Khó trả nợ xây dựng cơ bản

TÙY PHONG 03/06/2015 08:07

Ngân sách thiếu hụt, không đủ nguồn lực để trả nợ xây dựng cơ bản đang là mối quan tâm của các địa phương, có nguy cơ dẫn đến nợ dây chuyền sang doanh nghiệp.

Ngày 1.6.2015, khi chính quyền TP.Hội An công bố đến ngày 31.12.2014, tổng nợ xây dựng cơ bản ước tính khoảng 331,763 tỷ đồng đã khiến nhiều thành viên tham dự cuộc làm việc giữa Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh với UBND thành phố đã tỏ ra lo ngại và đặt ra những câu hỏi chất vấn. Không có câu trả lời cụ thể nào từ chính quyền địa phương cho các câu hỏi “vì sao nợ xây dựng cơ bản quá lớn và chính quyền có kiểm soát được hay tính toán trả nợ hay không?”, mà chỉ cho biết kế hoạch chung chung là sẽ dành khoảng 70% kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong hai năm 2015 và 2016 để bố trí trả các khoản nợ trên.

Câu chuyện không biết dựa vào đâu để tính toán trả nợ không chỉ của riêng Hội An mà diễn ra ở nhiều địa phương. Theo số liệu công bố của Sở KH&ĐT hồi cuối tháng 12.2014, số nợ đọng của Quảng Nam khoảng 3.772 tỷ đồng. Số nợ của khối tỉnh quản lý không đáng kể, chỉ khoảng 1.256 tỷ đồng, có đủ khả năng cân đối để trả nợ. Còn số nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách địa phương tự cân đối khoảng 750 tỷ đồng. Theo nhận định của cơ quan quản lý, việc gia tăng đầu tư công, trong đó có đầu tư phát triển không phải là nguyên nhân gây ra bất ổn mà chính là việc lập, thẩm định, phê duyệt, giám sát, đánh giá chất lượng dự án đầu tư và quy trách nhiệm cụ thể… đã không được thực hiện một cách chặt chẽ. Hệ quả là đầu tư dàn trải, chi phí đầu tư tăng cao, hiệu quả đầu tư thấp… dẫn đến vượt khả năng trả nợ của ngân sách. Thực tế, từ năm 2006 đến nay, chính quyền địa phương toàn quyền quyết định dự án đầu tư, phân bổ kế hoạch đầu tư phát triển. Sự phân cấp triệt để nhưng thiếu hậu kiểm đã dẫn đến tình trạng bùng nổ dự án, vượt quá khả năng cân đối ngân sách và nợ chồng lên nhau khiến ngân sách địa phương không đủ nguồn lực chi trả. Nếu như áp dụng nguyên tắc vốn đến đâu thi công đến đó thì tình trạng nợ đọng đã không thể như hiện nay.

Nợ đọng xây dựng cơ bản đã dẫn đến hệ lụy một khi nhiều dự án chưa được thanh toán hết cho nhà thầu. Chủ đầu tư nợ nên doanh nghiệp không có vốn để thi công các công trình tiếp theo. Chính quyền địa phương (chủ đầu tư các dự án xây dựng cơ bản có vốn từ ngân sách nhà nước) nợ tiền doanh nghiệp, đến lượt doanh nghiệp nợ lương người lao động, nợ ngân hàng, nợ các doanh nghiệp khác kéo theo một mối nợ dây chuyền trở thành vòng luẩn quẩn. Ngân sách năm nào cũng giải quyết trả nợ nhưng khoản trả ấy chỉ có thể đủ để doanh nghiệp trả lãi ngân hàng. Các khoản nợ này ngày càng có nguy cơ phình to và không thể giải quyết dứt điểm bởi nguồn ngân sách luôn có hạn mà yêu cầu đầu tư phát triển thì mỗi năm càng gia tăng. Tình trạng này cũng “góp phần” làm cho cộng đồng doanh nghiệp hụt hơi, đuối sức.

Nếu ngân sách có tiền, chính quyền trả được một phần nợ đọng xây dựng cơ bản, nhiều doanh nghiệp sẽ hồi sinh. Tuy nhiên, hiện ngân sách địa phương khá bế tắc, làm sao để tính toán trả nợ trong khi nhu cầu đầu tư mỗi ngày lại tăng là điều không dễ.

TÙY PHONG

TÙY PHONG