Cải thiện thu nhập từ cây kim tiền thảo

VĂN HÀO 11/05/2015 09:16

Kim tiền thảo là loại cây dược liệu bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nông dân tại thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) sau 3 năm trồng thử nghiệm.

Ổn định

Tại cánh đồng Bà Táng (tổ 13, thị trấn Hà Lam), nhiều nông dân đang bận rộn vào vụ thu hoạch cây thuốc nam kim tiền thảo. Nắng đổ lửa, chị Tô Thị Kim Hà (người địa phương) tay thoăn thoắt cắt từng gùi kim tiền thảo trên 4 sào đất của gia đình. Chị cho biết, diện tích đất này trước đây từng trồng dưa, đậu phụng, mè… nhưng giá cả đầu ra, năng suất bấp bênh nên từ khi chuyển đổi sang trồng loại cây dược liệu này, giá trị kinh tế được cải thiện rõ rệt. “Thông qua chính quyền địa phương, nông dân chúng tôi hợp đồng với một công ty liên doanh có văn phòng đại điện tại Đà Nẵng. Họ cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm chúng tôi làm ra. Cây kim tiền thảo thu hoạch về được xắt nhỏ, đem phơi khô và cung cấp cho họ với giá 15 nghìn đồng/kg” - chị Hà nói.

Sau mỗi đợt ra hoa, nông dân thu hoạch kim tiền thảo một lần. Ảnh: VĂN HÀO
Sau mỗi đợt ra hoa, nông dân thu hoạch kim tiền thảo một lần. Ảnh: VĂN HÀO

Ông Võ Đông Hải - Tổ trưởng tổ 13 (thị trấn Hà Lam) cho biết, từ năm 2012, Công ty CP Beegreen (đóng tại TP.Hồ Chí Minh) hợp đồng với 10 hộ dân ở địa phương tham gia trồng thử nghiệm cây dược liệu này trên diện tích 1ha; đến nay đã mở rộng lên 5ha với hơn 40 hộ trồng. “Gia đình tôi cũng trồng được 3 sào kim tiền thảo. Nếu trồng đậu phụng, được mùa thì lãi chưa tới 4 triệu đồng/sào, còn trồng kim tiền thảo có thể thu được 5 - 6 triệu đồng. Hơn nữa, nông dân không phải lo canh cánh đầu ra như những mặt hàng nông sản khác, chi phí đầu vào cũng thấp hơn nhiều” - ông Hải lý giải. Theo nhiều nông dân, loại cây này dễ trồng, thích hợp trên đất cát pha. Thời gian trồng bắt đầu từ tháng 11 âm lịch và thời gian thu hoạch kéo dài đến tháng 8, tháng 9 năm sau. Từ giống cây con ban đầu, người dân có thể cắt thu hoạch tối đa 3 lần, na ná như dây khoai lang. Lần thu hoạch đầu tiên sau 4 tháng, những lần kế tiếp thời gian được rút ngắn lại. Chi phí đầu tư phân bón sau mỗi kỳ khoảng 300 nghìn đồng/sào và ít lo bị sâu bệnh. Hiện tại tổ 13 (thị trấn Hà Lam) có 2 vườn ươm giống cây dược liệu này.

Kim tiền thảo là loại cây thuộc họ đậu, trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Ở Quảng Nam mới trồng thử nghiệm tại thị trấn Hà Lam (Thăng Bình). Loại dược liệu này có rất nhiều công dụng trong y học, nổi bật là dùng để chữa trị các bệnh sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, viêm gan, viêm thận...

Lão nông Lê Văn Tri (tổ 13, thị trấn Hà Lam) là người tiên phong,  mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác để sang trồng giống cây kim tiền thảo. Ông cho biết năm đầu tiên trồng thử nghiệm, qua 2 đợt thu hoạch, 1 sào thu được 4 tạ kim tiền thảo đã phơi khô. Nhẩm tính, với 3 sào hiện nay gia đình thu được khoảng 18 triệu đồng và đặc biệt rất ít rủi ro. “Thấy hiệu quả kinh tế nên nhiều hộ khác cũng hợp đồng tham gia trồng, tuy nhiên còn phải phụ thuộc vào phía đối tác nên diện tích chưa được mở rộng nhiều. Hồi trước gia đình tôi trồng 3 sào đậu phụng, bình quân mỗi vụ thu được 3 triệu đồng/sào. Sau đó, thời gian đất trống tận dụng để trồng mè, bắp, dưa...” - ông Tri kể. Dẫu vậy, để thu hoạch loại cây này tốn rất nhiều công lao động vì không thể áp dụng máy móc cơ giới hóa. Người nông dân phải tự tay cắt từng dây, sau đó còn trải qua nhiều công đoạn khác trước khi giao sản phẩm cho phía đối tác.

Mong muốn nhân rộng

Ông Nguyễn Thọ - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam cho biết, giá trị kinh tế mà cây kim tiền thảo mang lại cho người dân trong vài năm lại đây rất khả quan. Địa phương còn nhiều vùng đất tiềm năng và muốn nhân rộng nhưng phải phụ thuộc vào nhu cầu bên phía công ty. “Hiện kim tiền thảo chỉ trồng tập trung chủ yếu ở tổ 13, năm nay được mở rộng thêm số ít ở các tổ lân cận. Địa phương tiếp tục đóng vai trò cầu nối để nông dân có thêm điều kiện tham gia trồng và chúng tôi mong muốn phát triển được khoảng 30 - 40ha kim tiền thảo tại thị trấn này” - ông Thọ nói. Còn theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, trong bối cảnh đầu ra của nông sản nhiều biến động như hiện nay thì những giống cây trồng được bao tiêu sản phẩm là hướng đi phù hợp, cho kinh tế ổn định với nông dân. “Bên phía công ty họ tập huấn bài bản kỹ thuật trồng cho người dân. Ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục định hướng quy hoạch, xúc tiến sản xuất. Cạnh đó Hợp tác xã 612 trên địa bàn vừa mới thành lập, chuẩn bị đi vào hoạt động hứa hẹn là khâu trung gian hiệu quả để người dân các xã khác tiến gần hơn với công ty đối tác” - ông Vũ cho biết.

VĂN HÀO

VĂN HÀO