Thực hiện kiến nghị kiểm toán nhà nước: "Tiến thoái lưỡng nan"

TÙY PHONG 24/06/2015 08:47

Số tiền 69,815 tỷ đồng phải thu nộp vào ngân sách từ kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (hai năm ngân sách 2012 và 2013) chưa thể thực hiện được.

Những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trước năm 2013 đã được thực hiện nhưng số tiền 69,815 tỷ đồng phải thu nộp vào ngân sách nhà nước mới chỉ thực hiện khoảng 6,985 tỷ đồng, đang khiến cơ quan thuế gặp khó khăn. Cơ quan này chưa biết tìm cách gì để thực hiện lệnh kiểm toán khi doanh nghiệp có quá nhiều lý do để trì hoãn việc nộp vào ngân sách. Theo lý giải của Cục Thuế Quảng Nam, nguyên nhân số tiền kiến nghị tăng thu chưa thể thực hiện được do tất cả khoản thu này bị vướng vào cơ chế ưu đãi vượt trội hoặc tiến độ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư dang dở, thiếu hụt khiến nhiều dự án không thể triển khai. Cụ thể, số thuế thu nhập doanh nghiệp theo quyết toán năm 2012 của Công ty CP Phước Thịnh là 7 tỷ đồng, thuộc về số thuế đơn vị được hưởng ưu đãi vượt trội theo giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư do UBND tỉnh cấp. Số tiền sử dụng đất phải nộp của Khu đô thị số 9, đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc do Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam thực hiện, tính đến ngày 10.2.2013 đã hết thời gian gia hạn theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, nhưng đơn vị này chưa nộp ngân sách. Kiểm toán kiến nghị thu hồi 23,055 tỷ đồng, nhưng Cục Thuế mới chỉ thu hồi được 5,041 tỷ đồng. Số tiền sử dụng đất còn phải nộp là 18,041 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện thu số còn nợ của doanh nghiệp này đang gặp khó khăn khi dự án bị vướng về tiến độ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư nên triển khai dự án gặp khó. Chỉ tính riêng kiến nghị kiểm toán năm ngân sách 2013, số nợ thuế thu nhập doanh nghiệp theo cơ chế ưu đãi vượt trội đã hơn 25,773 tỷ đồng (Phước Thịnh 16,5 tỷ đồng, Cát Vàng 8 tỷ đồng, Rieker 1,26 tỷ đồng).

Theo Cục Thuế, đơn vị đã thống kê, rà soát các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất theo cơ chế vượt trội đến hết năm 2014 và đã thông tin cho Sở KH&ĐT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Số thuế này làm tăng tổng số nợ phát sinh trên địa bàn, nhưng không có khả năng thu hồi. Kiểm toán nhà nước liên tục kiến nghị thu, nhưng cơ quan thuế không thể thực hiện được. Như vậy, kết quả của việc thu hồi số nợ này không phải từ sự nỗ lực của cơ quan thuế mà chính từ cơ chế và sự phê duyệt của các cấp có thẩm quyền. Công luận vẫn không thể hiểu là các kiến nghị này đã được cơ quan thuế gửi đi nhiều lần nhưng sao chưa nhận được câu trả lời từ các cơ quan hữu trách? Tại sao không nghĩ đến chuyện nghiên cứu cân đối nguồn ngân sách vượt thu hàng năm để hỗ trợ doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước về khoản ưu đãi vượt trội theo cơ chế của tỉnh. Ngoài ra, cần thông báo cụ thể bằng văn bản để doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện ngành nghề, mục tiêu dự án không dựa vào giấy chứng nhận ưu đãi được cấp để dây dưa, nợ đọng thuế. Suy cho cùng, nếu thực hiện được điều này, không chỉ sẽ giảm được số nợ đọng thuế phát sinh trên địa bàn, tránh ảnh hưởng đến các dự án đầu tư, mà quan trọng là uy tín của chính quyền địa phương sẽ được bảo vệ một khi đã cam kết với các nhà đầu tư.

TÙY PHONG

TÙY PHONG