Nâng cao chất lượng "tín dụng vì dân"

TÙY PHONG 22/04/2015 10:12

Cung ứng kịp thời nguồn vốn hiệu quả đến người thụ hưởng; kiểm soát chặt, đưa nợ quá hạn về dưới mức 0,03% và nghiên cứu điều chỉnh lãi suất phù hợp là những giải pháp để nguồn vốn “tín dụng vì dân” của Ngân hàng Chính sách xã hội phát huy vai trò “điểm tựa” giúp nhân dân thoát nghèo.
Dư nợ cho vay tăng

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Quảng Nam, tổng dư nợ của ngân hàng tính đến cuối tháng 3.2015 đã đạt trên 3.218 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng chủ yếu tập trung vào cho vay hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường và các dự án phát triển ngành lâm nghiệp. Dư nợ Chương trình cho học sinh sinh viên vay đã giảm đến 40 tỷ đồng so với đầu năm. Đây là tín hiệu để nỗi lo về nguy cơ không trả được nợ của chương trình này được giải tỏa. Chất lượng tín dụng đang ở ngưỡng rất an toàn khi tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,04%/tổng dư nợ với khoảng 1,357 tỷ đồng. Ông Lê Hùng Lam – Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, kết quả này có được là nhờ nỗ lực của cán bộ, nhân viên ngân hàng trong việc thu hồi nợ quá hạn, xử lý nợ xấu tồn đọng, hạn chế tối đa nợ quá hạn mới phát sinh, nâng cao chất lượng cho vay… Những cuộc kiểm tra, đối chiếu nợ công khai, trực tiếp đến hộ vay đã ngăn chặn, hạn chế tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn, bảo toàn vốn nhà nước và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn. Hiện Phước Sơn, Hiệp Đức, Hội An, Nam Trà My và 136/244 xã không có nợ quá hạn.

Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều người dân đã đầu tư các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả. TRONG ẢNH: Mô hình nuôi cá chẻm ở Tam Hòa, Núi Thành. Ảnh: MINH ĐỨC
Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều người dân đã đầu tư các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả. TRONG ẢNH: Mô hình nuôi cá chẻm ở Tam Hòa, Núi Thành. Ảnh: MINH ĐỨC

Ông Lam cũng thừa nhận ngân hàng vẫn còn khá nhiều tồn tại cần được tháo gỡ. Đó là vốn vay theo các chỉ tiêu phân bổ còn chậm. Nguồn thu hồi chưa được cho vay quay vòng kịp thời. Nhiều tổ chức kinh tế có nhu cầu nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm, để tồn đọng vốn thường xuyên. Mặt khác, việc thu lãi quý I.2015 chưa đạt kế hoạch, nhất là tháng 2 khi chỉ có 87%. Nhiều đơn vị thu lãi thấp dưới 80% như Nam Trà My (54%), Đông Giang (60%), Tây Giang (73%), Bắc Trà My (74%) và Nam Giang (80%). Số hộ tham gia gửi tiết kiệm qua tổ chức không đều đặn hàng tháng đã khiến vốn tiết kiệm huy động giảm đến hơn 11,7 tỷ đồng so với đầu năm…

Đưa vốn đúng địa chỉ

Những câu chuyện về hành trình thoát nghèo từ nguồn tín dụng ưu đãi cho thấy vài trò trở thành “điểm tựa” cho người nghèo của Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam luôn được phát huy trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chính quyền địa phương các huyện, thị và người vay vẫn còn băn khoăn khi cho rằng bản chất tín dụng chính sách là tín dụng vì dân, lãi suất cho vay bằng hoặc thấp hơn các ngân hàng thương mại, nhưng hiện tại lãi suất lại cao hơn nên cần tính toán lại một cách hợp lý. Theo ông Lê Hùng Lam, ngân hàng cho vay không vì lợi nhuận. Cho vay theo quy định của Chính phủ. Lãi suất ngân hàng thương mại hiện thấp hơn, nhưng muốn vay không dễ, phải có tài sản thế chấp và chứng minh đủ thứ. Những hộ nghèo, cận nghèo không phải ai cũng có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại sẽ điều chỉnh lãi suất theo tín hiệu thị trường, theo hướng bao giờ cũng có lợi cho họ. Còn tín dụng chính sách cho vay ổn định nhiều năm. Chính phủ sẽ quyết định điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ với nguyên tắc thấp hơn hoặc bằng. Nhưng bù lại, vay tín dụng chính sách thì sẽ ưu tiên thủ tục, thời gian. Người vay không bị ràng buộc gì cả. Nếu chấp hành tốt thì hiệu quả, chất lượng tín dụng tốt, còn không thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn. Đó là sự khác biệt, nên không thể so sánh được.

Ông Lam dự kiến nguồn vốn huy động và dư nợ năm 2015 sẽ tăng khoảng 6 - 8%, nợ quá hạn dưới mức 0,03% và đạt 98% số lãi phải thu. Tuy nhiên, con số ấy có thể đạt được hay không còn phụ thuộc vào biện pháp hữu hiệu, cụ thể để thu hồi số nợ gốc gần 2,5 tỷ đồng của 181 hộ vay đã rời bỏ khỏi địa phương chưa xác định được địa chỉ. Ông Nguyễn Ngọc Nam – Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh (thành viên HĐQT Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam) cho hay không thể chấp nhận để tình trạng người vay bỏ đi khỏi địa phương, tránh trả nợ cho Nhà nước. Chỉ cần có sự kết hợp giữa ngân hàng và địa phương chặt chẽ thì không khó để giải quyết chuyện này vì các địa phương không thể không biết đến sự biến động cư trú. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng tín dụng chính sách là giải pháp, công cụ thực hiện giảm nghèo cơ bản, bền vững. Giải ngân kịp thời nguồn vốn đến đúng người thụ hưởng hiệu quả, tránh lợi dụng vốn ưu đãi sử dụng sai mục đích… mới đúng bản chất của tín dụng vì dân. Vì vậy, không chỉ tuyên truyền trên báo, đài, ngân hàng cần mở rộng tuyên truyền trực tiếp đến người dân về chính sách tín dụng; rà soát, vận động người vay trả nợ Nhà nước. Nếu người vay quá khó khăn, cần phân tích nguyên nhân để có phương án xử lý nợ cho dân. Chính quyền sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh nếu lãi suất ngân hàng chính sách cao hơn ngân hàng thương mại trong một thời gian dài…

TÙY PHONG

TÙY PHONG