Phát triển nông nghiệp bền vững

NGUYỄN SỰ 12/06/2015 09:28

Nhờ tập trung đầu tư đồng bộ nhiều khâu nên 5 năm qua ngành nông nghiệp huyện Hiệp Đức đã có những bước chuyển biến rõ nét, góp phần nâng cao đời sống người dân và tạo ra diện mạo mới cho nông thôn.

Nâng cao năng suất cây trồng

Ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, hiện nay mỗi vụ nông dân trên địa bàn huyện gieo sạ 1.354ha lúa. Xác định nước tưới là khâu quan trọng nên những năm qua chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi. Chỉ tính riêng trong vòng 5 năm trở lại đây, bằng nhiều nguồn vốn huy động, Hiệp Đức đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa, gia cố hệ thống hồ chứa, đập dâng và kiên cố hóa nhiều tuyến kênh mương trọng yếu. Nhờ vậy, đến nay trong tổng số 1.354ha đất lúa thì đã có 75% diện tích chủ động tưới, tăng 15% so với năm 2010. Theo ông Viên, bên cạnh việc nỗ lực lo khâu thủy lợi, Hiệp Đức cũng chú trọng chuyển giao mạnh mẽ tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho nhà nông và du nhập nhiều loại giống có chất lượng về hỗ trợ người dân canh tác đại trà. “Nhờ tập trung đầu tư đồng bộ nhiều khâu nên từ năm 2010 đến nay nông dân Hiệp Đức thường xuyên gặt được mùa vàng. Theo khảo sát, vụ đông xuân vừa rồi năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 54 tạ/ha, tăng 4 tạ/ha so với cách đây 5 năm” – ông Viên chia sẻ.

Khai thác mủ cao su đại điền tại xã Quế Bình. Ảnh: NGUYỄN SỰ
Khai thác mủ cao su đại điền tại xã Quế Bình. Ảnh: NGUYỄN SỰ

Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, từ năm 1998 đến nay Hiệp Đức trở thành thủ phủ của cây cao su. Theo ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Phó phòng NN&PTNT Hiệp Đức, tính đến nay Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam đã trồng được 2.575ha cao su đại điền tại các địa phương của huyện. Những năm qua, trên địa bàn Hiệp Đức có gần 850 hộ dân nhận khoán trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su cho công ty với mức thu nhập tương đối ổn định. Ông Nghiệp nói: “Trước hiệu quả thiết thực của cây cao su, mấy năm gần đây được sự hỗ trợ từ nhiều phía, nông dân Hiệp Đức mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng cao su theo phương thức tiểu điền. Hiện nay toàn huyện đã trồng được 1.830ha cao su tiểu điền, trong đó có 125ha đã tiến hành cạo mủ, tập trung nhiều nhất tại các xã Sông Trà, Quế Bình, Quế Lưu. Bình quân mỗi năm 1ha cao su tiểu điền thu được 1,2 - 1,4 tấn mủ khô, đạt giá trị khoảng 58 - 65 triệu đồng”.

Phát triển chăn nuôi tập trung

Theo Báo cáo chính trị sẽ trình Đại hội Đảng bộ huyện Hiệp Đức lần thứ VIII, trong 5 năm qua tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản của địa phương đạt xấp xỉ 451 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 7,25%, vượt 1,25% so với nghị quyết đề ra.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Chủ tịch UBND huyện cho biết, ngoài việc phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi theo hướng tập trung, những năm tới Hiệp Đức sẽ tiếp tục duy trì các mô hình trồng rừng nguyên liệu giấy. Cạnh đó, nếu giá mủ cao su ở mức cao và thị trường tiêu thụ ổn định thì từ nay đến năm 2020 địa phương sẽ tiến hành quy hoạch, hỗ trợ nông dân mở rộng thêm khoảng 1.000ha cao su tiểu điền.

Bên cạnh việc chú trọng đầu tư cho lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp, những năm qua nông dân Hiệp Đức cũng đã tập trung phát triển mạnh ngành chăn nuôi theo phương thức trang trại và gia trại. Theo ông Huỳnh Đức Viên – Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức, hiện nay trên địa bàn huyện có 35 trang trại, gia trại chăn nuôi heo siêu nạc tập trung với quy mô vừa và lớn, mang lại cho người dân nguồn thu nhập rất cao. Ông Viên cho biết thêm, tính đến thời điểm này Hiệp Đức cũng đã hình thành được 250 trang trại chăn nuôi bò lai với số lượng 10 - 75 con/mô hình. “Thực tế cho thấy, thời gian qua mô hình chăn nuôi bò đàn theo hướng thâm canh và bán thâm canh ở các địa phương của huyện cho hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi năm một trang trại thu về 100 - 350 triệu đồng” – ông Viên nói. Theo tìm hiểu, hiện nay tổng đàn bò tại 12 xã, thị trấn của Hiệp Đức là 13.700 con. Những năm gần đây, nhờ ngành chuyên môn và người dân nỗ lực cải tạo chất lượng con giống nên trong tổng số bò vừa nêu thì tỷ lệ bò lai chiếm đến 80%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tỉnh – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, thời gian qua việc phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, an toàn sinh học đã mang lại hiệu quả hết sức thiết thực cho người dân Hiệp Đức. Trong những năm tới, chính quyền địa phương và các ngành liên quan sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhân dân cũng như các doanh nghiệp nhân rộng mô hình này. Ông Tỉnh nói: “Phát triển chăn nuôi theo hướng nay không chỉ tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế mà còn hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường chứ nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ như lâu nay thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ”.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ