Liên kết phát triển vùng tây bắc

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG 23/08/2015 07:06

Tại hội thảo “Hợp tác phát triển tiềm năng vùng tây bắc Quảng Nam” (được tổ chức tại Đông Giang hồi cuối tháng 7), các địa phương đã đánh giá, nhìn nhận lại tiềm năng trong mối liên kết giữa vùng với vùng, giữa miền ngược với miền xuôi. Trên cơ sở đó, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích, đề xuất giải pháp nhằm tạo hướng mở cho các địa phương trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội thời gian đến.

Lễ hội văn hóa vùng cao, tiềm năng phát triển du lịch ở miền núi.
Lễ hội văn hóa vùng cao, tiềm năng phát triển du lịch ở miền núi.


NHẬN DIỆN LỢI THẾ

Vùng tây bắc Quảng Nam là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và nền văn hóa độc đáo của các tộc người, đang là ưu thế lớn cho sự phát triển vùng trong mối liên kết địa phương và khu vực.  

Đa dạng tiềm năng

Theo đánh giá của Viện Kinh tế Việt Nam, các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn là vùng có “rừng vàng” theo cả nghĩa đen (mỏ vàng Phước Sơn) lẫn nghĩa bóng. Tỷ lệ đất rừng chiếm đa số (55 - 85%), đa dạng các loại cây thuốc, cây gỗ quý, nhiều sản vật đặc trưng. Đó là chưa kể nét riêng đặc sắc với những khác biệt nổi trội của các tộc người còn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Đây chính là điểm tựa quan trọng để tạo nên vị thế của vùng.

Ông Bhriu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng, vùng tây bắc Quảng Nam không thiếu tài nguyên, thậm chí còn rất dồi dào so với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có nhiều tài nguyên mang tính đặc thù như: hệ sinh thái núi cao, hệ thống thủy văn và đặc biệt là văn hóa các dân tộc. Trong đó, điểm nhấn là văn hóa của tộc người Cơ Tu với nhiều giá trị đã và đang được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia như: điệu múa tâng tung da dá; nghề dệt thổ cẩm; kiến trúc và sinh hoạt truyền thống;... “Chúng tôi có rừng. Đặc biệt là những cánh rừng nguyên sinh với diện tích và tỷ lệ đa dạng sinh học còn rất lớn. Đây chính là sự khác biệt với các địa phương khác. Trong yếu tố con người, bản sắc văn hóa độc đáo gắn với tính cộng đồng trong sinh hoạt sản xuất,... đang là một thứ tài sản - di sản quý” - ông Liếc nói.

Đồng quan điểm với ông Liếc, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm, ngoài rừng, hệ thống thủy văn với nhiều thác ghềnh, hồ chứa nước, khí hậu mát mẻ quanh năm và cảnh quan đẹp là điểm chung của cả 4 huyện miền núi vùng tây bắc. Đây là điều kiện đủ cho việc phát triển du lịch, nhất là trong chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lợi thế từ nguồn tài nguyên của vùng là khá lớn. Những khác biệt đó sẽ là tài sản quan trọng có tác động không nhỏ đến việc định hình, định hướng quá trình phát triển tương lai của 4 huyện.

Tìm cách khai phóng

Không thể phủ nhận những bước phát triển của 4 huyện miền núi trong những năm qua, tuy nhiên thực lực xuất phát trong giai đoạn mới còn quá thấp, chưa tương xứng với nguồn lực khổng lồ đã được đầu tư. PGS-TS. Trần Đình Thiên khẳng định, bước sang giai đoạn mới các huyện miền núi không thể phát triển theo cách đã được triển khai trong 30 năm đổi mới đã qua, dù cách đó đã từng mang lại nhiều thành quả. Lý giải cho vấn đề này, ông Trần Đình Thiên nói: “Dù nguồn tài nguyên khá dồi dào, nhưng thực tế vùng tây bắc Quảng Nam vẫn là vùng nghèo, rất nghèo. Điều kiện tự nhiên cơ bản, phục vụ lối sống truyền thống đang và sẽ bị suy giảm. Sự trao đổi, liên kết với bên ngoài vẫn chủ yếu là “trao đổi dựa trên cái mình có” theo lối tự nhiên vốn có. Thủy điện hay mỏ vàng mang lại sự giàu có cho những vùng khác, chứ không có tác động nhiều, trực tiếp đến cư dân bản địa. Do đó, địa phương phải thay đổi tư duy, từ đó khai phóng những tiềm năng phục vụ cho sự phát triển của chính mình”.

Vùng tây bắc Quảng Nam là địa bàn có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, du lịch. Trong ảnh: Rừng cây pơmu ở Tây Giang.
Vùng tây bắc Quảng Nam là địa bàn có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, du lịch. Trong ảnh: Rừng cây pơmu ở Tây Giang.

Nhìn nhận về quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng tây bắc Quảng Nam, định hướng chiến lược nhằm xóa đói giảm nghèo ở miền núi, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Tiềm năng đất đai để phát triển nông - lâm nghiệp theo phân tích của các địa phương là rất lớn. Tài nguyên rừng, khoáng sản phong phú, địa hình đồi núi đa dạng, nguồn lao động trẻ, dồi dào. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn chưa trở thành ngành sản xuất hàng hóa, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa đáp ứng cho việc phát triển nông nghiệp - nông thôn. Đó là chưa kể đến chất lượng lao động không cao, tập quán canh tác lạc hậu và nạn khai thác rừng trái phép đang đe dọa sẽ trở thành rào cản cho việc tận dụng tiềm năng từ nông - lâm nghiệp của vùng”.

Nhận diện thực trạng phát triển và thực lực xuất phát trên, hầu hết ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học đều nhận định cần phải tìm kiếm giải pháp và động lực mới, hoạch định bổ sung chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong mối tương quan liên kết vùng. Đây sẽ chính là động lực để địa phương xây dựng hướng đi trên cơ sở khai thác bền vững những tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng. “Hợp tác vùng, tiểu vùng đang là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển đi lên của các địa phương. Dù tiếp cận ở góc độ nào, cũng cần xuất phát từ đặc điểm tự nhiên, văn hóa, kinh tế - xã hội của chính địa phương đó. Nhận diện được cơ hội, thách thức để từ đó có những điều chỉnh, thay đổi phù hợp sẽ là những nền tảng đầu tiên giúp các địa phương phát triển tương xứng với vai trò, vị thế của mình trong khu vực” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhận định.

XÁC LẬP GIÁ TRỊ DU LỊCH ĐẶC THÙ

Cách làm manh mún, sản phẩm nghèo nàn và sự “chết yểu” của nhiều dự án du lịch ở địa bàn miền núi thời gian qua cho thấy nhu cầu bức thiết của việc xác lập giá trị đặc thù, trong khi đồng thời phải xây dựng mối liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương.

Tìm kiếm sản phẩm đặc thù

Đặt trong mối quan hệ với tiềm năng du lịch tỉnh Quảng Nam và các địa bàn phụ cận, đặc biệt là A Lưới của Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam nhận định 4 yếu tố có thể tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù của vùng tây bắc. Đó là: hệ sinh thái núi cao với các giá trị đặc sắc của sinh cảnh rừng nhiệt đới nguyên sinh và đa dạng sinh học; hệ thống thủy văn với nhiều thác ghềnh, hồ chứa nước có cảnh quan đẹp; văn hóa dân tộc thiểu số với nhiều giá trị vật thể và phi vật thể độc đáo; di tích lịch sử văn hóa dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, giá trị văn hóa đặc trưng ở vùng tây bắc khó được sử dụng như “vật liệu cốt lõi” để tạo nên sản phẩm du lịch văn hóa riêng của vùng. Theo PGS-TS. Phạm Trung Lương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, các giá trị văn hóa thường được lồng ghép trong các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng núi và du lịch lịch sử trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Vấn đề quan trọng hàng đầu là xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và xúc tiến du lịch vùng. “Việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đã được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng xuyên suốt của du lịch Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch trong nước nói chung và của các địa phương nói riêng, trong đó có vùng tây bắc Quảng Nam. Đây là yêu cầu tiên quyết để có thể cạnh tranh du lịch, liên kết và thu hút đầu tư về du lịch cho vùng” - ông Lương nhấn mạnh.

Liên kết phát triển du lịch mở ra cơ hội mới cho các địa phương.
Liên kết phát triển du lịch mở ra cơ hội mới cho các địa phương.

Thời gian qua, đã có một số tour du lịch được mở dựa trên việc khai thác những yếu tố mang tính “tài nguyên” nêu trên. Đơn cử như: làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, Đhrôồng (huyện Đông Giang); dự án phục dựng 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh thuộc thôn Pà Dồn (xã Cà Dy, huyện Nam Giang) phục vụ du lịch từng được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mức độ thu hút của các sản phẩm du lịch này vẫn mang tính manh mún, chưa thực sự tạo được điểm nhấn. Riêng dự án phục dựng 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh hầu như không mang lại hiệu quả. Đây là nghịch lý còn tồn tại, khi những địa bàn lân cận trong và ngoài tỉnh đang thu hút một lượng lớn khách du lịch mỗi năm. “Thực trạng trên cho thấy các địa phương cần nhanh chóng xây dựng một đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cho vùng tây bắc với tư cách là một điểm đến thống nhất phù hợp với điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh, du lịch vùng duyên hải” - ông Lương nói.

Liên kết xúc tiến du lịch

Do tính tương đồng cao về tài nguyên du lịch giữa các địa phương, việc liên kết sẽ cho phép hạn chế hiệu quả tình trạng manh mún và trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương. Thay vào đó, sự liên kết sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng có quy mô và tính hấp dẫn cao hơn, để từ đó nâng cao được tính cạnh tranh du lịch. TS. Quách Thị Xuân - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP.Đà Nẵng cho rằng, ngoài việc quy hoạch xây dựng cơ sở lưu trú, tăng cường nguồn nhân lực phục vụ du lịch thì vấn đề quy hoạch tuyến du lịch, xúc tiến và quảng bá thông qua liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương với nhau và với các vùng lân cận là yêu cầu tất yếu. Ngoài ra, liên kết du lịch còn giúp khắc phục những trở ngại về cơ sở hạ tầng du lịch, đều đang phổ biến ở các huyện miền núi trong thời điểm hiện tại.

Tài nguyên du lịch phong phú, tuy nhiên việc khai thác và phát triển du lịch vùng tây bắc Quảng Nam còn rất nhiều hạn chế. Lượng khách đến du lịch rất ít. Cơ sở vật chất phục vụ thiếu. Ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang thừa nhận: “Tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái giữa các địa phương trong vùng còn khá phổ biến làm giảm tính hấp dẫn sản phẩm du lịch toàn vùng tây bắc của tỉnh. Hoạt động xúc tiến du lịch mang tính vùng còn rất hạn chế, do đó chưa thể làm nổi bật hình ảnh du lịch của điểm đến vùng tây bắc Quảng Nam”.

Để từng bước đưa liên kết du lịch vào thực tiễn, theo các nhà nghiên cứu, hoạch định chiến lược, các địa phương vùng tây bắc cần xác định lợi thế, so sánh trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, làm căn cứ “phân vai” và chia sẻ lợi ích. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch vùng với tư cách là điểm đến quan trọng khu vực phía tây cũng không thể đặt ra ngoài mối liên kết đó. “Để làm được việc này, các địa phương vùng tây bắc Quảng Nam cần hợp tác chặt chẽ trong 4 lĩnh vực: đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến đầu tư; liên kết hoạt động lữ hành kết nối tour và chia sẻ thông tin kinh nghiệm về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch vùng” - PGS-TS. Phạm Trung Lương khẳng định.

ĐÁNH THỨC TÀI NGUYÊN

Thay đổi tư duy, điều chỉnh cơ chế chính sách thu hút đầu tư là một trong những giải pháp nhằm đánh thức nguồn tài nguyên, khơi thông nội lực phát triển của vùng tây bắc, gắn với mối liên kết vùng và khu vực.

“Tọa độ” khác biệt

“Cần nhìn vùng tây bắc Quảng Nam như một tọa độ khác biệt, để từ đó tìm ra được giải pháp gắn kết nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đây chính là chìa khóa để phát triển trong giai đoạn tiếp theo”, PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định như vậy, khi nói về vấn đề đổi mới cơ chế chính sách cho vùng tây bắc Quảng Nam. Theo đánh giá của Viện Kinh tế Việt Nam, vùng tây bắc được tổ chức theo dạng hành lang phát triển, gồm 3 hành lang kết nối với 3 vùng động lực phía đông của tỉnh. Đồng thời các tuyến giao thông chiến lược như: tuyến huyết mạch Hồ Chí Minh, quốc lộ 14E và vị trí trung điểm nối các tỉnh Tây Nguyên với TP.Đà Nẵng và TP.Tam Kỳ, Khu kinh tế mở Chu Lai đang mở ra nhiều cơ hội cho vùng. Ngoài ra, đây cũng là điểm kết nối trong mối quan hệ các vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và vùng Đông Bắc Thái Lan với nước ta. “Tọa độ” khác biệt đó đặc ra yêu cầu cần có một cơ chế đặc thù để phát triển theo các tuyến hành lang song song với cơ chế phối hợp, kết hợp theo cặp huyện đông - tây.

“Tỉnh sẽ kiến nghị với Chính phủ cho cả khu vực vùng miền núi phía tây Quảng Nam được hưởng cơ chế tương tự vùng Tây Nguyên để có hướng kích cầu, tăng cường sự phát triển của vùng”
                   Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trung ương cần sớm ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, du lịch, phát triển nông thôn, miền núi. Các địa phương cũng cần nhanh chóng đầu tư, kêu gọi đầu tư để sớm khai thông tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây 2, tuyến giao thông then chốt kết nối với Đà Nẵng. Trong tầm nhìn sắp đến, phải tích cực kết nối để hoàn chỉnh tuyến đường cửa khẩu Kà Lừm, xây dựng cửa  khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc và Tây Giang  - Kà Lừm thành cửa khẩu đường bộ quốc tế.

Bày tỏ sự quan tâm với vai trò phát triển của vùng tây bắc Quảng Nam, ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chia sẻ, mối quan hệ giữa Quảng Nam - Đà Nẵng là mối quan hệ lâu đời, Đà Nẵng phát triển là động lực để Quảng Nam đi lên. Song cần phải đặt 4 huyện vùng tây bắc Quảng Nam dưới sự quản lý tương đối độc lập. “Phải có sự phân cấp rõ ràng về quy mô đầu tư, quy mô dự án và lĩnh vực đầu tư. Từ đó, giao cho các địa phương chủ động thực hiện giải quyết vấn đề phát triển vùng và có sự phân công liên kết để phát triển. Đó là điều kiện để các huyện xây dựng cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực, trên cơ sở định hướng khung của tỉnh” - ông Viết nói.

Cần có chính sách thu hút đầu tư để phát triển miền núi. Trong ảnh: Du khách thưởn thức ẩm thực vùng cao thông qua tour du lịch “Hương sắc Cơ Tu”.
Cần có chính sách thu hút đầu tư để phát triển miền núi. Trong ảnh: Du khách thưởn thức ẩm thực vùng cao thông qua tour du lịch “Hương sắc Cơ Tu”.

Tháo “rào cản”

Yêu cầu liên kết vùng để thúc đẩy sự phát triển của cả 4 địa phương, đòi hỏi phải đổi mới tư duy phát triển nhằm tìm kiếm và huy động nguồn ngoại lực. Những khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội còn tồn tại ở miền núi cho thấy liên kết, mời gọi đầu tư, khai thác các nguồn lực là giải pháp trọng tâm nhằm đánh thức nguồn tài nguyên dồi dào ở miền núi. Cho đến nay, nông nghiệp vẫn không thể thu hút được đầu tư. Nguồn lực của Nhà nước vào miền núi dù khá lớn nhưng vẫn chưa thể thay đổi được “đẳng cấp” của nông thôn. “Cần chuyển sang tư duy phát triển khác, định hướng phát triển khác, giải pháp phát triển khác không theo lôgic cũ. Trên cơ sở nhận diện lợi thế khác biệt của vùng, cần tháo gỡ những “rào cản” về cách làm, tư duy và cơ chế chính sách để biến những lợi thế này thành cơ hội phát triển trong thời gian sắp đến”, TS. Trần Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Việt Nam cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Lam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, doanh nghiệp hiện vẫn còn gặp phải nhiều rào cản khi đầu tư vào các địa bàn miền núi như: sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, đường giao thông, chính sách khuyến khích đầu tư chưa thực sự tạo được lực hút. “Hầu hết địa phương vẫn chưa xây dựng được loại cây trồng, con vật nuôi chủ lực để có thể hấp dẫn được nhà đầu tư. Cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vẫn chưa đủ mạnh, do đó cần có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian sớm nhất để doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư vào miền núi” - ông Lam chia sẻ. Để huy động các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, Viện Chiến lược phát triển Việt Nam nhận định: các địa phương cần lên danh mục dự án cơ hội đăng ký với UBND tỉnh, công khai kêu gọi doanh nghiệp đầu tư với cam kết hỗ trợ về thủ tục, cơ chế ưu đãi. Ngoài ra, cũng cần có một chiến lược quảng bá, tuyên truyền để tạo được hiệu ứng thu hút tích cực đối với nhà đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đặt vấn đề xác lập ngành ưu thế của vùng tây bắc để từ đó có chính sách tập trung phát triển. Theo ông Thanh, đối với nông  - lâm nghiệp đang là thế mạnh của vùng, vì vậy địa phương sẽ phải tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung, quy mô lớn với giống và công nghệ tiên tiến. Người dân sẽ tham gia trực tiếp vào một số công đoạn trong chuỗi giá trị sản phẩm. “Tỉnh sẽ kiến nghị với Chính phủ cho cả khu vực vùng miền núi phía tây Quảng Nam được hưởng cơ chế tương tự vùng Tây Nguyên để có hướng kích cầu, tăng cường sự phát triển của vùng” - ông Thanh cho biết.

 ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG