"Loạn" thực phẩm chức năng

CHIÊU THỤC ANH 10/09/2015 10:14

Với sự dẫn dắt của các chiêu trò quảng cáo, thực phẩm chức năng (TPCN) bỗng dưng trở thành “thần dược” trong mắt người tiêu dùng, với niềm tin bị lợi dụng…

Dễ tìm, dễ mua

Chưa bao giờ TPCN lại được nhiều người tìm hiểu và mua sử dụng phổ biến như hiện nay. Các loại TPCN với các công dụng như chống lão hóa, tăng cường sinh lý cho nam nữ, hỗ trợ thần kinh, chắc khỏe xương khớp... phong phú đa dạng về mẫu mã. Nguồn gốc xuất xứ thì “muốn sản xuất trong nước hay Pháp, Mỹ, Nhật...” cũng sẵn sàng được đáp ứng một cách dễ dàng và nhanh chóng. Đáng chú ý hơn, muốn tìm TPCN được phân phối chính thống bởi các kênh bán lẻ công khai hay hàng xách tay, người tiêu dùng cũng dễ dàng tìm được. Tại một cơ sở bán thuốc tây khá lớn trên đường Trần Cao Vân (TP.Tam Kỳ), chúng tôi hỏi mua loại TPCN bổ sung vitamin dành cho phụ nữ mang thai, ngay lập tức, nhân viên bán hàng đưa ra giới thiệu một số loại được trưng bày trên kệ. Khi được hỏi có loại vitamin như trong hình khách yêu cầu không (có xuất xứ tại Mỹ), nhân viên liền bảo loại này vừa hết hàng, hẹn cuối giờ chiều hoặc ngày mai hàng về ghé lại lấy. Có lẽ vì là TPCN được giới thiệu không phải là thuốc, tác dụng phụ gần như không có nên cả người bán lẫn người mua đều không khắt khe khi lựa chọn mua hay dè dặt khi bán hàng.

Người tiêu dùng hoang mang trước thông tin TPCN bị làm giả quá nhiều. Ảnh: C.T.A
Người tiêu dùng hoang mang trước thông tin TPCN bị làm giả quá nhiều. Ảnh: C.T.A

Loại TPCN thu hút được đông đảo người dùng nhất hiện nay chính là collagen được quảng cáo là ngăn chặn lão hóa của làn da. Hiện collagen đang là từ khóa “nóng” được dùng để tìm kiếm ở trên mạng. “Phải thừa nhận là trước khi mua sử dụng, mình có tìm hiểu collagen có tác dụng như thế nào đối với việc chăm sóc sắc đẹp. Nhưng cũng chỉ sơ lược đại khái ở một vài trang chứ không đi sâu, tìm hiểu kỹ càng. Mà với chiến dịch quảng bá rầm rộ của các nhà sản xuất thì chỉ vài trang tìm kiếm ở trên mạng, người tiêu dùng có thể không được nói rõ, nói thật bản chất, tác dụng của collagen” - Nguyễn Thị Thùy Trang (giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Phú Ninh), chia sẻ. Loại collagen mà chị Trang và một vài đồng nghiệp đang sử dụng Youthery, được chủ cửa hàng giới thiệu là xách tay từ Mỹ về. Trước thông tin báo chí đưa tin, 20 tấn TPCN có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được đóng mác là những thương hiệu nổi tiếng của các nước Anh, Pháp, Mỹ cũng khiến cho những người như chị Trang vừa uống vừa lo. Nhưng rồi lại tự trấn an là “mua chỗ người quen, chắc không đến nỗi gian dối, thấy có đơn mua hàng bên nước ngoài luôn mà”. Có một thực tế đáng chú ý ở tâm lý người Việt là luôn lạc quan theo kiểu “chắc rơi vào trường hợp người khác chứ chừa mình ra”.

Thần dược?

Ngoài collagen, các dạng TPCN khác như sữa ong chúa, nhau thai cừu, thức uống thanh lọc cơ thể, giảm cân dạng viên hay nước cũng rất hút hàng. Giá các mặt hàng này khá bình dân, từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng nên được đông đảo chị em văn phòng ưa chuộng và tin dùng. Một số loại TPCN khác có mức giá cao hơn thuộc hàng “cao cấp” với giá bán 2 - 4 triệu đồng. Loại này nhắm đến khách hàng có thu nhập cao. Cũng như collagen, các loại TPCN kể trên có chiến dịch quảng bá quá rầm rộ, sẵn sàng chi hàng tỷ đồng cho những người đẹp làm đại diện nhãn hàng để “tẩy não” người tiêu dùng. “Các công ty sản xuất TPCN bắt tay với giới quảng cáo thổi phồng tác dụng nhiều loại TPCN, khiến người tiêu dùng ngộ nhận đó là các loại thuốc chữa bách bệnh, thậm chí chữa được các bệnh nan y mà y học xưa nay bó tay như ung thư. Ở một mức độ nào đó, TPCN có thể không gây hại nhưng khi người tiêu dùng ngộ nhận thì lại rất nguy hiểm vì không chỉ thiệt hại về kinh tế mà có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng” - ông Nguyễn Cam, Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc công bố, đăng ký sản xuất kinh doanh TPCN hiện nay quá dễ dãi. Ngoài những cơ sở sản xuất TPCN được đầu tư hàng trăm tỷ đồng thì cũng có một số nơi mở xưởng chỉ vài trăm triệu đồng nên dễ dàng sản xuất ra sản phẩm kém chất lượng. Đó là chưa nói đến TPCN từ Trung Quốc vào Việt Nam được thay tem, mạc là sản xuất ở các nước Anh, Pháp, Mỹ... Mới đây, phát biểu trước báo giới, ông Trần Hùng - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại 389, thì trong 5 năm trở lại đây, TPCN bị làm giả ngày càng nhiều. Những lý do này khiến người tiêu dùng như đứng giữa ma trận TPCN. Một kênh lưu hành TPCN không kém nhộn nhịp và được ưa chuộng trong thời đại mua sắm trực tuyến chính là các trang bán hàng TPCN trên internet. Doanh nghiệp, nhà phân phối tận dụng tối đa mạng xã hội, website để giao dịch với khách hàng. Những người nổi tiếng trên mạng xã hội trở thành đại diện cho các nhãn hàng TPCN. Điều này khiến chất lượng TPCN bị thả nổi, không ai kiểm soát. Thế nên, cách tốt nhất tự bảo vệ mình là người tiêu dùng nên tìm đến các thương hiệu nổi tiếng, tìm hiểu kỹ nhãn mác, tem chống giả cũng như công dụng thực sự của loại TPCN mà mình có ý định sử dụng.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH