Trên vùng đất mở

TRẦN HỮU 25/08/2015 08:53

Núi Thành giờ là cửa ngõ kinh tế năng động nhất ở khu vực phía nam của tỉnh. Không chỉ tăng trưởng về giá trị công nghiệp, giàu mạnh về biển, địa phương đang tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị cho hành trình phát triển mới…

Thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, Núi Thành tập trung nâng cấp các tuyến giao thông ở khu vực trung tâm. Ảnh: Đ.ĐẠO
Thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, Núi Thành tập trung nâng cấp các tuyến giao thông ở khu vực trung tâm. Ảnh: Đ.ĐẠO

Nằm trong vùng trọng điểm của Khu kinh tế mở Chu Lai, Núi Thành hội đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển công nghiệp, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa. Những cảng biển, sân bay, các khu, cụm công nghiệp với kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, khớp nối, tạo ra cho địa phương này sức hút riêng, dù trước mắt năng lực khai thác và thu hút đầu tư chưa mạnh. Năm 2015, các dự án hạ tầng giao thông, công trình lớn đều triển khai qua địa bàn huyện. Chính vì thế, Đảng bộ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải phóng mặt bằng, sắp xếp lại dân cư, chỉnh trang đô thị. Hơn 24km trong dự án mở rộng quốc lộ 1 với hàng trăm hộ dân được bố trí xây nhà ở tái định cư.

Chỉnh trang đô thị

Thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm

Tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế trên địa bàn huyện Núi Thành năm 2015 ước đạt 40.301 tỷ đồng. Trong đó, công nghiệp - xây dựng ước đạt 32.350 tỷ đồng (chiếm gần 59% giá trị toàn tỉnh); ngành nông - lâm - thủy sản ước đạt 3.136 tỷ đồng (chiếm 18,09% giá trị toàn tỉnh). Thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân của tỉnh.
(Trích Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Núi Thành  lần thứ XXI)

Gần một năm trước, trên con đường thiên lý Bắc - Nam qua chợ Trạm (xã Tam Hiệp), chợ Bà Bầu (xã Tam Xuân) hay đoạn xã Tam Anh… thường thấy nhếch nhác hình ảnh chợ cóc tràn ra đường, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm. Thế nhưng, cảnh tượng này đã đẩy lùi, thay vào đó là nhà cửa cao tầng san sát nhau hai bên đường. Chợ trung tâm thị trấn Núi Thành, Tam Xuân 1 được mở rộng, xây mới. Từ đầu năm đến nay, Núi Thành triển khai 40 dự án xây dựng cơ bản, trong đó có 11 dự án đưa vào sử dụng. Để làm đẹp cho đô thị, địa phương đã dành nguồn lực nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Văn Linh. Tại các khu - cụm công nghiệp, chính quyền xác định như bộ mặt của đời sống đô thị nên tiếp tục hoàn thiện hạ tầng dang dở. Điển hình, Cụm công nghiệp Nam Chu Lai đang xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường gom, đường chính. Cụm công nghiệp Trảng Tôn gần đó đang ưu tiên cho hạng mục thoát nước, vỉa hè, cây xanh...

Ông Nguyễn Văn Mau - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành khẳng định, cùng với mục tiêu trở thành huyện công nghiệp, phát triển hài hòa các vùng, địa phương quy hoạch đô thị theo các tiêu chí loại 3 vào năm 2020. Trước mắt, rà soát các khu quy hoạch đã duyệt, triển khai dứt điểm dự án dang dở. “Để công nhận đô thị loại 4 vào 2 năm tới, chúng tôi cần điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Núi Thành; lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Vì vậy, trong thời gian này, sẽ tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị như giao thông, các khu phố, cơ sở thương mại - dịch vụ, cơ sở văn hóa...” - ông Mau nói. Trong giai đoạn chờ thu hút đầu tư chỉnh trang đô thị, Núi Thành quan tâm các lĩnh vực giao thông, xử lý nước thải, cây xanh; khuyến khích phát triển sản xuất, công nghiệp nhưng tuân thủ chặt chẽ quy hoạch, tránh tình trạng gây tiếng ồn, phá vỡ cảnh quan trong các khu dân cư đô thị. Theo quy hoạch, Núi Thành sẽ đầu tư đường Lý Thường Kiệt nối với cầu Nguyễn Phùng (xã Tam Mỹ Đông) nối đường Quang Trung; tuyến đường từ khu dân cư Gò Dài (xã Tam Nghĩa) đến ĐT617 (trong đó có cầu qua sông An Tân); xây kè ven sông Bến Ván từ khu vực thị trấn Núi Thành đến khu hậu cần cảng Tam Hiệp gắn với xây dựng tuyến đường ven sông…

Thiếu niên sinh hoạt đội tại Tượng đài chiến thắng Núi Thành.
Thiếu niên sinh hoạt đội tại Tượng đài chiến thắng Núi Thành.

Mạnh giàu về biển

So với các địa phương ven biển trong tỉnh, Núi Thành dẫn đầu về ngành nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Với tầm nhìn hướng biển, ngư dân các xã Tam Quang, Tam Giang, Tam Tiến, Tam Hòa đã đầu tư hàng trăm tàu thuyền công suất từ 250CV trở lên. Giai đoạn 2011 - 2014, ngư dân Núi Thành được hỗ trợ hơn 100 tỷ đồng cho hoạt động đánh bắt xa bờ. Và gần đây, Nghị định 67 của Chính phủ hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho ngư dân đóng mới nhiều tàu công suất hơn 450CV trở lên. Theo ngành nông nghiệp Núi Thành, tổng công suất tàu thuyền đánh bắt xa bờ của huyện hiện nay tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Sản lượng nuôi trồng và khai thác bình quân hàng năm đạt 42.000 tấn (chỉ tiêu 23.000 tấn); giá trị nuôi trồng thủy sản trên 1ha đất canh tác hiện đạt 420 triệu đồng (gấp gần 3 lần so với năm 2010). Tỷ trọng ngành thủy sản chiếm hơn 77% giá trị sản xuất nông nghiệp. Các chính sách hỗ trợ ngư dân được triển khai hiệu quả. Đến nay, nhiều ngư dân trên địa bàn xã Tam Giang, Tam Quang đã tiếp cận vốn vay ưu đãi của Nhà nước, đóng tàu mới công suất 600CV trở lên, thậm chí có những tàu công suất hơn 1.000CV và nâng cấp công nghệ đánh bắt hải sản xa bờ.

Cùng với đóng tàu lớn yên tâm bám biển dài ngày, dịch vụ hậu cần nghề cá  được địa phương đầu tư đúng mức. Các cảng cá Tam Giang, An Hòa nâng cấp đưa vào sử dụng đảm bảo cho tàu cá có trọng lượng lớn cập cảng an toàn. Lực lượng tàu thuyền vươn khơi thu mua hải sản hùng hậu, góp phần bình ổn giá, giải quyết công ăn việc làm cho ngư dân. Trong khi đó, các xã Tam Quang, Tam Tiến, Tam Giang… đang rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể ngành thủy sản và lĩnh vực khai thác hải sản, đồng bộ giữa năng lực khai thác trên biển với hậu cần dịch vụ trên bờ, hệ thống thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Thêm vào đó, địa phương có kế hoạch bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ vùng đới bờ.  Để giàu mạnh về biển, Núi Thành nhất thiết phải hình thành được trung tâm nghề cá, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất ven biển phù hợp. Bí thư Huyện ủy Núi Thành - Nguyễn Tiến cho biết, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân khai thác xa bờ hiệu quả; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ mới trong khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm; tìm kiếm thị trường ổn định. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư mở rộng cảng cá mới, âu thuyền, các cơ sở đóng mới tàu thuyền. Quy hoạch ổn định vùng nuôi trồng thủy sản, cải thiện môi trường, hạn chế dịch bệnh...

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU