Mỏ vàng đang chờ khai thác…

TRƯƠNG HUYNH 26/05/2015 09:52

Sâm Ngọc Linh mọc chủ yếu trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc xã Trà Linh (Nam Trà My) ở độ cao 1.200 - 2.100m. Đây là loại dược liệu cực kỳ quý hiếm với 26 dược chất được phát hiện và 24 dược chất quý đang phân tích.

Cây thuốc giấu…

Cây sâm Ngọc Linh hay còn gọi là sâm K5, sâm mắt trúc mọc tự nhiên và chỉ có duy nhất ở vùng núi Ngok Linh - Nam Trà My. Từ xa xưa, người dân Xê Đăng ở đây gọi là củ Kang và đã biết đến công dụng của loại củ này đối với sức khỏe con người. Họ sử dụng củ sâm như một loại thuốc cổ truyền để cầm máu, lành vết thương, làm thuốc bổ, điều trị sốt rét, chữa đau bụng, phù nề… Già làng Hồ Văn Reo năm nay 75 tuổi ở nóc Măng Lùng, thôn 2 xã Trà Linh, cho biết, từ nhỏ ông thường theo người lớn vào rừng để đào củ sâm đem về nhà làm thuốc chữa bệnh. Do cây sâm tự nhiên mọc dưới tán lá rừng già ở những nơi ẩm ướt nên muốn hái được phải chọn thời điểm khoảng tháng 8 vì khi đó hạt sâm chín đỏ nên rất dễ phát hiện. Củ sâm sau khi đem về sẽ được chôn dưới đất để giữ tươi. Mỗi khi trong làng có người ốm đau chỉ cần đem sâm ra giã nhuyễn cho vào miệng ngậm là lành bệnh ngay. Nhất là những trường hợp dân làng bị thương trong quá trình săn bắt thú rừng hoặc đi nương, đi rẫy, chỉ cần nhai nhỏ củ sâm rồi đắp trực tiếp vào vết thương thì sẽ cầm máu ngay lập tức. “Ngày xưa làm gì có bệnh viện, thuốc tây. Mỗi khi đau ốm, thương tật, dân làng Xê Đăng chúng tôi chủ yếu dùng củ sâm để chữa trị. Bây giờ cũng vậy, khi ốm đau thì củ sâm là ưu tiên hàng đầu trong việc chữa trị bệnh. Người Xê Đăng gọi nó là cây thuốc giấu quý hiếm mà” - Già làng Reo cho biết.

Một luống sâm 5 năm tuổi đang ra hoa ở xã Trà Linh.          Ảnh: T.HUYNH
Một luống sâm 5 năm tuổi đang ra hoa ở xã Trà Linh. Ảnh: T.HUYNH

Loài sâm quý hiếm

Những năm chiến tranh, vùng rừng núi Nam Trà My là căn cứ cách mạng của Khu ủy khu 5 và các đơn vị bộ đội chủ lực cũng chọn nơi này đóng quân rất đông. Trong đó có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ bị sốt rét hành hạ đến thập tử nhất sinh. Trước tình cảnh đó, dân làng Xê Đăng đã vào rừng đào củ sâm về chữa sốt rét cho bộ đội. Thậm chí những chuyến hành quân xa, khi bộ đội ngậm củ sâm trong miệng, việc leo núi rất nhanh chóng, ít mệt hơn. Từ đó thông tin về một loại củ rừng có công dụng rất hữu hiệu đã được lan truyền nhanh chóng. Năm 1973, Khu Y tế Trung Trung Bộ cử một tổ công tác đi điều tra thực địa và phát hiện cây sâm mọc rất nhiều trên đỉnh núi Ngọc Linh ở độ cao 1.800m so với mặt biển. Sau khi cây sâm được phát hiện, Khu ủy khu 5 đã chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng Dược Trung Trung Bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng giúp bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp. Ngoài ra, sâm Ngọc Linh có những tính năng tuyệt hảo như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có, đó là giúp cơ thể kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống ôxy hóa, và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường.

Củ sâm Ngọc Linh 2 lạng có giá bán hơn 8 triệu đồng (ảnh nhỏ).
Củ sâm Ngọc Linh 2 lạng có giá bán hơn 8 triệu đồng.

Khi củ Kang được phát hiện là củ sâm Ngọc Linh, nó trở thành một loại dược liệu có giá trị kinh tế rất cao. Người Xê Đăng ở Trà Linh vào rừng tìm củ sâm Ngọc Linh đưa về trồng trong các khu vườn để chăm sóc, bảo quản tốt hơn. Hiện xã Trà Linh có khoảng 70ha vườn sâm do nhân dân phát triển. Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My cũng đã thành lập 2 trạm dược liệu ngay tại thôn 2 xã Trà Linh với mục đích bảo tồn nguồn giống để cung ứng kịp thời nhu cầu phát triển sâm Ngọc Linh tại địa phương. Qua tổ chức di thực từ tự nhiên vào vườn cho thấy, mỗi cây sâm giống có giá chừng 25.000 đồng, sau khi đưa vào trồng từ 5 năm trở đi là có thể thu hoạch củ. Hiện ở Trà Linh, một ký sâm loại 10 củ trị giá khoảng 35 triệu đồng, loại 2 - 3 củ có giá khoảng 25 - 27 triệu đồng/kg. Không những có giá trị kinh tế rất cao, sâm Ngọc Linh còn cho lá với giá bán giao động khoảng 1 triệu đồng/kg và cho hạt để nhân giống sâm con. Tính ra cây sâm Ngọc Linh đem lại hiệu quả kinh tế gấp trăm lần các loại cây khác. Theo thống kê, hiện ở xã Trà Linh có rất nhiều hộ đã làm giàu rất nhanh và bền vững từ cây sâm. Trong đó có hơn chục hộ Xê Đăng đang nắm trong tay hàng chục tỷ đồng từ việc phát triển sâm như các ông Hồ Văn Du, Nguyễn Văn Lượng, Hồ Văn Hình… Kinh nghiệm cho thấy, ở Trà Linh gia đình nào chú tâm trồng sâm Ngọc Linh thì không còn nghèo đói. Loại sâm này cũng rất dễ trồng và chăm sóc. Người Xê Đăng sau khi ươm giống, lập vườn theo luống rồi đưa sâm vào trồng kết hợp bón mùn cây mục để sâm nhanh phát triển. Tiếp đó lập hàng rào và chốt canh giữ khỏi thú rừng phá hại. Hiện tại nhu cầu tiêu thụ sâm Ngọc Linh trong nước luôn ở mức cao, nguồn cung không đủ cầu do số lượng sâm còn hạn chế.

Chờ khai thác

Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My đã có những động thái tích cực nhằm phát triển diện tích trồng sâm trong nhân dân. Cùng với việc nhân giống truyền thống từ tỉa hạt, hiện nay sâm Ngọc Linh cũng đã được nhân giống thành công từ phương pháp nuôi cấy mô trong ống nghiệm. Tháng 7.2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 2117/QĐ-UBND về việc quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My giai đoạn 2014 - 2020 với diện tích 19.000ha tại 7 xã. Huyện Nam Trà My cũng đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương huyện đo đạc, khoanh vùng diện tích 10.000ha đất trồng sâm; hỗ trợ các thủ tục, cơ chế, chính sách ưu đãi các doanh nghiệp vào đầu tư trồng, bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Hiện đã có doanh nghiệp triển khai 3 dự án với diện tích 150ha, tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư, huyện Nam Trà My cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công trục đường nhựa nối từ quốc lộ 40B lên xã Trà Linh. Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện đang tập trung bố trí nguồn lực hoàn thành các hạng mục hạ tầng ở vùng sâm Ngọc Linh như giao thông, điện, viễn thông nhằm cung cấp các dịch vụ cho các nhà đầu tư tham gia dự án phát triển cây sâm. “Chúng tôi cam kết sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đón các nhà đầu tư tham gia dự án phát triển sâm Ngọc Linh. Huyện sẽ chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân, chính quyền cơ sở ủng hộ, cấp đất hỗ trợ các doanh nghiệp đến đầu tư, trồng sâm Ngọc Linh” - ông Hồ Quang Bửu khẳng định.

Theo người dân bản địa, tại 7/10 xã của huyện Nam Trà My trước đây đều có sâm Ngọc Linh tự nhiên mọc nhiều. Do khai thác một cách tận diệt nên hiện chỉ có xã Trà Linh là còn sâm. Vì vậy, khi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, địa phương sẽ tạo cơ chế thoáng, bố trí những vùng đất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhất với cây sâm để phát triển. Cùng với đó, lực lượng lao động nhàn rỗi ở Nam Trà My cũng rất nhiều nên sẽ đáp ứng nguồn nhân công cho các doanh nghiệp trong việc chăm sóc, bảo vệ các vườn sâm. Huyện cũng khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng cơ sở chế biến, chiết xuất dược chất sâm Ngọc Linh thành các sản phẩm bổ dưỡng phục vụ sức khỏe con người như thuốc, nước tăng lực, thực phẩm chức năng… Với những cơ chế thoáng, huyện Nam Trà My đang “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển, khai thác lợi ích từ cây sâm Ngọc Linh một cách công nghiệp, bền vững, qua đó góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh.

TRƯƠNG HUYNH

TRƯƠNG HUYNH