Chậm giải ngân, dự án có nguy cơ mất vốn

TRỊNH DŨNG 16/09/2015 09:20

Dự báo sẽ khó giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư năm 2015. Nhiều dự án chắc chắn bị điều chuyển hay cắt giảm vốn khi tiến độ giải ngân rất chậm chạp.

Ì ạch giải ngân

Kho bạc Nhà nước Quảng Nam đã từng hy vọng năm 2015 tiến độ giải ngân vốn đầu tư sẽ khởi sắc hơn khi các dự án được cấp thẩm quyền phân bố kế hoạch vào tháng 12.2014. Đây là thời điểm khá sớm cho việc triển khai thực hiện đầu tư. Tuy nhiên, thực tế không giống như kỳ vọng. Số liệu thống kê của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho thấy, đến hết ngày 31.8.2015, toàn bộ dự án đầu tư mới chỉ giải ngân khoảng 3.623/5.922 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch vốn giao. Tỷ lệ giải ngân này thấp hơn cùng kỳ năm 2014 đến 3%. Ông Nguyễn Quốc Tùng - Trưởng phòng Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước Quảng Nam) cho hay Kho bạc Nhà nước Quảng Nam đã tiến hành hướng dẫn bằng văn bản thủ tục thanh toán kế hoạch năm 2015 và đôn đốc các chủ đầu tư giải ngân. Nhưng các chủ đầu tư cho rằng việc giải ngân chậm vì một số dự án phải chờ phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành rồi mới thanh toán như dự án tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, nâng cấp mở rộng tuyến ĐT609, không ít dự án chờ quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án để mua sắm thiết bị y tế của các bệnh viện do Sở Y tế làm chủ đầu tư hoặc nhiều dự án bị vướng đền bù giải phóng mặt bằng giai đoạn cuối…

Dự án đường ô tô đến trung tâm xã Trà Tập đã dừng thi công vẫn bị treo tạm ứng, không thể giải ngân. Ảnh: T.DŨNG
Dự án đường ô tô đến trung tâm xã Trà Tập đã dừng thi công vẫn bị treo tạm ứng, không thể giải ngân. Ảnh: T.DŨNG

Thống kê, tổng hợp các nguồn vốn ngân sách huyện, thành phố, ngân sách xã, phường, nguồn trung ương bổ sung và nguồn vốn chương trình mục tiêu tại các địa phương thì tỷ lệ giải ngân cao như: Đông Giang (83%), Hội An (80%), Duy Xuyên (80%), nhưng cũng có khá nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như: Phước Sơn (54%), Điện Bàn (56%), Tam Kỳ (41%). Điều khó hiểu là tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 61% nhưng vẫn còn nhiều chủ đầu tư dự án vẫn chưa đến kho bạc giải ngân hoặc có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn. Hiện các dự án chưa giải ngân (tỷ lệ 0% kế hoạch vốn) thuộc về ngân sách tỉnh 15 dự án (51 tỷ đồng), nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP) 1 dự án (2 tỷ đồng), ngân sách huyện, thị xã, thành phố 84 dự án (94 tỷ đồng) và ngân sách xã, phường 49 dự án (13 tỷ đồng). Tỷ lệ dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn vẫn còn chiếm khá nhiều. Nhiều nhất là ngân sách xã, phường 301 dự án (144 tỷ đồng), ngân sách huyện, thị xã, thành phố 168 dự án (270 tỷ đồng), ngân sách tỉnh 53 dự án (348 tỷ đồng) và 18 dự án (113 tỷ đồng) từ nguồn TPCP. Chưa kể đến số dư tạm ứng từ kế hoạch năm 2010 trở về trước phải hoàn ứng trước ngày 31.12.2012 còn tồn đọng gần 37 tỷ đồng. Kể cả dự án đã ngừng triển khai thi công như dự án đường ô tô đến trung tâm xã Trà Tập vẫn còn treo số dư tạm ứng chưa thu hồi.

Ngoài ra, việc thanh toán kế hoạch vốn TPCP năm 2012, 2013 và 2014 kéo dài vẫn đang gặp rắc rối. Hiện các dự án có số dư kế hoạch vốn năm 2014 vẫn đang được Kho bạc Nhà nước Quảng Nam tiếp tục kiểm soát, thanh toán theo đề nghị của các chủ đầu tư. Riêng các dự án thuộc kế hoạch vốn năm 2013 được phép kéo dài trở về trước thì mới chỉ có Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai thực hiện đối chiếu số liệu và giải ngân. Các chủ đầu tư còn lại vẫn chưa thực hiện đối chiếu số liệu với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch với số vốn còn tồn đọng 11 tỷ đồng.

Nguy cơ bị mất vốn

Tại cuộc họp thường kỳ ngày 3.9, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng tiến độ đầu tư và giải ngân quá chậm và yêu cầu các cơ quan quản lý không giữ vốn lại, nhanh chóng rà soát, xác định những công trình có khả năng hoàn thành nhưng thiếu vốn cần được phân bổ kịp thời. Những dự án nằm trong diện giải ngân thấp (mới giao kế hoạch hoặc phân bổ vốn) cần kiểm tra cụ thể để được giãn tiến độ thanh toán. Còn lại công trình, dự án nào không thực hiện được thì phải cắt giảm hoặc điều chuyển ngay.

Hầu hết chủ đầu tư, các ban quản lý dự án đều cam kết sẽ hoàn tất giải ngân 100% vốn trước khi hết năm. Song, dường như sẽ không dễ dàng,  bởi thời hạn còn quá ít lại cõng thêm khối lượng công trình nhiều, nhất là những dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0% sẽ là điều không thể, cho dù có đẩy tiến độ nhanh đến mấy chăng nữa. Trước nguy cơ có thể bị cắt hay điều chuyển vốn (điều này đã từng xảy ra trong một vài năm trước), UBND tỉnh đã ra một “tối hậu thư” là sau ngày 31.8.2015, tất cả dự án có tỷ lệ giải ngân 0% hoặc dưới 50% không có lý do chính đáng đều buộc phải dừng lại để xem xét điều chuyển hoặc bị cắt vốn. Chưa có một con số chính thức từ Sở KH&ĐT, nhưng theo thống kê thực tế và chiếu theo quy định của UBND tỉnh thì số dự án bị điều chuyển vốn, thậm chí bị trung ương cắt giảm, thu hồi vốn chắc chắn sẽ không ít.

Ngày 8.9, Văn phòng UBND tỉnh đã phát đi kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2015. Văn bản yêu cầu trước ngày 15.9, với ngân sách địa phương, các chủ đầu tư nếu không đủ khả năng giải ngân trong năm 2015 thì tham mưu cho cấp thẩm quyền xem xét, điều chuyển vốn trong nội bộ ngành, lĩnh vực, địa phương theo nguyên tắc ưu tiên điều chuyển vốn trong nội bộ ngành, địa phương được giao. Trước ngày 15.10, sau khi đã điều chuyển vốn trong nội bộ ngành, địa phương nhưng dự kiến có khả năng không thể sử dụng hết vốn thì các Sở KH&ĐT, Kho bạc Nhà nước, Sở Tài chính kiểm tra rà soát, làm việc với các chủ đầu tư để tham mưu UBND tỉnh điều chuyển vốn từ ngành này sang ngành khác, địa phương này sang địa phương khác có các dự án đã có khối lượng thực hiện nhưng còn thiếu vốn. Đối với nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia và vốn TPCP, Sở KH&ĐT phối hợp với các ngành liên quan và chủ đầu tư rà soát tất cả dự án không có khả năng giải ngân hết vốn để tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị trung ương cho phép điều chuyển kế hoạch vốn cho các dự án khác có nhu cầu trong phạm vi từng lĩnh vực và hạn mức vốn được duyệt. Nếu thực hiện nghiêm túc quy định này, hy vọng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc bị mất vốn đầu tư..

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG