Thực hiện kiến nghị kiểm toán nhà nước: Kiến nghị, xin và chờ giải quyết

TRỊNH DŨNG 05/08/2015 09:07

Không thể thực hiện hoàn tất các kết luận của Kiểm toán Nhà nước mấy năm qua vẫn đang là chuyện đau đầu của các cơ quan quản lý.

Không dễ thực hiện

Nhiều kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trước năm 2014 về kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước cho thấy diễn ra ở các khoản tăng thu ngân sách, thu khác, giảm chi thường xuyên, giảm chi đầu tư, các khoản ghi thu, ghi chi và các khoản khác… đã được thực hiện, nhưng số tiền hơn 639/784 tỷ đồng chưa thể thu hồi vào ngân sách nhà nước đã khiến các cơ quan quản lý gặp khó khăn. Đó là chưa kể đến các kiến nghị kiểm toán của năm 2010 cũng còn khoảng 3% (5,1 tỷ đồng) và năm 2012 còn đến 35% (hơn 16,8 tỷ đồng)/tổng tiền phải thu hồi vào ngân sách nhà nước vẫn chưa thể thực hiện được. Các cơ quan này chưa biết tìm cách gì để thực hiện lệnh kiểm toán nhà nước khi doanh nghiệp có quá nhiều lý do để trì hoãn việc nộp vào ngân sách nhà nước.

Theo Cục Thuế Quảng Nam, sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước về sự chênh lệch hộ kinh doanh do cơ quan thuế quản lý và cơ quan cấp phép kinh doanh, các chi cục thuế đã chấn chỉnh công tác quản lý hộ kinh doanh thông qua sự phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và chi cục. Kết quả rà soát cho thấy đa số hộ kinh doanh không còn trên địa bàn, không ít hộ khi được cấp phép kinh doanh không vay vốn, không kinh doanh và một số hộ chỉ vì mục đích vay vốn mới đăng ký kinh doanh nên không tồn tại trên thực tế, dẫn đến sự chênh lệch trên. Ngoài ra, số tiền kiến nghị tăng thu chưa thể thực hiện được do tất cả khoản thu này bị vướng vào cơ chế ưu đãi vượt trội hoặc tiến độ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư dang dở, thiếu hụt khiến nhiều dự án không thể triển khai.

Khu công nghiệp Bắc Chu Lai nằm trong diện cần gỡ bỏ các kết luận kiểm toán theo đúng như trên thực tế hoạt động của các cơ quan này. Ảnh: T.D
Khu công nghiệp Bắc Chu Lai nằm trong diện cần gỡ bỏ các kết luận kiểm toán theo đúng như trên thực tế hoạt động của các cơ quan này. Ảnh: T.D

Cơ quan thuế đã thống kê, rà soát các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất theo cơ chế vượt trội đến hết năm 2014 và đã thông tin cho Sở KH&ĐT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Số thuế này cơ quan thuế đang theo dõi, từ đó làm tăng tổng số nợ phát sinh trên địa bàn, nhưng không có khả năng thu hồi. Riêng việc nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, Bồng Miêu thì Cục Thuế đã báo cáo cho Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính. Những khoản tiền thuế nợ này Cục Thuế Quảng Nam không tự xử lý được mà cần có sự chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương. Khả năng năm 2015, Cục Thuế Quảng Nam vẫn chưa thể thu được tiền nợ thuế của hai công ty trên. Ông Lương Đình Đường - Phó cục trưởng Cục Thuế cho rằng nợ thuế đang có xu hướng gia tăng. Nhiều khoản nợ kiểm toán nhà nước kết luận như vàng, ưu đãi vượt trội… không thể thu được. Kiểm toán Nhà nước liên tục kiến nghị thu, nhưng cơ quan thuế không thể thực hiện được. Ngành thuế xin chỉ đạo xử lý gấp để giảm nợ cho ngành thuế, tránh tiếp tục phát sinh nợ mới.

Kiến nghị và chờ giải quyết

Theo ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính, chính quyền Quảng Nam đã thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, nhưng để kết quả khả quan vẫn là câu chuyện dài. Chưa xử lý xong kiến nghị cũ đã nhận thêm “trát lệnh mới”. Đây là nhiệm vụ nặng nề, không đơn giản khi các đơn vị không triển khai thực hiện và báo cáo. Việc thực hiện của Quảng Nam có khi đúng pháp luật nhưng lại không đúng thực tế. Nếu chỉ sử dụng ưu đãi của Chính phủ thôi thì doanh nghiệp sẽ đầu tư vào nơi khác. Ngành tài chính đã ứng cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thứ cấp từ nguồn vượt thu hàng năm. Thực hiện kiểm toán đã báo cáo nhiều lần nhưng không nhận được câu trả lời. Còn quá nhiều dây dưa, rắc rối, cần kiểm toán thông cảm. Ông Chín than phiền rằng địa phương đã linh hoạt, nhanh nhạy trong việc điều hành ngân sách. Tăng thu thì trung ương đỡ phải cấp thêm tiền. Thu nhiều hơn chi mới có kết dư, nhưng tiết kiệm thì lại bảo phải trích Quỹ dự trữ tài chính 5%, còn lại mới chi. Quảng Nam đã trích lập hơn 63 tỷ đồng vào Quỹ dự trữ tài chính mà không làm gì. “Tiền thì cất, không sử dụng mà buộc vẫn phải trích, không thể hiểu nổi, nhưng đó là luật. Ách tắc đủ thứ. Địa phương gặp khó khăn. Sẽ tiếp tục giải trình, kiến nghị với kiểm toán” - ông Chín nói.

Cơ quan quản lý bối rối, doanh nghiệp trì hoãn và Kiểm toán Nhà nước thì thúc ép, UBND tỉnh đã buộc phải tiếp tục giải trình, kiến nghị với Kiểm toán Nhà nước để xử lý dứt điểm sự vụ này càng nhanh càng tốt. UBND tỉnh cho hay các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về quản lý, điều hành, phân cấp ngân sách… sẽ dễ dàng thực hiện khi cơ quan tài chính luôn bảo đảm nguyên tắc cân đối thu - chi, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả để có nguồn thu hồi tạm ứng, giảm tạm ứng ngân sách… Tất cả khúc mắc này đã được UBND tỉnh trình lên các kiểm toán, các bộ ngành trung ương và chờ đợi. Như vậy, kết quả thu hồi vào ngân sách ít ỏi, không phải từ sự thờ ơ của chính quyền Quảng Nam mà chính là từ sự rắc rối, chậm trễ từ sự xem xét và phê duyệt của các cấp có thẩm quyền… đã khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn và doanh nghiệp vẫn bị ám ảnh nợ dù thực tế chỉ là trên giấy.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG