Thu hút du khách đến Mỹ Sơn
Thời gian qua, chính quyền huyện Duy Xuyên và Ban Quản lý di tích & du lịch Mỹ Sơn đã tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nhằm thu hút du khách đến với di sản văn hóa thế giới này.
Nâng cao chất lượng
Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có dịp trở lại khu đền tháp Mỹ Sơn. Dường như mọi thứ vẫn như cũ, chỉ có con đường nối từ cầu Khe Thẻ dẫn vào tháp trở nên khác lạ. Trước đây, chúng ta rất khó bắt gặp hình ảnh những du khách đi bộ trên cung đường này, bây giờ trở nên phổ biến. Ông Kim Jun Joong - du khách Hàn Quốc chia sẻ: “Tôi thích được đi bộ dưới những hàng cây rợp bóng mát để cảm nhận nhiều hơn về một không gian linh thiêng, huyền ảo mà người xưa tạo dựng nên. Tôi nghĩ, thông qua việc này sẽ hạn chế xe cộ, giảm tác động từ bên ngoài để các nhóm tháp trường tồn với thời gian”. Theo Ban Quản lý di tích & du lịch (DT-DL) Mỹ Sơn, để phù hợp với không gian di sản, nền đường được thiết kế bằng bê tông nền sơn màu gạch đỏ. Tổng kinh phí đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Đây được xem là điểm nổi bật trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Cạnh đó, những lối rẽ quanh tháp cũng được nâng cấp, tạo cho du khách có những trải nghiệm mới trên hành trình khám phá miền đất thiêng. Đồng thời đây cũng là bước đệm tiến tới triển khai một loạt dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường.
Một tiết mục trình diễn văn hóa dân gian ở Mỹ Sơn. Ảnh: H.N |
Ông Phan Hộ - Trưởng ban Quản lý DT-DL Mỹ Sơn nói: “Xác định đầu tư hạ tầng là một trong những khâu đột phá nhằm bảo tồn di tích và thu hút du khách đến với Mỹ Sơn nên ngoài việc nâng cấp tuyến đường dẫn từ cầu Khe Thẻ vào các nhóm tháp, đơn vị cũng đã chi 4,5 tỷ đồng để triển khai thực hiện hoàn thành một số công trình có ý nghĩa quan trọng, nhất là khu vệ sinh tại khu vực Nhà Đôi đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, xây 2 cổng tại cửa ngõ khu di sản để tăng cường tuyên truyền quảng bá và một không gian biểu diễn văn nghệ dân gian mới. Đồng thời tập trung nâng cấp dịch vụ trung chuyển xe điện với số lượng lên 11 chiếc, xây dựng nhà chờ, cổng soát vé điện từ nhằm phát triển loại hình du lịch hiện đại, phù hợp với Mỹ Sơn. Qua đó, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa này một cách bền vững”. Cùng với đó, các loại hình văn hóa dân gian cũng được đưa vào phục vụ du khách. Ban Quản lý chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng các tiết mục biểu diễn và tăng cường các suất diễn từ 2 suất/buổi sáng lên 3 suất/cả ngày. Đối với các sản phẩm hàng lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Ban Quản lý tập trung khai thác các giá trị đặc trưng mang dấu ấn như gốm, thổ cẩm Chăm, đá sa thạch Mỹ Sơn. Đặc biệt, trong 5 năm qua đơn vị đã liên kết xuất bản nhiều đầu sách, bộ phim tư liệu về Mỹ Sơn, về vùng đất giàu tiềm năng văn hóa Duy Xuyên...
Định hình tương lai
Từ năm 2010 đến nay, lượng khách đến tham quan Mỹ Sơn đạt hơn 1,2 triệu lượt người, bình quân hàng năm tăng 4,45%. Trong đó, khách quốc tế tăng 8,67%. Tổng doanh thu hàng năm khoảng 10 tỷ đồng, từ năm 2013 đến nay đạt hơn 20 tỷ đồng/năm. Thị trường du lịch truyền thống giữ ổn định như Bắc Âu, Úc, Nhật Bản và phát triển được những thị trường mới như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, các quốc gia ASEAN, thị trường khách nói tiếng Hoa... |
Không thể phủ nhận du lịch Mỹ Sơn thời gian qua đã đạt nhiều thành công trong công tác bảo tồn lẫn phát huy giá trị di sản. Song, để khai phá hết tiềm năng, hồn phách của nó, đòi hỏi phải đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá. Ông Phan Hộ cho biết, lộ trình phát triển du lịch từ nay đến cuối năm 2020 là sẽ tập trung đẩy nhanh và đầu tư mạnh cho khâu hạ tầng, làm mới các sản phẩm dịch vụ. Cạnh đó, nâng cao chất lượng và làm phong phú thêm các mặt hàng lưu niệm, biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm, thuyết minh, hướng dẫn tham quan di tích. Đồng thời tiến hành đầu tư công tác trưng bày, tổ chức lại hoạt động kinh doanh, khoán doanh thu đến nhân viên bán hàng, mở rộng và xây dựng các không gian mới tại nhà chờ trung chuyển, khu vực bên ngoài cầu Khe Thẻ. Duy trì biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm tại không gian di tích và tìm kiếm thêm một số loại hình văn hóa phi vật thể nhằm thể hiện hết hồn phách văn hóa Chămpa.
Mặt khác, Ban Quản lý DT-DL Mỹ Sơn sẽ thực hiện bổ sung các loại hình du lịch mới, xây dựng điểm tham quan Mỹ Sơn thành điểm du lịch có chất lượng theo hướng hiện đại. Ngoài ra, chú trọng củng cố, xây dựng, đào tạo, bổ sung đội ngũ cán bộ, nhân viên có chuyên môn nghiệp vụ cao, nhất là trình độ ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ kinh doanh du lịch… nhằm nâng cao khả năng quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút, triển khai các dự án đầu tư với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông Hộ nói: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường hợp tác và quan hệ ngày càng chặt chẽ với các công ty du lịch, hãng lữ hành trong tỉnh và trong cả nước. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hỗ trợ thông tin đến doanh nghiệp và thường xuyên quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, chúng tôi xác định lấy Mỹ Sơn làm vệ tinh, kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ để Duy Xuyên từng bước trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn đối với du khách”.
HOÀI NHI