Kinh tế biển: Gần và xa

TRẦN HỮU 20/06/2015 10:02

Quảng Nam có tiềm năng kinh tế biển, nhưng lợi thế này chưa khai thác hiệu quả. Do vậy, để tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, cần chuyển dịch mạnh mẽ hơn.

Ít tàu xa bờ

Cuối năm 2013, Bộ NN&PTNT phê duyệt phương án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện đời sống thu nhập cho ngư dân, giảm áp lực khai thác ven bờ, hướng đến xây dựng nghề khai thác hải sản bền vững. Cùng với đó, ngư dân có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi để đóng mới tàu công suất lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc đóng tàu vỏ thép vẫn ít được ngư dân lựa chọn. Năm 2015, hộ ông Lương Tấn Xị (xã Tam Giang, Núi Thành) được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi để đóng mới tàu trị giá hơn 4 tỷ đồng. Tàu ông Xị đang được đóng tại một cơ sở ở TP.Hội An, chờ ngày “xuống nước”. Theo ông, so với các địa phương khác trong tỉnh, đội tàu đánh bắt xa bờ ở Núi Thành mạnh về số lượng lẫn công suất thiết kế. Hầu hết ngư dân chỉ thích đóng loại tàu vỏ gỗ. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư đóng tàu vỏ sắt, dù UBND tỉnh đã công bố một số nơi đủ tiêu chuẩn hành nghề.

Trong tái cơ cấu ngành thủy sản sẽ giảm mạnh các phương tiện đánh bắt công suất nhỏ. Ảnh: TRẦN HỮU
Trong tái cơ cấu ngành thủy sản sẽ giảm mạnh các phương tiện đánh bắt công suất nhỏ. Ảnh: TRẦN HỮU

Nhiều chủ cơ sở đóng tàu thuyền ở làng nghề truyền thống Tân Phú (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) cho biết, đơn đặt hàng năm nay vẫn hạn chế, phần lớn đều đóng loại công suất 90CV trở xuống. Ngay cả doanh nghiệp tư nhân Hà Tiên Khôi (xã Tam Phú) cũng hoạt động cầm chừng. Theo chủ doanh nghiệp này, ngư dân rất ngại đóng tàu lớn tại địa phương do các thủ tục kiểm định, thiết kế tàu rườm rà, đối tác chỉ hợp đồng đóng thân tàu, còn thông thường lắp đặt máy móc tại các địa phương khác. Còn theo ngành thủy sản, việc áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới, chuyển dần từ thủ công truyền thống sang thực hiện quy trình thi công đóng lắp theo thiết kế an toàn gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, các khu neo đậu tránh bão cho tàu thuyền ở An Hòa, Hồng Triều, tránh bão Cẩm Nam năng lực chỉ đáp ứng gần 30% thực tế. Hệ thống cảng cá, chợ cá Kỳ Hà (Núi Thành), Cửa Đại (Hội An) phát triển rất manh mún, tự phát…

Dù đã chủ trương đánh bắt xa bờ nhiều năm nay, nhưng hiện sản lượng khai thác gần bờ hằng năm vẫn chiếm đến khoảng 70% tổng sản lượng hải sản đánh bắt được trên địa bàn tỉnh. Trong số gần 4.000 phương tiện tàu thuyền tham gia đánh bắt hải sản thì toàn tỉnh có chưa đến 200 tàu công suất 90CV trở lên. Trong khi đó, số tàu công suất lớn ở tỉnh Quảng Ngãi 2.541/4.423 chiếc (chiếm 57,4%) và Đà Nẵng 223/793 chiếc (chiếm hơn 28%). Số lượng tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2014, mỗi năm chỉ tăng bình quân 22 chiếc. Vì vậy rất nhiều lao động, ngư dân của tỉnh phải đi làm thuê cho các chủ tàu khác ngoài địa phương. Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT) phân tích, cái chính là nền tảng, nguồn lực trong nhân dân không bằng các địa phương lân cận. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho ngành thủy sản còn yếu và thiếu; trình độ dân trí vùng ven biển, hải đảo thấp trong khi ngân sách đầu tư hằng năm phần lớn phụ thuộc vào Trung ương nên chưa tạo đột phá trong phát triển kinh tế biển.

Mạnh dạn thay đổi

Theo Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 600 chiếc tàu đánh bắt xa bờ từ  90CV trở lên; giảm tàu cá ven bờ 20CV trở xuống, tăng nhanh loại 90CV trở lên. Giảm tỷ trọng sản lượng khai thác ven bờ chiếm 70% (năm 2014) xuống còn 40% vào năm 2020. Hàng năm tăng 50% nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để đóng mới, cải hoán tàu cá.

Ngành thủy sản cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Trung ương là “cú hích” để chuyển dịch mạnh mẽ ngành, từng bước thay đổi tâm lý, khuyến khích bà con đánh bắt hải sản từ tàu vỏ gỗ sang vỏ thép. Tổ chức lại sản xuất vùng biển khơi bằng cách ưu tiên đóng mới tàu công suất từ 400CV trở lên, tàu cá nhất thiết phải trang bị theo hướng hiện đại hóa các thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc, khai thác. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội tàu cá xa bờ với các nghề lưới vây khơi, câu mực khơi. Đi kèm theo đó là phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá,  xây dựng mô hình tàu chuyên dịch vụ hậu cần trên ngư trường khai thác để giúp ngư dân không chịu cảnh bị thương lái ép giá, tìm kiếm thị trường ổn định. Theo các ngư dân Cù Lao Chàm (TP.Hội An), đánh bắt vùng biển ven bờ và vùng lộng là thế mạnh của địa phương, không thể một sớm một chiều thay đổi được. Nếu tỉnh, thành phố cương quyết không để phát sinh loại tàu công suất 30CV trở xuống, giảm phương tiện làm nghề giã cào ven bờ thì phải hỗ trợ sinh kế cho ngư dân. Nhà nước sớm đầu tư các phương tiện vận tải hàng hóa nối giữa đất liền ra đảo.

Ông Nguyễn Văn Giỏi cho rằng, nói tái cơ cấu ngành thủy sản thì không đúng thực tế vì lâu nay chúng ta vẫn vừa làm vừa… định hướng. UBND tỉnh đã có quy hoạch vùng, ngành, quy hoạch kinh tế - xã hội, trong đó có đề cập kinh tế biển, nhưng quy hoạch vẫn còn chung chung, chưa phù hợp và chưa dự báo được tình hình phát triển. Ở nơi giàu mạnh về nghề cá như Núi Thành, phải lập tức điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất ven biển để hình thành trung tâm nghề cá. “Rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể ngành thủy sản và lĩnh vực khai thác hải sản, đồng bộ giữa năng lực khai thác trên biển với hậu cần dịch vụ trên bờ, hệ thống thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển kinh tế biển nhưng phải lo bảo vệ môi trường biển, trong đó chú ý bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ vùng đới bờ” – ông Giỏi nói.  Ở tầm nhìn xa, ngành thủy sản đang có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nghề cá như mở lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá cho ngư dân; phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề đào tạo công nhân kỹ thuật, thuyền viên. Các địa phương ven biển kiến nghị, muốn giải quyết tốt vấn đề an dân và an sinh, phải sắp xếp dân cư ven biển phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân bám biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Mỗi ngư dân cũng là chiến sĩ bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU