Triển khai Nghị định 67: Chưa giải ngân vốn lưu động
Vốn lưu động theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 67) hiện vẫn chưa đến được với ngư dân. Nguồn vốn này có mục đích giúp ngư dân giảm chi phí chuyến biển, đồng thời chủ động đầu ra cho hải sản.
Thiếu vốn sản xuất
Ngư dân Lương Tấn Xị (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) vừa hạ thủy tàu cá vỏ gỗ QNa-91739 có công suất 822CV hành nghề câu mực khơi được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị định 67. Để hoàn thành tàu cá này, ngoài nguồn vốn vay, ông Xị còn phải đối ứng hơn 2 tỷ đồng. Sau khi đóng tàu mới, để mua sắm các nhu yếu phẩm phục vụ chuyến biển dài ngày tại các vùng biển xa, ông Xị đến gõ cửa các ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện Núi Thành để vay vốn lưu động theo Nghị định 67. Tuy nhiên nguyện vọng của ông không được đáp ứng. Ông Xị nói: “Các ngân hàng thương mại đều bảo rằng họ chưa hề được thông báo sẽ giải ngân vốn lưu động theo Nghị định 67 cho ngư dân nên không có trách nhiệm thực hiện việc này. Họ bảo sẽ cho chúng tôi vay vốn thương mại để sắm sửa nhu yếu phẩm cho mỗi chuyến ra khơi nếu chúng tôi đáp ứng được một số yêu cầu của họ. Sau khi biết được lãi suất vay vốn theo diện này khá cao mà thủ tục lại quá rườm rà nên chúng tôi bỏ cuộc”. Theo ông Xị, trước đây khi thiếu vốn để mua sắm nhu yếu phẩm cho chuyến biển, gia đình phải vay nóng của đầu nậu thu mua hải sản nên chi phí chuyến biển tăng lên, trong khi khó chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp cận được vốn vay lưu động theo Nghị định 67, ngư dân sẽ tránh bị ép giá đầu ra hải sản. Ảnh: N.Q.V |
Ngư dân Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu theo nghề lưới vây đang đứng ngồi không yên vì thiếu vốn để mua nhu yếu phẩm cho chuyến biển sắp tới. Ông Bẹn cho biết, cũng giống như nhiều ngư dân khác, trước đây mỗi lần thiếu vốn sản xuất, gia đình phải “cắn răng” vay nóng của đầu nậu. Từ khi Nghị định 67 được triển khai, ngư dân rất kỳ vọng sẽ vay được 70% chi phí chuyến biển với lãi suất 7%/năm như quy định. Thế nhưng mỗi lần liên hệ ngân hàng để vay thì đều bị từ chối. “Lãi suất từ việc vay nóng rất cao nhưng chúng tôi đành phải chấp nhận. Chỉ cần trễ nải chuyến biển thôi là bạn biển đã bỏ mình để ra khơi với chủ tàu khác rồi. Vậy nên phải buộc bụng vay nóng để kịp thời ra khơi và hy vọng chuyến biển thành công thì mới có thể trang trải nợ nần” - ông Bẹn nói.
Ngân hàng không mặn mà
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương ven biển để sơ kết triển khai thực hiện Nghị định 67 được tổ chức hồi tháng 4.2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh yêu cầu các ngân hàng thương mại tinh giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp cận các hình thức vay vốn theo quy định của nghị định. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, lãi suất vốn vay lưu động 7%/năm là cao so với mặt bằng lãi suất hiện tại và sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh phù hợp hơn để ngư dân tiếp cận, thuận tiện sản xuất. |
Đến thời điểm này, tiên phong trong việc triển khai Nghị định 67 tại Quảng Nam là Ngân hàng TMCP Đầu tư & phát triển chi nhánh Quảng Nam (BIDV Quảng Nam). Tuy nhiên, ngân hàng này mới chỉ giải ngân tín dụng đóng mới tàu cá chứ chưa hề giải ngân vốn vay lưu động. Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV Quảng Nam cho rằng, thực tế BIDV Quảng Nam vẫn cho ngư dân vay vốn để sản xuất trong thời gian qua. Gói tín dụng này gồm có cho vay để mua sắm ngư lưới cụ, cho vay để sửa chữa tàu cá, trang bị thêm thiết bị cho tàu cá hoặc là mua các nhu yếu phẩm cho chuyến biển. Giữa vốn vay thương mại và vốn lưu động theo Nghị định 67 có chênh lệch nhất định về lãi suất. Hiện tại, BIDV Quảng Nam chưa hề tiếp cận hồ sơ nào của ngư dân để vay vốn lưu động theo Nghị định 67. Ông Nguyễn Hữu Mậu - Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Núi Thành cũng cho rằng, ngân hàng này vẫn cho ngư dân vay gói tín dụng thương mại để sản xuất trên biển, còn vay vốn lưu động theo Nghị định 67 thì chưa thực hiện.
Trước đây, với chương trình “Cùng ngư dân bám biển”, Ngân hàng Đông Á chi nhánh Quảng Nam đã triển khai gói tín dụng ưu đãi giúp ngư dân có thêm nguồn lực tài chính đầu tư khai thác hải sản. Trong 2 năm (2012 và 2013), ngân hàng này đã giải ngân 17 tỷ đồng với lãi suất thấp (10%/năm), giúp ngư dân có thêm điều kiện để trang bị các vật dụng, thiết bị, nhu yếu phẩm cho chuyến biển. Thời gian gần đây, gói tín dụng ưu đãi này không được thực hiện do lãi suất không còn phù hợp. Ông Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc Ngân hàng Đông Á chi nhánh Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ và luôn tìm cách khuyến khích quá trình bám biển dài ngày của bà con ngư dân Quảng Nam ở các vùng biển xa của Tổ quốc. Tuy nhiên, trong vòng hơn 9 tháng qua kể từ khi Nghị định 67 được triển khai, chúng tôi chưa nhận được hồ sơ nào của ngư dân để vay vốn lưu động theo nghị định”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, đến thời điểm này, ngư dân trên địa bàn chưa tiếp cận được vốn vay lưu động theo Nghị định 67 dù cho nhu cầu của họ là rất lớn. “Vốn vay lưu động theo Nghị định 67 sẽ giúp ngư dân vừa giảm chi phí chuyến biển vừa nâng cao giá trị hải sản sau thu hoạch. Tuy nhiên, bản chất của các ngân hàng thương mại là thu lợi từ cho vay nên dễ hiểu khi họ không mặn mà triển khai gói vốn vay lưu động theo nghị định mà cho vay tín dụng thương mại có lãi suất cao hơn” - ông Hưng nói. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, đến thời điểm này, vốn vay lưu động theo Nghị định 67 chưa được các ngân hàng thương mại tại Quảng Nam giải ngân. Nguyên nhân là Ngân hàng Nhà nước chưa siết chặt cơ chế ràng buộc nên các ngân hàng thương mại tại Quảng Nam vẫn đứng ngoài cuộc.
NGUYỄN QUANG VIỆT