Quản lý vàng trang sức, mỹ nghệ: Yên tâm về chất lượng vàng
Sau một năm triển khai Thông tư 22 của Bộ Khoa học - công nghệ, các tiệm vàng trên địa bàn tỉnh đã dần thực hiện đầy đủ việc ghi nhãn công bố chất lượng, số lượng và đóng mã ký hiệu trên các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ. Nhưng ít người biết đến quy định có lợi này để yên tâm hơn về chất lượng khi mua vàng.
Đỡ lo lắng
Chị Nguyễn Thị Tuyết (ở đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Tôi rất thích dùng vàng nữ trang và thường xuyên thay đổi mẫu mã. Trước đây dù có mua chỗ tiệm buôn bán vàng nữ trang quen nhưng tin tưởng 100% vàng đúng chất lượng là không có rồi. Thời gian gần đây, khi mua vàng ở một số tiệm có thấy nhãn ghi chất lượng, tuổi vàng... cũng thấy yên tâm hơn. Đem bán lại ở nơi khác cũng không bị ép giá như ngày xưa. Tôi không rõ theo quy định nào nhưng Nhà nước làm vậy là có lợi cho người dân quá”.
Theo Thông tư 22/2013/TT-BKHCN (Thông tư 22) của Bộ Khoa học - công nghệ về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ (có hiệu lực từ ngày 1.6.2014), các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn, đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng. Theo đó, chất lượng vàng lưu thông trên thị trường buộc phải công khai, minh bạch về đo lường. Khi Thông tư 22 mới có hiệu lực, phần lớn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức đều lo lắng. Vì trước đó, chất lượng vàng mỗi nơi một khác, khi thực hiện thông tư mới, số lượng vàng trang sức tồn kho của các tiệm vàng buộc phải kiểm tra chất lượng và niêm yết tuổi vàng cho đúng. Khi cân phổ quang (loại cân buộc các tiệm vàng phải sử dụng), tuổi vàng trang sức của các tiệm, doanh nghiệp đều giảm so với tuổi vàng niêm yết trước đó. Tuy nhiên sau hơn một năm thực hiện thông tư, đa số các cửa hàng vàng trong tỉnh chấp hành tương đối nghiêm túc.
Người dân mua vàng nữ trang tại doanh nghiệp vàng Nghĩa Tín (Tam Kỳ). Ảnh: C.T.A |
Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân vàng Nghĩa Tín (đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ) cho hay: “Khi Thông tư 22 mới có hiệu lực, cửa hàng gặp khó khăn vì tốn nhiều công sức kiểm tra lại chất lượng toàn bộ sản phẩm để niêm yết cho đúng. Trong đó, nhiều sản phẩm buộc phải nấu lại để làm sản phẩm mới cho đúng với quy định”. Nhưng theo bà Liên, bên cạnh những cái khó, chính doanh nghiệp cũng thuận lợi là những sản phẩm vàng đặt gia công từ các công ty ở TP.Hồ Chí Minh chất lượng cũng đảm bảo hơn.
Thực tế, thực hiện Thông tư 22 không chỉ người dân được lợi mà ngay cả các cửa hàng kinh doanh vàng bạc cũng yên tâm hơn với các sản phẩm đặt gia công từ các doanh nghiệp lớn. “Kinh doanh vàng đòi hỏi uy tín nên doanh nghiệp của tôi thực hiện rất đầy đủ mọi quy định. Dấu mộc, tuổi vàng được đóng ngay trên sản phẩm, khi khách mua hàng xong có thể kiểm tra ở nơi khác nếu không đảm bảo như công bố, doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm. Các sản phẩm đã bán trước đây, khách hàng có nhu cầu bán lại, doanh nghiệp đều thu hồi để xử lý cho phù hợp với các tiêu chuẩn” - chủ tiệm vàng Nghĩa Tín nói.
Còn vi phạm
Mức phạt tối đa dành cho những doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ vi phạm về phương tiện đo là 100 triệu đồng, vi phạm về chất lượng phạt gấp 5 lần giá trị sản phẩm. Ngoài ra, nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với mức xử phạt nghiêm khắc trên nên có lẽ ít doanh nghiệp vi phạm. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Ly - Chi cục Đo lường chất lượng (Sở Khoa học - công nghệ) cho biết: “Chi cục vừa có đợt kiểm tra 11 cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh; hiện đoàn kiểm tra vẫn tiếp tục làm việc tại một số cửa hàng kinh doanh vàng nữ trang nên chưa có con số chính xác về tình hình kinh doanh vàng nữ trang. Tuy nhiên, trong 11 cơ sở thì có 8 cơ sở vi phạm các lỗi như sản phẩm không có tem, nhãn mác công bố tiêu chuẩn, chất lượng...”. Cũng theo ông Ly, với những vi phạm trên đoàn kiểm tra chỉ nhắc nhở là chính, nếu sau này tiếp tục vi phạm thì sẽ có hướng xử lý, răn đe nghiêm khắc hơn. Theo khảo sát của riêng chúng tôi, các tiệm kinh doanh vàng đều kinh doanh xen kẽ giữa vàng có tem nhãn mác lẫn không có tem và người mua đa số không biết quy định của Thông tư 22 này.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam, toàn tỉnh có khoảng 100 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Ở nhiều địa phương, một số cửa hiệu, cửa hàng kinh doanh vàng xen kẽ các loại trang sức, bạc có độ tuổi thấp hơn vàng trang sức, mỹ nghệ (dưới 8 cara). Thế nhưng, việc xác định độ tuổi của vàng rất phức tạp, cần nhiều thời gian và kinh phí. Về phía người dân, sau một năm triển khai Thông tư 22 thì không phải khách hàng nào cũng biết quy định này để nhận biết hay yêu cầu cơ sở kinh doanh đó cân đo đong đếm lại.
Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh Quảng Nam cũng cho biết đã nhiều lần yêu cầu UBND, chi cục thuế các huyện, thành phố cung cấp danh sách các hiệu vàng trên địa bàn nhưng một số huyện không cung cấp hoặc cung cấp sai địa chỉ nên số lượng tổng hợp danh sách hiệu vàng không đầy đủ và chính xác. Trong khi đó, cái khó đối của các cơ sở kinh doanh vàng với quy định mới là các ký hiệu hàng hóa đều phải ghi rõ trên sản phẩm để khách hàng nhận biết nhưng các sản phẩm vàng nữ trang thường nhỏ và mỏng, không thể nào ghi hết ký hiệu của nhà sản xuất cũng như đòi hỏi phải đầu tư máy móc rất tốn kém. Trong khi lâu nay các chủ cơ sở sản xuất vẫn ghi theo lô hàng, ngoại trừ mã ký hiệu của sản phẩm do doanh nghiệp vàng tự đặt. Theo khuyến cáo của ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Quảng Nam, khi mua bất kỳ sản phẩm nào, người dân cũng nên lấy hóa đơn đỏ ghi đầy đủ mọi thông tin về sản phẩm. Nếu phát hiện ra sản phẩm không đảm bảo chất lượng có thể khiếu nại đến hiệp hội, phía hội người tiêu dùng sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
CHIÊU THỤC ANH