Tìm đường dung hòa nợ xấu
Hội nghị sơ kết giữa ngân hàng và cơ quan thi hành án ngày 23.7.2015 tới, có tìm được một tiếng nói chung hay một con đường dung hòa cho việc xử lý nợ xấu hay không là điều mà giới ngân hàng quan tâm.
Câu chuyện xử lý nợ xấu vẫn là mối quan tâm hàng đầu trong kế hoạch kinh doanh của ngành ngân hàng Quảng Nam. Song nhiều vụ nợ xấu đã được ra tòa và thi hành án nhưng vẫn khó thực hiện được việc thu hồi nợ bởi thiếu một tiếng nói chung từ nhiều phía. Theo đánh giá của NHNN chi nhánh Quảng Nam hiện có khoảng 50% tổ chức tín dụng tại Quảng Nam có phát sinh các vụ việc thi hành án dân sự. Các cơ quan chức năng, thi hành án đã hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với ngân hàng theo trình tự quy định của pháp luật để giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều vướng mắc.
Hiện các ngân hàng đang đối mặt với một tình trạng về mặt pháp lý liên quan đến các vấn đề xử lý nợ cũng như tài sản đảm bảo. Mặc dù khi cho vay, ngân hàng đã chủ động ràng buộc các điều kiện pháp lý với bên cho vay và các bên liên quan bằng nhiều hợp đồng như hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tín dụng… nhưng khi rủi ro phát sinh thì việc xử lý thu hồi nợ của ngân hàng luôn gặp khó khăn. Phía ngân hàng cho rằng không hiểu lý do gì mà sự lúng túng, bị động luôn xảy ra trong hệ thống tòa án trong việc tiếp nhận, thụ lý các đơn đòi nợ cũng như vai trò mờ nhạt của các cơ quan này trong việc bảo đảm quyền lợi của các chủ nợ. Họ mong quá trình khởi kiện, thi hành án được cơ quan liên quan giải quyết thủ tục hồ sơ nhanh hơn để giúp ngân hàng sớm thu hồi vốn, giải quyết nợ xấu, để không ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Còn cơ quan thi hành án lại cho rằng nợ xấu tồn tại trong nhiều năm, là sự tích lũy dồn tụ của một thập kỷ tăng trưởng tín dụng nóng. Một phần là do ngân hàng tạo nên. Nếu ngân hàng có đủ khả năng thẩm định dự án chính xác, giải ngân theo đúng quy trình quản trị rủi ro, liệu nợ xấu có giảm thiểu không? Nguyên nhân tạo ra nợ xấu vẫn không ngoài chuyện thẩm định và quản trị rủi ro của ngân hàng có vấn đề, chưa đúng tầm và hiệu quả sử dụng vốn vay sai mục đích hay chưa tốt của khách hàng. Nhiều vụ thi hành án không thành vì không có tài sản để thu. Nhiều ngân hàng khi thẩm định cho vay không có tài sản đảm bảo hoặc quá cao so với giá trị tài sản.
Phía ngân hàng muốn đẩy nhanh công tác thi hành án đối với các bản án đã được tòa tuyên án, các bản án có đầy đủ tài sản đảm bảo, tiến hành kê biên, bán đấu giá để ngân hàng sớm thu hồi dứt điểm được nợ xấu, còn thi hành án nói là khó vì thiếu tài sản và nhiều lẽ. Vì vậy, hội nghị sơ kết giữa hai phía mở ngày 23.7 tới, có tìm được tiếng nói chung hoặc con đường dung hòa cho việc xử lý nợ xấu hay không là điều mà giới ngân hàng quan tâm. Bởi khi cho vay, ngân hàng đương đầu với rủi ro là khoản nợ bị con nợ chiếm dụng và không thể thu hồi. Nếu việc chiếm dụng này trở nên phổ biến thì nó sẽ tạo ra những tác hại nghiêm trọng làm suy giảm hệ thống tài chính. Điều nguy hiểm không chỉ là sự phá sản của một vài ngân hàng đã cho vay rủi ro mà quan trọng hơn là chính niềm tin bị đánh mất!
NHẬT PHONG