Xin đừng "giơ cao đánh khẽ"

TÙY PHONG 08/07/2015 09:11

Có thể nói sự khác biệt lớn nhất trong đầu tư xây dựng cơ bản năm 2015 chính là công tác giao, phân bổ kế hoạch vốn đã được triển khai ngay từ tháng 12.2014 và tháng 1.2015, một số rất ít mới phân bổ vốn hồi tháng 4.2015 đã tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện theo kế hoạch. Theo công bố của các cơ quan quản lý, việc phân bổ vốn cho các chương trình, dự án đã được phê duyệt và thỏa thuận vốn, ưu tiên thanh toán khối lượng. Những dự án khởi công mới đều cấp bách và bảo đảm nguồn vốn thực hiện đúng mục tiêu. Tuy nhiên, với tỷ lệ giải ngân 53% trong vòng 6 tháng qua, cũng rất nhiều dự án mới cũng chỉ giải ngân dưới 50% và 0%, cho thấy tình trạng không sử dụng hết vốn vẫn tiếp tục diễn ra và không biết bao giờ kết thúc! Thậm chí nhiều chương trình đầu tư vào các vùng khó khăn, miền núi… rất cần phát huy hiệu quả để giúp dân thoát nghèo vẫn chịu cảnh giải ngân khá thấp, như: Chương trình phát triển và bảo vệ rừng, nông thôn mới (1,2%); Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a (43%); Chương trình 135 (48%)…

Không phải đến bây giờ chuyện không xài hết vốn đầu tư mới xảy ra. Theo các cơ quan quản lý, giải ngân vốn theo niên độ ngân sách quy định nguồn ngân sách địa phương sẽ giải ngân trước ngày 31.1.2016 nhưng phải có khối lượng trước ngày 31.12.2015. Nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu giải ngân ngày 31.1.2016. Nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân trước 30.6.2016 và nguồn vốn trái phiếu chính phủ giải ngân trước ngày 31.12.2016. Nếu những chương trình, dự án mới được cho là chưa đủ thời gian và kinh nghiệm để hấp thụ vốn và triển khai chương trình thì những biện giải của các chủ đầu tư (giải phóng mặt bằng yếu, chưa thể nghiệm thu khối lượng hoàn thành…) dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp vẫn là chuyện đã cũ, không hề thay đổi được là tại điều gì? Cơ chế hay năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu?

Không ít văn bản công bố sẽ xem xét, quyết định hình thức xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư dự án bị cắt giảm vốn do không giải ngân hết kế hoạch nguồn trái phiếu chính phủ, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ. Họ hy vọng quyết định này sẽ là bước ngoặt để hoàn tất việc giải ngân vốn đầu tư theo từng niên độ. Thế nhưng đó cũng chỉ là lý thuyết. Công luận vẫn không thể hiểu rằng ở đâu cũng cần, ai cũng muốn có những dự án đầu tư để tạo động lực phát triển thì tại sao có dự án phê duyệt, có nguồn phân bổ mà lại không chịu “tiêu tiền”? Tại sao không đặt câu hỏi do đâu các chủ đầu tư không lập hồ sơ, thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn và lập hồ sơ, thủ tục hoàn ứng ngân sách theo đúng quy định gửi đến cơ quan chuyên môn theo dõi, kiểm soát? Dư luận cho rằng năm nào chính quyền và cơ quan quản lý cũng kêu gọi, thậm chí chế tài, nhưng tình trạng không thể giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân quá thấp dẫn đến mất vốn hoặc bị điều chuyển thường xuyên xảy ra mà chưa thấy ai bị kỷ luật? Do cơ chế trách nhiệm tập thể nên tình trạng này như một “con bệnh đã lờn thuốc”? Xin đừng “giơ cao đánh khẽ” để hạn chế tình trạng xài không hết vốn đầu tư!

TÙY PHONG

TÙY PHONG