"Điểm sáng" mô hình kinh tế hợp tác
Đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội xã Đại Hiệp thời gian qua có một phần không nhỏ của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp (HTX Đại Hiệp).
Được thành lập từ năm 1978, trải qua thời kỳ sáp nhập và chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới từ năm 1997, đến nay, HTX Đại Hiệp đã có những bước tiến vượt bậc, thu hút hơn 2.000 xã viên với doanh thu không ngừng tăng trưởng mỗi năm. Cụ thể, nếu doanh thu HTX ở thời điểm năm 2010 là 8,48 tỷ đồng, năm 2012 là 17,75 tỷ đồng thì năm 2014, con số này là 23,05 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2014, HTX sở hữu tổng vốn trên 14 tỷ đồng và trong năm 2014, HTX đạt mức lãi suất hơn 600 triệu đồng. Ông Phạm Thành Sư - Chủ nhiệm HTX Đại Hiệp cho hay, có được thành quả đó là nhờ HTX đã không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, đa dạng hóa các dịch vụ, từ làm đất, thủy lợi, bảo vệ thực vật, xây dựng cánh đồng sản xuất giống và cung ứng vật tư nông nghiệp. Cùng với đó, HTX cũng đẩy mạnh công tác khuyến nông, chủ động ứng dụng giống cây trồng mới, phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Vai trò làm “bà đỡ”, chỗ dựa của nông dân thể hiện ở việc HTX đứng ra bao tiêu, đảm nhận tất cả khâu dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp. Các yếu tố đầu vào trong sản xuất như chi phí làm đất, thủy lợi, giống, phân bón, thuốc trừ sâu… cũng được HTX đảm nhận đầu tư và nhận hoàn trả sau khi vụ mùa kết thúc. Việc làm này đã giúp hộ nông dân thiếu vốn, thiếu sức lao động yên tâm sản xuất, nhờ đó làm tăng năng suất các loại giống cây trồng, giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm đều tăng 10 - 15%.
Sản xuất gạch tuynel tại Đại Hiệp. Ảnh: Nhật Duy |
Ngoài đảm nhận các khâu dịch vụ sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực kinh doanh tổng hợp là lĩnh vực quan trọng, không ngừng được HTX chú trọng đẩy mạnh, đa dạng hóa loại hình. Ví như, việc nâng cấp, cải tạo toàn bộ hệ thống lưới điện hạ thế phục vụ ánh sáng sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, đảm bảo 100% hộ dân có điện thắp sáng đầy đủ và an toàn. Xưởng may mặc của HTX hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho 30 lao động nữ có việc làm với mức thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. “Đặc biệt là, từ năm 2010, HTX đã chủ động đưa dây chuyền sản xuất, lò nung gạch tuynel trị giá 10 tỷ đồng vào hoạt động với công suất nhà máy đạt 12 triệu viên gạch/năm. Với dây chuyền công nghệ mới này, HTX đã tạo công ăn việc làm cho hơn 80 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 3,5 triệu đồng/người/tháng” - ông Sự thông tin thêm.
Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, là xã nông thôn mới, bình quân thu nhập đầu người của Đại Hiệp hiện đạt gần 23 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế không ngừng chuyển dịch theo hướng công nghiệp; đời sống nhân dân càng khởi sắc. Song, địa phương vẫn chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác phát triển, phát huy vai trò “bà đỡ” thực thụ cho xã viên. “Quan trọng là để HTX vững mạnh toàn diện, ngoài sự tự nguyện tham gia của hộ xã viên, cần có sự hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi từ phía Nhà nước để HTX có điều kiện đầu tư công nghệ, thiết bị, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động” - bà Hồng nói.
Với những nỗ lực trên, HTX Đại Hiệp đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ cùng nhiều bằng khen của Bộ NN&PTNT, Liên minh HTX Việt Nam và Cờ thi đua xuất sắc, bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam nhiều năm liền.
NHẬT DUY