Tiếp tục đột phá phát triển kết cấu hạ tầng
Đại hội Đảng bộ TP.Tam Kỳ lần thứ XX nhiệm kỳ 2015-2020 xác định tiếp tục tập trung phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những giải pháp đột phá tạo động lực để thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Phát triển đồng bộ
Được coi là một trong những nhiệm vụ đột phá để xây dựng và phát triển thành phố giai đoạn 2010-2015, TP.Tam Kỳ đã thành công trong việc tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ nhằm đáp ứng các tiêu chí đô thị loại II. Theo đánh giá của thành phố, nguồn lực đầu tư ngày càng đa dạng. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, địa phương đã chủ động huy động nhiều nguồn vốn từ chương trình mục tiêu, trái phiếu chính phủ, nguồn của tỉnh, tài trợ ODA, vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhân dân đóng góp… để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Nhờ vậy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố trong 5 năm qua đạt hơn 7.000 tỷ đồng.
Xưởng may của Công ty TNHH Tuấn Đạt tại Cụm CN Trường Xuân). Ảnh: X.PHÚ |
Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị thành phố ngày một hoàn thiện, đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị. Kết cấu hạ tầng đô thị, thương mại, du lịch được đầu tư mạnh mẽ, đáng chú ý như khu sinh thái và bãi tắm Hạ Thanh, khách sạn ven sông Bàn Thạch, khu dịch vụ khách sạn Mường Thanh, chợ Tam Kỳ. Hệ thống giao thông đô thị, cấp thoát nước thời gian qua đã được thành phố quan tâm đầu tư, như việc mở rộng quốc lộ 1 (đoạn vào cửa ngõ thành phố), xây dựng cầu Kỳ Phú 1, 2, đường ĐT 616 Tam Kỳ - Tam Thanh, các tuyến giao thông nội thị, nâng cấp nhà máy nước, hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Đang hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng đường Điện Biên Phủ (nối từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến biển Tam Thanh), kè sông Bàn Thạch trong năm 2015... Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, 5 năm qua, Tam Kỳ còn quan tâm đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng xã hội. Nhiều công trình tạo không gian công cộng như nâng cấp Quảng trường 24.3, quần thể công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, đường vào địa đạo Kỳ Anh, cải tạo và trồng cây xanh tạo cảnh quan sinh hoạt công cộng các hồ điều hòa, Nhà Văn hóa thiếu nhi; đang xây dựng quảng trường biển tại bãi biển Hạ Thanh 1 - Tam Thanh. Tất cả đã tạo diện mạo mới cho một thành phố trẻ ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, trong đó xây dựng khu, cụm công nghiệp (CN) có bước chuyển biến lạc quan. Cụm CN Trường Xuân đã hoàn thành và được lấp đầy 100% với 18 doanh nghiệp đăng ký đầu tư; trong đó nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết lao động và nộp ngân sách cho địa phương. Khu CN Thuận Yên cũng đã hoàn thành đường trục chính, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư. Cạnh đó, Khu CN Tam Thăng được xây dựng mở ra cơ hội phát triển nền CN sạch, công nghệ cao. Nhờ đó, thời gian qua đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn Dệt may Panko Hàn Quốc, Công ty CP Y tế Shin Chang Medial Hàn Quốc, Công ty CP Dệt may Yuongdo Velvet…
Trọng tâm hạ tầng kinh tế
Qua 5 năm 2010-2015 đầu tư, đến nay, kết cấu hạ tầng đô thị Tam Kỳ được hoàn chỉnh và cơ bản đáp ứng tiêu chí đô thị loại II. Dù còn một số tiêu chí chưa đạt nhưng phần lớn thuộc về chức năng đô thị, quy mô, mật độ dân số và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2016.
Việc tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế trong 5 năm đến nhằm tạo điều kiện để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nhanh thương mại, dịch vụ (chiếm tỷ trọng 71%), CN (chiếm 27,5%). Để có được bước phát triển như kỳ vọng và chỉ tiêu đặt ra tại đại hội, thành phố phải tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu CN Thuận Yên và nhất là Tam Thăng. Hiện nay, Khu CN Tam Thăng đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 80 triệu USD. Mục tiêu của Tam Kỳ là xây dựng khu CN này trở thành trung tâm CN sạch, công nghệ cao, là đầu tàu kinh tế CN của thành phố. Khu CN Thuận Yên cũng sẽ được tập trung đầu tư để hoàn chỉnh hạ tầng và từng bước khớp nối với Cụm CN Trường Xuân nhằm thu hút các dự án lớn, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Trên lĩnh vực du lịch, thương mại, Tam Kỳ đề ra mục tiêu tạo dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, gắn kết với chuỗi giá trị du lịch của khu vực, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch phía nam của tỉnh và là điểm đến trong địa chỉ du lịch quốc gia. Vì thế, để tạo động lực phát triển thì hạ tầng du lịch, thương mại cũng sẽ được quan tâm đầu tư như hạ tầng khu du lịch sinh thái và bãi tắm Tam Thanh, khu công viên ven sông Bàn Thạch, khu công viên ven sông Tam Kỳ, khu công viên trước tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, khu vực địa đạo Kỳ Anh - Bãi Sậy Sông Đầm, chợ đầu mối nông sản Trường Xuân…
Hệ thống giao thông đô thị Tam Kỳ trong thời gian qua được đầu tư mở rộng khá nhiều, tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển rõ ràng chưa đáp ứng. Hơn nữa, thành phố đang bắt tay thực hiện đồ án quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó đô thị Tam Kỳ sẽ được mở rộng về phía đông. Giao thông luôn đi trước một bước, thế nên, việc huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được xem là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xây dựng, phát triển thành phố thời gian tới. Cụ thể, một số dự án giao thông trọng điểm có tác động lớn đến kinh tế xã hội của thành phố như trục chiến lược Điện Biên Phủ, đường Bạch Đằng, N10, đường Tam Kỳ - Tam Thanh sẽ được tập trung đầu tư nhằm mở ra cơ hội phát triển cho thành phố.
XUÂN PHÚ