Tiếp tục gỡ khó để tăng trưởng

HỮU HẢI 06/07/2015 09:21

Hôm nay 6.7, HĐND tỉnh khai mạc kỳ họp thứ 14. Nhiều vấn đề quan tâm đã được đề cập, cần tiếp tục được kỳ họp thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ để có thể hoàn thành kế hoạch năm 2015.

Tín hiệu khả quan

Theo báo cáo UBND tỉnh, 6 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 0,7% so với tháng 12.2014. Tăng trưởng tín dụng hơn 8,7%, dư nợ cho vay hơn 29 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ 2014, nợ xấu chiếm 0,8% tổng dư nợ. Thu ngân sách 6 tháng đạt 6.320 tỷ đồng, bằng 69% dự toán năm, tăng 65% so cùng kỳ; trong đó thu nội địa hơn 4.000 tỷ đồng, tăng thu chủ yếu khu vực ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhân. Đáng chú ý, nguồn thu xuất nhập khẩu gần 2.140 tỷ đồng, bằng 89% dự toán năm và gấp 2,5 lần cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư xã hội hơn 7.970 tỷ đồng, tăng 7,2% so cùng kỳ. Nhiều công trình trọng điểm được đưa vào sử dụng: mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Bảo tàng tỉnh, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, cầu Kỳ Phú 1 và 2, cầu Ái Nghĩa, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông… Một số công trình quan trọng cũng được khởi công như: cầu Giao Thủy, Khu liên hợp dệt – sợi – nhuộm Quế Sơn, đường trục chính Khu công nghiệp Tam Thăng, sửa chữa, nâng cấp hồ Khe Tân… Có 340 doanh nghiệp trong nước đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 1.400 tỷ đồng; so cùng kỳ, doanh nghiệp đăng ký mới tăng 6%, doanh nghiệp giải thể giảm 46%.

Công nghiệp Quảng Nam đạt giá trị sản xuất 6 tháng hơn 23 nghìn tỷ đồng. TRONG ẢNH: Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc. Ảnh: H.H
Công nghiệp Quảng Nam đạt giá trị sản xuất 6 tháng hơn 23 nghìn tỷ đồng. TRONG ẢNH: Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc. Ảnh: H.H

Tổng sản phẩm GRDP 6 tháng tăng 11,46%, kế hoạch năm 2015 tăng 11,5%. Tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ chiếm 84,3% GRDP; tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 37% cơ cấu kinh tế với giá trị sản xuất hơn 23 nghìn tỷ đồng. Sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng 4% và tăng đều ở các lĩnh vực. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú hơn 1,7 triệu lượt, khách lưu trú đạt 968 nghìn lượt, doanh thu khách sạn, nhà hàng tăng hơn 10%. Kim ngạch xuất khẩu hơn 247 triệu USD với một số mặt hàng chiếm tỷ trọng cao như dệt may, sản phẩm từ giấy, sản phẩm gỗ, linh kiện điện, hàng thủy sản… Nhập khẩu tăng hơn 36%, giá trị đạt 525 triệu USD, chủ yếu nhập máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu cho sản xuất, đây là dấu hiệu nhập khẩu tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 395 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 49%, cao nhất là bậc tiểu học 68%, THCS 49,5%. Tổng số lao động được tuyển sinh học nghề hơn 12.500 người, hơn 2 nghìn người được trợ cấp thất nghiệp với số tiền 14 tỷ đồng. Thời gian qua Quảng Nam đã vận động phụng dưỡng 649 Bà mẹ Việt Nam anh hùng mới được phong tặng...

Thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, các ngân hàng đã ký kết 8 hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới tàu thuyền trị giá 81 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 10 tỷ đồng; hỗ trợ mua bảo hiểm cho 61 tàu cá và gần 2 nghìn thuyền viên với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Năm 2014, có 10 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu năm 2015 đạt thêm 46 xã; hỗ trợ các địa phương 100 tỷ đồng từ nguồn vốn vay tín dụng để kiên cố hóa kênh mương, trạm bơm điện, hạ tầng làng nghề và 240km đường giao thông nông thôn...

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả tích cực, có mặt nổi trội. Song, một số lĩnh vực khiến cử tri và đại biểu không khỏi băn khoăn, cần giải pháp tháo gỡ từ nay đến cuối năm. Theo đại biểu Võ Bảy - thành viên Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh, số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản là khá lớn. Đến ngày 31.12.2014, tổng nợ đọng trên toàn tỉnh 3.081 tỷ đồng, năm 2014 tăng so với năm 2013 là 646 tỷ đồng; khối ngành nợ 1.487 tỷ đồng và khối địa phương nợ 1.586 tỷ đồng. Nợ đọng thuế cũng lên đến con số 856 tỷ đồng. Ông Bảy đề nghị cần bổ sung nội dung này vào báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng và có biện pháp xử lý triệt để. Bên cạnh đó, cần đánh giá việc phân cấp đầu tư đối với các huyện, thành phố hiện nay. Bởi có huyện đã “xé lẻ” dự án để phê duyệt đầu tư (dự án dưới 10 tỷ đồng thuộc thẩm quyền phê duyệt cấp huyện), làm cho hiệu quả đầu tư thấp, đây cũng là nguyên nhân khiến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn ở khối địa phương. Mặt khác, khi làm dự án thì địa phương rất “hăng hái” nhưng phê duyệt rồi thì lại “thả chài”(!). Đơn cử, việc báo cáo con số nợ đọng xây dựng cơ bản trước ngày 30.6.2015 theo Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 30.4.2015 của Thủ tướng Chính phủ thì đến ngày 25.6.2015, tức còn 5 ngày so với thời hạn của Thủ tướng thì chỉ có 8 sở và 10 địa phương thực hiện việc báo cáo này.

Theo UBND tỉnh, để kinh tế - xã hội phát triển ổn định, đạt được các mục tiêu tăng trưởng, thời gian tới, các ngành, địa phương trong tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 01 của Chính phủ và Nghị quyết 127 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; tích cực huy động các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp, đảm bảo đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2015 đã đề ra. Cụ thể, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, chú trọng các sản phẩm của tỉnh đã có thương hiệu, các sản phẩm có sản lượng chiếm tỷ lệ cao trong nước, có nguồn thu ngân sách lớn như ô tô, giày da, may mặc. Phấn đấu đưa giá trị xuất khẩu vượt chỉ tiêu kế hoạch. Ngoài ra, rà soát, xây dựng các cơ chế khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường theo Nghị định 59 của Chính phủ. Tổ chức triển khai thực hiện các luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2015, đặc biệt là các luật liên quan trực tiếp đến hoạt động doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp như: bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả dự án đầu tư trong nước; rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư sửa đổi. Không quy định ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu như Luật Doanh nghiệp sửa đổi...(M.ĐỨC)

Về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng, đại biểu Nguyễn Tiến (Núi Thành) đặt vấn đề vì sao tỷ lệ giải ngân vốn tỉnh thấp hơn cấp huyện (54%) và xã (61%)? Đại biểu cho rằng, việc giải ngân chậm có nguyên nhân là chủ đầu tư thiếu quyết liệt, chậm bàn giao mặt bằng, trong đó đáng chú ý là việc thẩm định của các sở, ngành, nhất là thẩm định giá đất bồi thường chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn. Do vậy, phải chỉ đạo các sở, ngành nâng cao trách nhiệm phối hợp, rút ngắn thời gian thẩm định để đẩy nhanh tiến độ dự án. Ông Tiến cũng đặt vấn đề quy trách nhiệm đối với 4 dự án đã có phê duyệt quyết định đầu tư nhưng chưa bố trí nguồn thực hiện trong năm 2015.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị sau khi khánh thành cần xây dựng phương án sử dụng hiệu quả các công trình trọng điểm của tỉnh như Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Bảo tàng tỉnh, Quảng trường 24.3 (Tam Kỳ)… Tuy số thu ngân sách 6 tháng đạt khá nhưng nguồn thu thiếu tính ổn định, phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu từ bán ô tô của Tập đoàn Trường Hải. Việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đạt thấp, nhiều dự án “treo” làm lãng phí tài nguyên đất đai. Cần lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, không để diễn ra tình trạng xin cho. Chất lượng cải cách thủ tục hành chính chưa cao, người dân và doanh nghiệp còn phàn nàn. Số lượt tiếp công dân giảm nhưng số đơn thư khiếu lại, tố cáo lại tăng, do vậy cần xem lại hiệu quả công tác tiếp công dân hiện nay. Thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo nghị quyết của HĐND tỉnh hiệu quả chưa cao, nhiều nơi công trình xây dựng xong lại không sử dụng được, gây lãng phí nguồn lực, đề nghị phải chấn chỉnh.

Liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, một số đại biểu đề nghị cần đánh giá đúng thực trạng đầu tư công giai đoạn 2011 – 2015 để xác định mục tiêu, giải pháp đầu tư giai đoạn tiếp theo. Cần bổ sung cơ chế và kế hoạch vốn thực hiện các đề án của HĐND tỉnh, ưu tiên giáo dục và y tế miền núi, hỗ trợ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, thị trấn, thị tứ, hỗ trợ các huyện xây dựng trường chuẩn, góp phần đạt tiêu chí nông thôn mới, có cơ chế hỗ trợ các huyện vay vốn làm giao thông nông thôn...

Những vấn đề vừa nêu trên đây cần được HĐND tỉnh trong kỳ họp thứ 14 thảo luận, làm sâu sắc thêm các nhận định, đánh giá để trên cơ sở đó quyết định bổ sung nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2015.

HỮU HẢI

HỮU HẢI