Cải cách quản lý thuế: Cần sự đồng thuận của xã hội
Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế cho hay cơ quan thuế đã nỗ lực để cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian và chi phí làm thủ tục, hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người nộp thuế thực thi đúng pháp luật thuế. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trong việc cải cách quản lý thuế là cần sự đồng thuận của cả xã hội.
P.V: Các loại thuế, mức thuế có sẵn nhưng kèm theo đó là “rừng” văn bản hướng dẫn, dẫn đến việc không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện đúng quy định. Cơ quan quản lý hỗ trợ gì để doanh nghiệp thực thi pháp luật thuế?
Ông Ngô Bốn: Hệ thống các văn bản về chính sách pháp luật thuế và các quy định về quản lý thuế nước ta đã được nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nước phát triển và các thông lệ quốc tế. Cùng với việc tiếp thu các chính sách, quy định về thuế, được cơ quan thuế hướng dẫn, hỗ trợ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải tổ chức công tác hạch toán kế toán, thống kê theo đúng các chuẩn mực quy định. Cơ quan thuế đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho người nộp thuế. Như vậy, sẽ bảo đảm điều kiện để doanh nghiệp và cá nhân thực hiện đúng chính sách pháp luật thuế và các quy định về quản lý thuế ngày càng tốt hơn, đơn giản và tiết kiệm hơn. Không thể đổ lỗi cho quy định pháp luật phức tạp, rối rắm mà vi phạm pháp luật thuế.
Các doanh nghiệp thường gặp khó khăn khi thực thi pháp luật thuế vì có quá nhiều loại văn bản thuế (ảnh chỉ có tính minh họa). |
P.V:Văn bản hướng dẫn nộp thuế chồng chéo, thậm chí không ít hướng dẫn trái quy định, cách thức thu thuế đan xen giữa hiện đại và thủ công, liệu ngành thuế có sửa được mình để thực thi nhiệm vụ?
Ông Ngô Bốn: Đánh giá như vậy là hơi quá. Chính sách, pháp luật thuế và công tác quản lý thuế nước ta đến nay đã qua nhiều giai đoạn, cải cách đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý vĩ mô của nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn. Lĩnh vực thuế là một trong những lĩnh vực tiên phong trong việc luật hóa, đã và đang đưa pháp luật này vào đời sống kinh tế - xã hội một cách nghiêm túc trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Ngành thuế là ngành thực thi pháp luật. Ngành chỉ ban hành các quy trình tác nghiệp cho cán bộ công chức trong ngành để đảm bảo thống nhất, minh bạch trong thực thi công vụ. Các quy định pháp luật không còn phù hợp trong tình hình mới hoặc chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách, ngành đang tích cực tham mưu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Hiện đại hóa đang được tập trung mạnh mẽ. Đến cuối năm 2014 khối doanh nghiệp đã kê khai thuế điện tử. Cơ sở dữ liệu quản lý thuế đã kết nối toàn quốc. Cuối năm nay, tối thiểu 90% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, các hoạt động đã được thực hiện trong toàn tỉnh kể cả ở các huyện vùng cao. Quản lý thuế thủ công chỉ còn một bộ phận rất nhỏ ở khối hộ nộp thuế khoán và cá nhân ở những địa bàn khó khăn, xa trung tâm huyện. Ngành thuế đang nỗ lực cải cách để đạt theo lộ trình và yêu cầu của Chính phủ giao.
P.V: Trở ngại của cải cách thuế bắt đầu từ đâu? Liệu ngành thuế có đáp ứng được chỉ thị của Thủ tướng là giảm giờ nộp thuế bằng bình quân các nước ASEAN?
Ông Ngô Bốn: Đó là giải quyết mối quan hệ giữa yêu cầu tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đáp ứng yêu cầu phát triển, giảm nợ công với việc hội nhập theo lộ trình và giảm mức huy động để khuyến khích đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Cải cách quản lý thuế cần sự đồng thuận của xã hội, trực tiếp là sự đồng lòng thực hiện cải cách, hiện đại hóa từ phía cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.
Ngành thuế đã cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính bằng các chương trình, kế hoạch, giải pháp đồng bộ, cụ thể như: triển khai mạnh mẽ kê khai qua mạng (trên 95% doanh nghiệp) và nộp thuế điện tử (trên 90%), công khai cơ sở dữ liệu quản lý thuế, phấn đấu giải quyết đúng hạn tối thiểu 90% hồ sơ hoàn thuế, áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra, giải quyết kịp thời, đạt hiệu quả 100% trường hợp khiếu nại thuế… Phấn đấu đến cuối năm 2015, giảm tiếp thời gian, thủ tục thuế còn 121,5 giờ, bằng với mức các nước ASEAN-6 và đến cuối năm 2016, sẽ đạt mức các nước ASEAN-4.
Mặc dù được trung ương triển khai chậm (từ ngày 13.10.2014) do phụ thuộc vào công nghệ thông tin, nhưng với quyết tâm cao, Cục Thuế đã huy động tối đa nhân lực, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nên đến cuối năm 2014, Quảng Nam đã đạt trên 99% doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố (chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao 95%). Hiện Cục Thuế chỉ đạo sát sao để duy trì vận hành tốt doanh nghiệp đã thực hiện, tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp mới thành lập khai thuế qua mạng để 100% doanh nghiệp thực hiện. Còn nộp thuế điện tử, Quảng Nam được triển khai từ tháng 4.2014 với chỉ tiêu giao đến cuối tháng 9.2015 phải đạt tối thiểu 90% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử. Nỗ lực của ngành thuế trong việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ đến từng doanh nghiệp thuộc tỉnh, thành phố triển khai đạt kết quả cao nhất nước, dự báo sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Chính phủ giao về đăng ký nộp thuế điện tử ngay trong năm 2015.
NHẬT PHONG (thực hiện)