vùng đô thị nổi tiếng về du lịch, dịch vụ phía bắc. Núi Thành dựa vào sự phát triển của Chu Lai, trở thành “vùng đất vàng” công nghiệp. Song xung lực của hai cực nam - bắc này vẫn chưa đủ sức để kéo cả “con tàu” vùng đông theo chiến lược phát triển kinh tế nội vùng Quảng Nam và liên vùng giữa các địa phương vì thiếu sự liên kết và thiếu cả hạ tầng trung gian.

Nam: công nghiệp

Hơn 3.900 tỷ đồng từ vốn ngân sách đổ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cộng với hàng ngàn tỷ đồng đầu tư của doanh nghiệp trong vòng 12 năm qua đã tạo nên một diện mạo mới cho Núi Thành. Chu Lai trở thành hạt nhân, động lực để Núi Thành phát triển công nghiệp. Theo tính toán, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này chiếm 38%, giá trị xuất khẩu khoảng 100 triệu USD, giải quyết việc làm khoảng 50.000 lao động... đóng góp 60% ngân sách Quảng Nam đã “giúp” Núi Thành luôn nằm ở tốp địa phương thu ngân sách nhiều nhất Quảng Nam, có dư nguồn lực đầu tư phát triển. Chu Lai đã làm thay đổi bộ mặt phía nam Quảng Nam và dọn đường cho các dự án động lực đầu tư vào Núi Thành ngày càng nhiều hơn. Có lẽ đó là kết quả lớn nhất của việc người dân đã sẵn sàng di dời nhà cửa, mồ mả cha ông, từ bỏ ruộng vườn để được nhìn thấy diện mạo như hiện tại. Kế hoạch của Quảng Nam là sẽ xây dựng nên cụm đô thị động lực Tam Kỳ, Núi Thành. Vị thế gần sân bay Chu Lai, cảng biển Kỳ Hà và Khu kinh tế Dung Quất, nơi tiếp giáp giữa đường sắt và quốc lộ, Chu Lai – Núi Thành thuận lợi về vận tải hàng hóa, phân phối thành phẩm, mở rộng hoạt động công nghiệp. Cụm đô thị động lực này có vai trò thúc đẩy sự phát triển các đô thị và khu vực nông thôn ở cụm tây nam Quảng Nam (Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My). Ngoài ngành công nghiệp sản xuất ô tô xe máy có tiềm năng phát triển mạnh nhờ tổ hợp Trường Hải, sản xuất nông cụ và công nghiệp chế biến hải sản, nông sản cũng đã được khuyến khích, dựa trên nguồn cung phong phú về thủy sản và nông sản với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hướng đến các phân khúc cao hơn của thị trường địa phương và có được thị phần ở thị trường xuất khẩu. Tỷ trọng giá trị công nghiệp chiếm đến 65,34%, Núi Thành đáng được mệnh danh là “huyện công nghiệp” dù danh xưng này chưa hề được nhắc tới trong các văn bản chính thức của chính quyền Quảng Nam.

Phía bắc Quảng Nam phát triển mạnh mẽ về du lịch, dịch vụ. Ảnh: N.KHA
Phía bắc Quảng Nam phát triển mạnh mẽ về du lịch, dịch vụ. Ảnh: N.KHA

Bắc: du lịch, dịch vụ

Hai mươi năm qua, Hội An đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Không gian du lịch thành phố đã được mở rộng tối đa ra vùng ven. Du lịch, dịch vụ, thương mại luôn chiếm hàng đầu, giữ độ tăng trưởng ổn định trong cơ cấu kinh tế. Nhiều tour, tuyến tham quan và sản phẩm du lịch mới ra đời. Khách sạn, nhà nghỉ, homestay mọc lên như nấm sau mưa với 266 cơ sở lưu trú khoảng 5.659 phòng (525 phòng lưu trú homestay) và Cù Lao Chàm đã không còn cách trở giao thông với 131 con tàu ngược xuôi mỗi ngày đưa đón khách ra đảo. Bất chấp thị trường du lịch suy giảm hay bất ổn thời tiết, thành phố cũ kỹ, nhỏ bé này vẫn luôn chiếm lượng khách đông đảo đến tham quan, mua sắm và sử dụng dịch vụ. Thống kê của thành phố cho thấy chỉ trong vòng 9 tháng qua, đã có khoảng gần 1 triệu lượt khách tham quan phố cổ (tăng 18% so cùng kỳ, khách quốc tế chiếm khoảng 40% - 50%) và doanh thu bán vé tăng 15,5%). Số lượng khách gia tăng, nhiều nhất là nội địa (22%). Hội An đã xây dựng thành công hình ảnh của một trung tâm du lịch thanh bình, an toàn, sạch sẽ nổi bật trên bản đồ Việt Nam. Đó là những dụ ngôn cho tương lai để có thể hiểu rằng một thành phố có thể tạo ra sức hút và sự nổi tiếng về nhiều mặt, song chắc chắn thương hiệu của thành phố đó phải được gắn với một sản phẩm hay dịch vụ có chất lượng và sức hút vượt trội. Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố Hội An nói, chính quyền và nhân dân đang làm tất cả để nuôi dưỡng sự sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, tạo thêm sức hút với du khách. Người Hội An tạo ra sản phẩm bằng chính cuộc sống của họ, chính văn hóa truyền thống đang được bảo lưu trong quảng đại quần chúng nhân dân. Bí quyết làm du lịch “không giống ai” đã biến Hội An thành thành phố được đánh giá có tiềm lực kinh tế du lịch vào loại bậc nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, áp lực tăng trưởng cũng đã khiến tình trạng nông dân bỏ đất ngày càng có xu hướng gia tăng. Chưa ai dự báo tình trạng nông dân bỏ đất bao giờ dừng lại. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An khẳng định việc đầu tư, kiến thiết thị chính, gia tăng giá trị cho ngành du lịch, dịch vụ và thương mại, nhưng khoản nợ đến 31.12.2014 khoảng 331,763 tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản có trả xong khi ngân sách thành phố thiếu hụt và chính quyền tỉnh cũng không có khả năng hỗ trợ?

Điện Bàn cũng đã nuôi ý tưởng mượn lực sẵn có của hai đô thị hiện có Đà Nẵng, Hội An để xây dựng nên một đô thị mới bổ sung cho những giới hạn của đô thị hiện có, tạo ra chuỗi đô thị liên kết phát triển bền vững. Tương lai của tam giác Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An quy hoạch hình thành chuỗi đô thị dựa trên phát triển công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, biển đảo và môi trường. Vùng đất này không chỉ là không gian chuyển tiếp của hai thành phố mà đóng vai trò không gian điều tiết, phát triển công nghiệp nhẹ, giảm bớt áp lực và gánh nặng về lao động, việc làm, nhà ở và hình thành vùng cây chuyên canh công nghiệp hóa nông nghiệp.

Kết nối nam - bắc?

Không ai nghi ngờ về ý tưởng và dự báo tương lai về cụm đô thị sẽ hình thành ở phía bắc Quảng Nam nổi tiếng về du lịch, dịch vụ và đô thị phía nam đầy sức mạnh về công nghiệp. Nhưng liệu có thể kết nối các đô thị động lực và hai cực nam - bắc để thu hút nguồn vốn phát triển đô thị du lịch thương mại ven biển? Trong kế hoạch phát triển Quảng Nam, các đô thị  ven biển có tiềm năng lớn trong việc thu hút đầu tư. Cầu Cửa Đại đã hoàn thành. Con đường 45km hy vọng kết nối từ cực bắc vào cực nam sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Một cụm đô thị Hà Lam – Bình Minh – Duy Nghĩa – Hương An có vai trò thúc đẩy sự phát triển các đô thị và vùng nông thôn trong cụm trung tây Quảng Nam (Hiệp Đức, Nông Sơn, Phước Sơn), cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến và liên kết với khu kinh tế Tây Nguyên qua đường Hồ Chí Minh đã hình thành trên giấy. Chính quyền và cơ quan quản lý đang dự tính nguồn lực đầu tư vào khu vực này để tạo xung lực. Nhưng đó là chuyện của tương lai!

Rất nhiều câu hỏi đã đặt ra và câu trả lời rằng nếu không có Chu Lai thì Quảng Nam không thể đứng vào tốp 10 tỉnh, thành có nguồn thu ngân sách 10.000 tỷ đồng và đất Núi Thành chỉ là những trảng cát mênh mông bỏng rát chân người. Chu Lai đã đặt nền móng cho địa phương phát triển, trở thành một huyện thuộc loại năng động nhất Quảng Nam hiện nay trên tiến trình công nghiệp hóa. Còn Hội An, nếu không có phố cổ được công nhận là di sản văn hóa thì thành phố này có trở thành khu vực năng động như hiện nay hay không? Điều đó cho thấy sự phát triển của một vùng đất, ngoài cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư còn chịu sự chi phối của vị trí địa lý, giá trị tài nguyên lẫn năng lực điều hành của chính quyền. Hội An lo nông dân bỏ đất. Điện Bàn loay hoay khi chưa thể tính toán được tăng thu nhập nhờ đô thị hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp và khó đưa ra sản phẩm khác biệt. Còn Núi Thành thì hạn chế vốn nên 3 cụm công nghiệp đã hình thành vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng, thiếu xử lý môi trường, giao thông nên doanh nghiệp chưa thể mở rộng sản xuất kinh doanh. TS. Trần Du Lịch cho hay kinh nghiệm phát triển cho thấy các ngành kinh tế, dù hiện đại hay truyền thống, đều phụ thuộc vào sự trỗi dậy của các doanh nghiệp then chốt. Để có thể chuyển tiềm năng thành lợi thế kinh tế có đủ giá trị cốt lõi và lợi thế cạnh tranh, Quảng Nam cần có hướng tiếp cận phát triển theo quy mô vùng, đầu tư có trọng điểm, hình thành những cụm liên kết sản xuất, đồng thời tạo được sự đột phá về thể chế. Kết nối liên vùng nhanh hay chậm tùy thuộc rất nhiều vào thiện chí của các địa phương, nhưng thiếu vai trò đầu tàu của doanh nghiệp thì đừng nói đến chuyện phát triển.

NAM KHA

NAM KHA